Xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập
Chiều ngày 18/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức) tại Việt Nam tổ chức toạ đàm công bố “Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2023: Thị trường Lao động ở Việt Nam”.
Đây là số thứ sáu trong chuỗi Báo cáo Quốc gia Việt Nam nhờ sự hợp tác rất thành công giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức).
Phát biểu khai mạc PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đã trình bày những kết quả nổi bật trong các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm. Qua quá trình đổi mới của Việt Nam trong suốt gần 40 năm qua, chúng ta ngày càng nhận thức rõ ràng rằng nguồn lao động là vốn quý, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam.
Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội được Chính phủ ban hành, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.
Hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện; quan hệ cung - cầu lao động gia tăng; chất lượng việc làm ngày càng cải thiện; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên, đóng góp quan trọng vào những thành tựu về kinh tế-xã hội Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp; gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); nhiều lao động di cư trở về quê, khiến quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực...
Để xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức) tại Việt Nam tổ chức toạ đàm công bố “Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2023: Thị trường Lao động ở Việt Nam”.
“Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2023: Thị trường Lao động ở Việt Nam” được chia thành nhiều phần. Phần thứ nhất cung cấp thông tin cơ bản về thị trường lao động ở Việt Nam (tác giả Đặng Hoàng Linh) và giới thiệu khung pháp lý trong nước và quốc tế (tác giả Ngô Minh Hương).
Phần thứ hai thảo luận chi tiết hơn về thị trường lao động chính thức (tác giả Lê Thị Thanh Hà) và phi chính thức (tác giả Trịnh Thu Nga) trong nước, việc làm ở khu vực nông thôn và di cư lao động đến các thành phố và trung tâm công nghiệp (tác giả Nguyễn Thị Phương Mai), và về phụ nữ cùng những cơ hội và khó khăn trong thế giới lao động (các tác giả Vũ Thị Minh Thắng và Nguyễn Thị Thúy Hằng).
Phần thứ ba của báo cáo tập trung vào những thách thức mới của đất nước, bao gồm: những cải cách cần thiết trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo tại doanh nghiệp (tác giả Phùng Lệ Khánh) và sự cần thiết phải đổi mới giáo dục tại các trường đại học của đất nước (tác giả Lại Quốc Khánh).
Phần thứ tư của báo cáo cung cấp thông tin tổng quát hơn (các tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang và Lưu Thị Thùy Hương), với ấn phẩm này là về thị trường lao động ở Việt Nam liên quan đến luật, chính sách và nghiên cứu về lao động. Vì đôi khi các tác giả sử dụng từ vựng kỹ thuật, tác giả Lương Thị Hân đã tóm tắt trong bài viết của mình (khái niệm và thuật ngữ) những thuật ngữ quan trọng nhất cùng một số lý giải.
Bình luận về nội dung báo cáo mà đồng chủ biên đã chia sẻ, các ý kiến đã trao đổi sâu hơn về các vấn đề liên quan, trong đó nổi bật là vấn đề về chính thức hóa việc làm phi chính thức, thách thức thoát bẫy thu nhập trung bình, nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua đào tạo, xác định chính xác tổng cầu việc làm, ….
Đáng chú ý, khi trao đổi về vấn đề việc làm phi chính thức, TS. Darjusch cho rằng “Hiện nay, với những đặc điểm của nền kinh tế số, sự tham gia thị trường lao động của giới trẻ, mặc dù có thể được phân loại vào khu vực phi chính thức nhưng lại hoàn toàn mang lại giá trị cao, năng suất cao nên mặc định là lao động phi chính thức là năng suất thấp không còn phù hợp nữa.” Tọa đàm cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người tham dự về việc làm của thế hệ trẻ (gen Z), các ưu tiên của các nhà tuyển dụng, các xu hướng mới nổi của thị trường lao động, …
Kết luận buổi Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – Chủ trì hội thảo - đã tổng kết những chia sẻ của các diễn giả và cảm ơn các ý kiến đóng góp, trao đổi, và nhấn mạnh việc lựa chọn đề tài và nghiên cứu phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thay mặt nhóm tác giả, TS. Detlef chia sẻ: “Mục tiêu của báo cáo lần này không phải là đưa ra một giải pháp ngay lập tức cho các vấn đề của thị trường lao động ở Việt Nam mà để tạo ra một cơ sở cho những sự thảo luận sâu rộng hơn về chủ đề này”.
Nói về Báo cáo Quốc gia lần này, ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Stiftung tại Việt Nam phát biểu: “Nội dung trong báo cáo này khám phá sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu”./.