VPSF 2017 đón sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo một số Bộ, ngành |
Mô hình giàu tiềm năng nhưng cần thận trọng xây dựng
Trong phiên thảo luận chuyên đề “Kinh tế số: Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0” tại VPSF, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tiềm năng to lớn của việc xây dựng thành phố thông minh.
Trao đổi với phóng viên bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho biết: “Hiện nay, thành phố thông minh trên thế giới đóng góp đến 38% vào nền kinh tế số. Điều đó có nghĩa là thành phố thông minh hết sức quan trọng trong thành phần của nền kinh tế số. Nếu các thành phố của Việt Nam xây dựng được mô hình thành phố thông minh thì đồng nghĩa với câu chuyện là chúng ta đã và đang chiếm lĩnh cũng như tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nền kinh tế số đem lại.”
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC: "Thành phố thông minh đóng góp đến 38% vào nền kinh tế số" |
Theo số liệu công bố tại VPSF, năm 2020, trên toàn cầu, thành phố thông minh sẽ trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Việt Nam có 800 đô thị, tốc độ đô thị hóa khoảng 80%/năm nên đây là cơ hội rất lớn để xây dựng thành phố thông minh.
Tuy nhiên, để thực hiện công việc này thì còn rất nhiều khó khăn. Có thể kể đến là việc thiếu tiêu chuẩn về thành phố thông minh. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng cho biết, các nước trên thế giới cũng mới bắt đầu xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thành phố thông minh nên Việt Nam thời điểm này rất khó có bộ tiêu chuẩn.
"Bộ TT-TT cùng các đơn vị liên quan đang phối hợp với Nhà nước xây dựng bộ tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình Việt Nam. Các doanh nghiệp mong muốn triển khai nhanh thành phố thông minh nhưng Nhà nước lại thận trọng để việc xây dựng này phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế" - Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu.
Đại diện Bộ TT-TT cũng cho biết, các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh.
Thành phố thông minh - hướng đi bắt buộc của Hà Nội
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung: "Hà Nội luôn xác định xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng" |
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP. Hà Nội xác định xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết 36A của Chính phủ; nhiệm vụ thứ 2 xây dựng thành phố thông minh là hướng đi bắt buộc của các đô thị lớn trên thế giới nói chung các đô thị của Việt Nam nói riêng và đặc biệt là đối với Thủ đô Hà Nội.
“Xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh giúp Hà Nội giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, đặc biệt giảm chi phí của doanh nghiệp; là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính; Xây dựng nền kinh tế số là nền tảng cốt yếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong trương lai”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Với tinh thần đó, ngay từ cuối năm 2015 và đầu 2016, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện và đã được thể hiện trong nghị quyết của đại hội Đảng bộ năm 2016 và UBND Hà Nội đã xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện.
Hà Nội đã mạnh dạn vứt bỏ 170 chương trình phần mềm và sever riêng lẻ của các quận, huyện, các phần mềm sử dụng quỹ viễn thông công ích để xây dựng hệ thống mạng WAN tập trung của thành phố đến 584 phường, xã, 30 quận huyện trên toàn thành phố.
Hà Nội cũng chuyển đổi đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sang thuê dịch vụ, sever, đường truyền. Đồng thời, giao cho các doanh nghiệp tư nhân viết phần mềm, nghiệm thu xong thành phố mới thanh toán.
Với những cách làm đó, hiện nay Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định đó là hệ thống cổng thông tin điện tử dùng chung, đồng thời tập trung xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi và đến nay đã hoàn thành xây dựng xong toàn bộ dữ liệu cho 7,5 triệu dân cư của Hà Nội với 32 thông số.
Hà Nội là thành phố thứ 9 trên thế giới ứng dụng Iparking - công nghệ phục vụ cho việc đỗ xe |
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai với 2,7 triệu ô đất và thửa đất, dự kiến tháng 10/2018 sẽ hoàn thành. Song song với quá trình xây dựng, thành phố áp dụng các ứng dụng thông minh như Iparking - công nghệ phục vụ cho việc đỗ xe.
Với những việc làm quyết liệt trong hơn 1 năm qua, 98% thủ tục thông quan và 70% đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã được thực hiện trên môi trường mạng. Phấn đấu đến hết năm 2017, 100% thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện trên môi trường mạng và 100% doanh nghiệp kê khai thuế trên môi trường mạng.