Tuần báo Người Hà Nội nay trở thành nguyệt san cũng có những lợi thế nhất định. Tuần báo thì gần với báo, còn giờ là tạp chí thì gần với sách. Người viết có điều kiện đi sâu hơn vào các vấn đề học thuật thiết cốt của văn chương nghệ thuật. Người đọc dễ lưu giữ lâu dài. Định kỳ xuất bản một năm 12 cuốn, là phù hợp. Muốn xây dựng và phát triển tạp chí Người Hà Nội xứng đáng là diễn đàn của giới văn nghệ sĩ, trí thức của Thủ đô, đội ngũ thực hiện nên phát triển theo một số hướng sau:
Trước hết, tạp chí Người Hà Nội nên mở rộng thể tài bao gồm: văn chương (sáng tác, phê bình, lý luận, dịch thuật), các ngành nghệ thuật (hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, múa, kiến trúc… Chú trọng cả truyền thống lẫn hiện đại, dân tộc lẫn thế giới. Cập nhật với các sự kiện thời sự xã hội của Hà Nội. Riêng về giới thiệu các tác giả, ở mọi lĩnh vực văn và nghệ đã là cả một khu rừng mang nhiều lượng thông tin lý thú. Có một điều tạp chí văn nghệ cần gấp rút bù đắp là những trào lưu hiện đại trong văn chương và các ngành nghệ thuật từ sau đại chiến Thế giới lần thứ II đến nay. Nguyên nhân: nước ta trong giai đoạn này toàn dân tập trung vào cuộc chiến giành độc lập thống nhất đất nước. Lý tưởng sống của chúng ta là tất cả để chiến thắng. Văn và nghệ thực thi chức năng hàng đầu là trở thành vũ khí đánh giặc hữu hiệu. Một phiến diện tự nguyện để đồng bào ta đỡ tốn xương máu. Nay đất nước đã độc lập, non sông đã liền một dải, bên cạnh việc phát triển tính dân tộc ngày một đậm đà sâu sắc, văn nghệ chúng ta cần khẩn trương biết và đi hết những đoạn đường mà văn và nghệ nhân loại đã đi. Thiết nghĩ một tạp chí của Thủ đô hoặc chí ít của những thành phố lớn mới có sức làm.
Hơn nữa, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước nên mỗi tấc đất của Hà Nội đều mang trong nó trầm tích văn hóa đã lắng xuống hơn 1000 năm tuổi, động đến đâu cũng có thể chạm đến văn hóa, sự tích của mảnh đất Thăng Long. Mảng đề tài này đã từng được báo chí khai thác nhưng còn thiếu hệ thống và không đều kỳ. Công việc này đến nay, khi nhân loại đã thành một thế giới phẳng, sống trong hội nhập, hình thành những công dân toàn cầu, thì sự hiểu biết về Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, thật sự đã thành một đòi hỏi của toàn dân ta và bạn bè thế giới. Việc này, làm chu đáo và có tầm chắc chắn sẽ khai sinh một tạp chí có sức phát hành lớn. Những dấu tích lịch sử trên thực địa bấy lâu nay bị mai một dần sẽ theo đó mà được phục hiện, giới thiệu triển lãm. Nền kinh tế du lịch và tên tuổi của Thủ đô Hà Nội - Việt Nam sẽ vào nội dung kí ức của mọi người. Chỉ tạp chí mới có đủ dung lượng và sức lực làm công việc ấy.
Mặt khác, đã là tạp chí của Thủ đô thì tạp chí Người Hà Nội cần là diễn đàn hàng đầu của giới văn chương nghệ thuật, rộng hơn là cả tầng lớp trí thức đang sống ở Thủ đô, ở mọi địa phương trong cả nước và mọi châu lục. Tiềm lực tập hợp đội ngũ ấy có lẽ chưa bao giờ thuận lợi như ngày nay. Chúng ta đang có thời cơ tạo một bước chuyển trong ý thức lịch sử, trong truyền thống dân tộc. Trao việc ấy cho một tạp chí văn chương nghe có vẻ to chuyện nhưng thực tế là vậy. Vấn đề chỉ là ta có hoài bão thực thi không. Muốn, chắc là được. Tính chất một tạp chí tạo cơ hội cho ta sức tập hợp. Uy tín của văn chương nghệ thuật Thủ đô ta, Việt Nam ta và những thành tựu xã hội, kinh tế, chính trị có thêm một diễn đàn, diễn đàn tình cảm dân tộc, để phô bày, để kết nối.
Như vậy, đề tài chúng ta không sợ thiếu. Người viết không phải khó tìm. Điều khó nhất mà chúng ta cần tính đến là năng lực của tòa soạn cả về số lượng nhân sự lẫn tầm vóc chuyên môn. Việc này không chỉ trông vào sự tự hoàn thiện của tờ tạp chí mà phải có sự vào cuộc cấp thiết của cả Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, trước hết là Ban chấp hành Hội và liền đó là tài năng văn nghệ sĩ nhập cuộc. Và đặc biệt quan trọng là sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cơ quan hữu trách, các cá nhân lãnh đạo của thành phố về việc tạo dựng một khuôn mặt tâm hồn xứng tầm Thủ đô của một đất nước ngót trăm triệu dân đang tạo dấu ấn của riêng mình trong cộng đồng nhân loại.