Bến tàu, bến xe, nhà ga bến cảng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người. Nhằm tạo môi trường lành mạnh nơi công cộng, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc thì bến tàu, bến xe, nhà ga bến cảng phải chính là nơi không có hiện tượng hút thuốc, kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá…
Bến xe không… thuốc lá
Bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá đã gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội. Khảo sát chưa đầy đủ thì trong năm 2015 người Việt Nam đã bỏ ra 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Số tiền mua thuốc lá trung bình hàng năm của một người hút thuốc lá khoảng 2,7 triệu đồng. Kèm với con số đó trong năm 2013, ngành y tế đã thống kê hơn 23.000 tỉ đồng là tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh ung thu phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là 5 trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra.
Biển cấm hút thuốc lá trước quầy bán vé của bến xe Gia Lâm - Ảnh: Đăng Chung
Chính vì vậy, nhằm tằng cường thực hiện Luật PCTHTL, mới đây ngày 18.5.2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký Văn bản số 5090/BGTVT-CYT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT tổ chức triển khai, thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2017. Trong đó, yêu cầu các đơn vị kiện toàn tiểu ban chỉ đạo PCTHTL, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động PCTHTL năm 2017 tại đơn vị. Trước đó, Bộ GTVT cũng là đơn vị đầu tiên ban hành Chỉ thị về PCTHTL. Cụ thể, năm 2013 Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Chỉ thị số 20/CT-BGTVT về việc triển khai thực hiện Luật PCTHTL trong ngành GTVT.
Trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội về tình trạng sử dụng thuốc lá tại khu vực công cộng, ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, ngoài công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá trên loa truyền than, bến xe Mỹ Đình đã tiến hành gắn các biển báo “cấm hút thuốc lá” tại khu vực như: trước cửa phòng làm việc của cán bộ, công nhân viên; khu nhà chờ xe; quầy bán vé của các doanh nghiệp vận tải; khu vực đỗ xe buýt, xe khách; khu vực sinh hoạt chung...“Yêu cầu 100% cán bộ, công nhân viên, người lao động của bến xe không hút thuốc lá nơi làm việc, khu vực bến xe. Đồng thời, nhắc nhở các nhà xe, hành khách khu vực bến xe không sử dụng thuốc lá”.
Còn tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe thì cho rằng, có thể nói thói quen của từng cá nhân khi sử dụng thuốc lá đã tác động lớn tới không chỉ đời sống của cá nhân mà còn có tác động tới gia đình, xã hội về vấn đề kinh tế, xã hội, bệnh tật và những chi phí khác. Vì một môi trường trong lành, bến xe gắn các biển báo “cấm hút thuốc lá”, tuyên truyền về tác hại thuốc lá, an toàn cháy nổ từ thuốc lá tại khu vực bến xe. “100% cán bộ, nhân viên bến xe Giáp Bát không sử dụng thuốc lá nơi làm việc; khu vực bến xe, các cửa hàng kinh doanh phục vụ tại bến xe không quảng cáo, bày bán thuốc lá”.
Biển cấm hút thuốc lá trước quầy bán vé của bến xe Giáp Bát - Ảnh: Đăng Chung
Thời gian qua, để xây dựng một môi trường không khói thuốc trên phương tiện giao thông công cộng, các bến xe tại Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và giám sát thực hiện phòng chống, tác hại thuốc lá (PCTHTL). “Khói thuốc thụ động là một trong các tác nhân gây nên các bệnh: Tim mạch, phổi, làm giảm các chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Do đó, quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng như bến xe là rất cần thiết và phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá…” - Ông Nguyễn Đức Vui - Giám đốc bến xe Gia Lâm nhấn mạnh.
Môi trường phương tiện GTCC không khói thuốc
Để triển khai môi trường “phương tiện GTCC, nhà ga, bến tàu, bến xe, bến cảng không khói thuốc” tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc; giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá cho mọi người. Vì một môi trường không khói thuốc lá, các đơn vị, doanh nghiệp nói chung và phương tiện GTCC, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng nói riêng cần xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo phụ trách và phân công bằng văn bản.
Biển cấm hút thuốc lá trước quầy bán vé của bến xe Mỹ Đình - Ảnh: Đăng Chung
Đồng thời, các đơn vị xây dựng nội quy về việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các địa điểm do mình phụ trách. Lập kế hoạch thực thi phương tiện GTCC, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng không khói thuốc. Tiến hành phổ biến các quy định của pháp luật của ngành và nội quy cơ quan đến toàn thể cán bộ, nhân viên, bảo vệ, an ninh của cơ sở và khách hàng, người dân tới hoạt động tại cơ sở, phân công cán bộ chịu trách nhiệm trong việc triển khai, tuyên truyền, giám sát và duy trì các hoạt động trong kế hoạch thông qua và chỉ đạo việc thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, các đơn vị có thể tiến hành khảo sát thực trạng, xác định những khu vực cấm hút thuốc và những khu vực cấm hút thuốc nhưng cho phép các khu vực dành riêng cho người hút thuốc để xây dựng nội quy phù hợp với điều kiện của cơ quan, đảm bảo quy định cấm hút thuốc được tuân thủ một cách nghiêm túc. Từ đó, để căn cứ đưa ra quyết định và hướng dẫn xử lý những trường hợp vi phạm.
Các đơn vị thực hiện có thể thông báo chính thức tới mọi công nhân viên chức, người lao động, hành khách và nhân viên về việc triển khai thực hiện “Phương tiện GTCC, nhà ga, bến tàu, bến xe, bến cảng không khói thuốc” qua hình thức họp giao ban hoặc bằng văn bản, bảng tin. Tận dụng các nguồn truyền thông sẵn có của nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng (loa truyền thanh) để có thể tuyên truyền rộng rãi và nhanh chóng nhất tới mọi đối tượng. Niêm yết biển báo và nội quy cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm. Có thể yêu cầu các cá nhân, tập thể ký cam kết không hút thuốc trên các phương tiện GTCC và tại các địa điểm cấm hút thuốc của nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, thường xuyên nhắc nhở hành khách, người bán hàng về quy định không hút thuốc trên các phương tiện GTCC, và nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng…
Triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện nội quy phòng chống tác hại của thuốc lá các đơn vị có thể thực hiện các giải pháp như: Gắn biển báo “cấm hút thuốc” ở những vị trí dễ quan sát tại những địa điểm cấm hút thuốc; Loại bỏ các vật dụng liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, bật lửa… tại các địa điểm cấm hút thuốc; Tập huấn cho thanh tra giao thông, các cán bộ được phân công nhiệm vụ làm công tác truyền thông vận động và giám sát việc thực hiện nội quy không hút thuốc nơi làm việc về kỹ năng theo dõi, giám sát, viết báo cáo; Cập nhật và phổ biến nội dung các văn bản của Nhà nước về phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ nhân viên.
Việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng là rất cần thiết, hãy vì một xã hội không khói thuốc lá, vì sức khoẻ của chính bản thân ta và người thân xung quanh. Để xây dựng một xã hội không khói thuốc lá cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, trong đó có tôi, có bạn và tất cả chúng ta.
(Nguồn tham khảo: Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia)