Xây dựng lộ trình tăng hợp lý giá điện của EVN

Lệ Quyên| 04/01/2023 08:28

Tại họp báo Chính phủ chiều 3/1, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị tăng giá điện và đề xuất phương án.

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cùng các bộ ngành nghiên cứu phương án đề xuất của EVN. Trên cơ sở này, Bộ sẽ xây dựng lộ trình tăng giá điện, trong đó cân nhắc yếu tố lạm phát, đời sống người dân.

"Chúng tôi sẽ tính toán kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình, phương án tăng giá điện sau rà soát, đảm bảo tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá", ông Hải khẳng định.

Đề xuất tăng giá điện của EVN đưa ra, chủ yếu do các chi phí đầu vào sản xuất điện tăng vọt, khiến tập đoàn này ghi nhận  lỗ hơn 31.000 tỷ đồng năm 2022.

o-do-thang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo Chính phủ chiều ngày 3/1. Ảnh : Nhật Bắc

"Chi phí sản xuất điện đã tăng cao", Thứ trưởng Hải nhìn nhận. Ông nhắc tới tình hình khách quan, khi giá năng lượng biến động mạnh trên thị trường thế giới. Tại nhiều quốc gia, những tác động từ xung đột Nga - Ukraine, biến động tỷ giá, áp lực lạm phát tăng và chi phí sản xuất kinh doanh điện trên toàn cầu... làm giá điện tăng vọt. Chính phủ nhiều nước phải tiết giảm điện luân phiên để tiết kiệm năng lượng.

Tại Việt Nam, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy bình quân 10 tháng trong năm 2022 đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ 2021. Giá than trộn (than sản xuất trong nước trộn với than nhập khẩu) cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong quý III/2022 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tại Quyết định 24 quy định cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm, hàng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào khâu phát điện của các quý còn lại trong năm... để tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào của khâu phát điện làm giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% trở lên thì giá điện được điều chỉnh tăng, và ngược lại giá sẽ giảm.

"Như vậy đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, phản ánh biến động giá trên thị trường với giá bán lẻ điện bình quân", ông Hải nói.

Theo Quyết định 24 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất. Việc này nhằm phản ánh khách quan những biến động chi phí sản xuất. Gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh ngày 20/3/2019, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện.

Liên quan tới quan điểm của Bộ Công Thương về kiến nghị cần có cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu của EVN, ông Hải cho hay, giá điện có đặc trưng khác giá xăng dầu. Theo đó, chi phí sản xuất kinh doanh điện phụ thuộc các mùa trong năm, là mùa mưa và mùa khô.

Ông phân tích, vào mùa mưa, nước về các hồ thuỷ điện nhiều, các nhà máy thuỷ điện có chi phí phát điện thấp được huy động, dẫn tới tổng chi phí sản xuất kinh doanh thấp hơn mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện, hoặc nguồn điện giá đắt hơn.

Ngoài ra, do giá điện có tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, đời sống sản xuất kinh doanh nên việc điều chỉnh giá mặt hàng này được tính toán, đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ; báo cáo Thủ tướng xem xét phương án điều chỉnh trước khi thực hiện.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khó điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang được điều chỉnh 10 ngày một lần, theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, các bên liên quan về sửa đổi Nghị định 95, trong đó có phương án điều hành giá mặt hàng này theo chu kỳ ngắn hơn, dưới 10 ngày.

Bài liên quan
  • Vì sao 9 lần điều chỉnh, giá điện chỉ tăng không giảm?
    Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm chất vấn: "Từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ, trong đó cả 9 lần đều điều chỉnh tăng chứ không điều chỉnh giảm... Xin hỏi đến bao giờ chúng ta có thể bàn chuyện giảm giá điện?".
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lộ trình tăng hợp lý giá điện của EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO