Xâm hại trẻ em: Cần cả xã hội vào cuộc

Thanh Hà| 06/09/2017 09:37

Thời gian qua, để góp phần ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, nhiều tổ chức xã hội đã cùng vào cuộc, thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tọa đàm, hội thảo, nói chuyện… xoay quanh chủ đề này. Nhất là, trung tâm dân số các quận, huyện của Hà Nội đã tích cực tổ chức những buổi học về phòng chống xâm hại trẻ em đến tận trường học.

Ngay trước khi năm học 2016 – 2017 khép lại, các chuyên viên của Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Ba Đình vẫn miệt mài đến các trường tiểu học trên địa bàn quận như Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Trường Tiểu học Đại Yên, Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Trường Tiểu học Việt Nam – Cuba; Trường Tiểu học Thành Công B; Trường Tiểu học Vạn Phúc… để tổ chức các buổi học về phòng chống xâm hại trẻ em. Trực tiếp đứng lớp (tiết học khoa học của lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc), bà Trần Thị Tố Tâm – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Ba Đình đã lôi cuốn các em học sinh qua từng tình huống vừa hài hước mà giàu tính giáo dục. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra để các em học sinh vừa tham gia giải quyết tình huống vừa giúp các em không ngại ngùng sẻ chia những băn khoăn, thắc mắc về các dấu hiệu xâm hại. Nếu như ban đầu, các em học sinh còn e dè, đỏ mặt khi được nghe các tình huống dễ dẫn đến xâm hại thì đến cuối buổi học, nhiều em đã mạnh dạn xung phong tổng kết bài học, thậm chí có học sinh dũng cảm chia sẻ về chuyện mình đã bị xâm hại…

Xâm hại trẻ em: Cần cả xã hội vào cuộc
Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc hào hứng tham gia tiết học phòng tránh xâm hại trẻ em do Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Ba Đình trực tiếp hướng dẫn. Ảnh: HT
“Không hẳn là các em học sinh không cởi mở trước vấn đề này. Điều quan trọng là cách chúng ta gợi mở cho các em như thế nào để các em tin tưởng tâm sự với chúng ta. Với những suy nghĩ ấy, mỗi bài học đều được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, gồm rất nhiều tình huống và các trò chơi lồng ghép. Những kỹ năng tự bảo vệ mình cũng như việc phát giác các hành vi xâm phạm được chúng tôi lồng ghép vào đó, chứ không phải là những câu hô khẩu hiệu khô khan. Và sau chuỗi hoạt động này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động liên quan tới các em học sinh với mong muốn được cùng với các tổ chức xã hội chung tay ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em.” – Bà Trần Thị Tố Tâm nói.

Cũng là đơn vị tích cực tổ chức các  buổi truyền thông, giao lưu về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, theo bà Hoàng Yến – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Hai Bà Trưng, hàng năm, Trung tâm DS - KHHGĐ phối hợp với phòng GD&ĐT quận tổ chức các buổi truyền thông giao lưu tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho các em học sinh các trường THCS trên địa bàn quận. Bắt đầu từ năm 2016, Trung tâm mở rộng thêm hoạt động này tại các trường tiểu học (dành cho khối lớp 5). Trong các buổi  giao lưu, các em được giáo dục kỹ năng sống, giúp các em phòng tránh các hành vi làm tổn thương đến sức khỏe, tinh thần và các hành vi xâm hại tình dục. trong các buổi truyền thông, cũng như giao lưu nói chung đa phần các em vẫn có tâm lý e dè, xấu hổ, chưa mạnh dạn. Tuy nhiên, khi nhận được sự gợi mở cũng như sự tự nhiên mà các chuyên gia tạo ra các em đã có phần mạnh dạn hơn để đặt ra các câu hỏi. Đặc biệt, sự hào hứng tăng lên khi các em được tham gia các trò chơi, đố vui... có thưởng đã giúp Ban tổ chức tích cực hơn trong các hoạt động. Tất nhiên, các em còn chưa mạnh dạn chia sẻ chuyện của riêng mình trước đám đông. Nhưng sau khi hoạt động kết thúc, có những em đã gặp riêng chuyên gia tư vấn để hỏi các thắc mắc của các em về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình yêu, tình dục, quan hệ nam nữ.

Sự vào cuộc tích cực của các trung tâm dân số thuộc các quận, huyện Hà Nội đã được các cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá cao. Cô giáo Vũ Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc nói: “Đây là những tiết học rất bổ ích cho các em học sinh của trường, giúp các em hiểu và biết cách tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại. Chúng tôi rất mong tiếp tục được phối hợp với trung tâm dân số quận để tổ chức thêm nhiều tiết học như thế cho toàn thể học sinh lớp 4, lớp 5 của trường.” Còn một học sinh lớp 5 của trường thì hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tiếp cận nhiều thông tin về vấn đề xâm hại trẻ em. Cũng vì, ở nhà bố mẹ em không bao giờ nhắc tới. Ở trường thì các tiết học theo sách giao khoa chỉ thoáng qua. Chúng em rất cần được học thường xuyên hơn về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản như thế này.”

Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao băn khoăn về việc đưa những hoạt động giáo dục này đạt hiệu quả hơn. Chẳng hạn, việc quy định mức chi tài chính cho mục báo cáo viên quá ít so với số tiền thực tế phải chi trả cho các giảng viên hay các chuyên gia về lĩnh vực này. Cùng với đó, sự quan tâm của các bậc cha mẹ học sinh cũng như các nhà trường chưa thực sự sát sao, chưa có ý thức để phòng tránh các nguy cơ đến với vị thành niên mà để đến khi các sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới thấy được tầm quan trọng của nó. Mặt khác, do kinh phí hạn hẹp và phải dàn trải cho các hoạt động khác của lĩnh vực dân số nên hoạt động dành cho đối tượng là vị thành niên của các quận còn thưa thớt, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Theo bà Hoàng Yến, mỗi năm Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Hai Bà Trưng mới chỉ có thể tổ chức được một lần tại một trường phổ thông. “Chúng tôi mong rằng, cần sớm đưa nội dung này vào chương trình giáo dục của nhà trường, hoặc đưa vào các chương trình ngoại khóa; cần tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên để các thầy cô sẽ là những người bạn gần gũi, để các em tin tưởng trao đổi chia sẻ những điều thầm kín nhất. Từ đó sẽ giúp các em tránh được những nguy cơ và sớm phát hiện những dấu hiệu xâm hại.” – Bà Hoàng Yến nhấn mạnh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Xâm hại trẻ em: Cần cả xã hội vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO