Việc công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cần bảo đảm thực chất. Ảnh: Nhật Nam |
Siết chặt điều kiện tuyển sinh
Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGD&ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố có nhiều điểm mới, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy quyền tự chủ; đồng thời, siết chặt các điều kiện tuyển sinh, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Một trong những quy định sẽ áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2019 với các trường đại học, học viện; trường cao đẳng, trung cấp được phép đào tạo ngành sư phạm là phải công khai và chịu trách nhiệm giải trình về bốn nội dung: Chỉ tiêu tuyển sinh; các tiêu chí xác định chỉ tiêu; chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở đào tạo, nhằm gắn quyền lợi với trách nhiệm của cơ sở đối với “sản phẩm” đào tạo, đồng thời huy động sự chung tay giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đào tạo của đơn vị.
Việc siết chặt điều kiện tuyển sinh áp dụng từ năm 2019 được nêu rõ, trong đó các ngành đào tạo mới được mở trong năm tuyển sinh thì chỉ tiêu không được vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, những ngành có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không được vượt quá 120% chỉ tiêu đào tạo của ngành đó trong năm trước liền kề.
Những ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước liền kề, nhưng phải có kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên.
Cần có chế tài kiểm chứng
Kết quả sinh viên có việc làm sau khi ra trường là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động. |
Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng kết quả sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm làm tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Việc này được đánh giá là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu của thị trường lao động, thể hiện cam kết chất lượng của nhà trường, song cũng đặt ra những băn khoăn về độ tin cậy của tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mà các trường công bố.
Bà Lê Thị An (phụ huynh học sinh Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là một trong những điều kiện mà tôi rất quan tâm trong quá trình chọn trường, chọn ngành để đăng ký nguyện vọng dự tuyển cho con trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2019. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn bởi chưa có căn cứ nào để kiểm chứng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có cách nào để những số liệu mà các trường công bố có tính thuyết phục và đủ độ tin cậy hơn cho phụ huynh và đơn vị sử dụng lao động”.
Quy định các trường phải công khai trên trang thông tin điện tử về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp được ban hành từ năm 2009, tại Thông tư số 09/2009/TT-BGD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Thế nhưng, nhiều trường chưa thực hiện nghiêm túc quy định này và còn có hiện tượng thống kê cho có hoặc không thống kê.
Tổng hợp số liệu thống kê năm 2018 của khoảng hơn 60 trường đại học cho thấy, hầu hết các trường đều có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1-2 năm tốt nghiệp chiếm từ 90% trở lên, trong đó có Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Tài chính, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Hà Nội...
Đáng chú ý, Trường Đại học Kinh tế tài chính TP Hồ Chí Minh tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 100%. Tuy nhiên, so với tổng số trường đại học trên cả nước, số trường công khai tỷ lệ này mới chỉ chiếm khoảng 1/4.
Tìm hiểu tại đề án tuyển sinh của các trường được công khai tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có hiện tượng thống kê chưa chính xác. Chẳng hạn, một trường đại học tại Hải Phòng có số sinh viên tốt nghiệp là 1.566, nhưng số có việc làm là 1.683.
Theo Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, số liệu sinh viên có việc làm của các trường còn mang tính hình thức, chưa cụ thể theo từng ngành và có tình trạng các trường công bố số liệu sinh viên ra trường có việc làm cao hơn so với thực tế.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đang có hiện tượng nhiều trường đại học có số liệu “đầu ra” giống nhau. Nếu không kiểm soát được việc này, quy định công khai sẽ không còn ý nghĩa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài để kiểm soát việc này, tạo sự công bằng cho các nhà trường và là thước đo trung thực về chất lượng đào tạo để thí sinh, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động tham khảo.
Rõ ràng, nếu không có chế tài kiểm soát việc trường nào làm nghiêm túc, trường nào không, thì quy định dừng tuyển sinh đối với những đơn vị làm sai quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, liệu có khả thi?