Vụ Phạm Công Danh: Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo giảm hình phạt

Nguyễn Chung (TTXVN/VIETNAM+)| 18/12/2018 07:44

Tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, ngày 17-12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm vụ án.

Vụ Phạm Công Danh: Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo giảm hình phạt
Bị cáo Phạm Công Danh (áo xanh đứng giữa) tại phiên tòa ngày 12-12-2018. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không cho bốn bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh hưởng án treo; đồng thời giữ nguyên án sơ thẩm đối với các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Cụ thể, theo đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh là đồng phạm giúp sức bị cáo Danh gây thiệt hại trong cả hai giai đoạn của vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB - nay là CB). 

Trong vụ án VNCB giai đoạn 1 (được đưa ra xét xử vào năm 2016), cả bốn bị cáo đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội danh khác nhưng vẫn được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm áp dụng án treo là vi phạm điều 3 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán, rằng “không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”.

Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên yêu cầu kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận cho bốn bị cáo này được hưởng án treo. 

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo khác, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng không có cơ sở vì mức án cấp sơ thẩm tuyên đã tương xứng với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. 

Riêng bị cáo Trần Hiệp, bị án sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù, nhưng hiện nay bị cáo này đang bị ung thư giai đoạn 4, có hồ sơ bệnh án nên đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng không thu hồi 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CB để trả lại và khấu trừ hậu quả cho bị cáo Phạm Công Danh.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ là bị cáo Phạm Công Danh có được từ hành vi trái pháp luật, có nguồn gốc bất hợp pháp. 

Bên cạnh đó, số tiền này cũng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB vì Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận việc dùng tiền vay để tăng vốn điều lệ nên không có cơ sở pháp lý buộc Ngân hàng CB trả lại số tiền này cho Phạm Công Danh. 

Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi. 

Đối với thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng của vụ án, bản án sơ thẩm đã xác định hành vi Phạm Công Danh là sử dụng 29 công ty “sân sau” vay tiền tại ba Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV rồi dùng tiền của VNCB gửi tại ba ngân hàng này bảo lãnh cho các khoản vay. 

Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại khi 29 công ty không có khả năng trả nợ. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên thu hồi từ ba ngân hàng và từ những cá nhân, tổ chức đã nhận tiền từ Phạm Công Danh trả lại cho Ngân hàng CB nhằm khắc phục hậu quả vụ án. 

Sau bản án sơ thẩm, một số cá nhân, tổ chức kháng cáo không đồng ý bị thu hồi tiền để trả lại cho Ngân hàng CB, trong đó đáng chú ý như Ngân hàng BIDV kháng cáo không đồng ý bị thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng, ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hiệp Phát) không đồng ý bị thu hồi 194 tỷ đồng…

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét theo hướng có lợi nhất để khắc phục hậu quả vụ án. Trong trường hợp giữ nguyên như án sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ trách nhiệm các cá nhân tại Ngân hàng BIDV trong việc để xảy ra hậu quả từ việc thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng, gây thiệt hại cho BIDV.

Dự kiến, phiên tòa kết thúc vào ngày 25-12.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Vụ Phạm Công Danh: Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo giảm hình phạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO