Vu Lan báo hiếu đã ăn sâu vào trong tâm khảm của mỗi người con dân Việt, không chỉ có những người Phật tử quan tâm đến tháng Bảy mùa Vu Lan mà chữ Hiếu còn là nét văn hóa độc đáo từ ngàn xưa cho đến xã hội đương đại.
Hiếu hạnh là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp,nó là hành trang để đi vào đời của mỗi con người chúng ta.Hiếu hạnh còn thể hiện nét văn hóa riêng của mỗi gia đình và phản ánh về giá trị nhân văn của mỗi thành viên và các thế hệ trong gia đình đó.
“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Trong mỗi gia đình thì người Cha là người luôn dưỡng dục con cái, thương con nhưng cứng rắn, nghiêm nghị, lúc con hư có thể quát mắng hoặc cho con vài cái roi để uốn nắn nên người, nên được ví như ngọn núi Thái sơn.
Còn người Mẹ mang thai chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, thương con từng khúc ruột, dành tất cả cho các con nên được ví như dòng suối nguồn tuôn chảy, như dòng sữa Mẹ nuôi các con từng ngày.
Hiếu đối với cha mẹ không chỉ về vật chất mà con cái phải tận tụy chăm sóc, tôn kính Cha Mẹ, phục vụ Cha Mẹ bằng tấm lòng tôn kính, bằng sự tận tâm, bằng những gì có thể nhất, những gì tốt đẹp nhất, nhưng cũng không bằng một phần nhỏ bé so với những gì Cha Mẹ đã dành cho chúng ta.
Ngày nay, xã hội phát triển đi lên nhưng một phần nào lại kéo xuống những giá trị văn hóa truyền thống. Con cái khi có gia đình riêng cũng dần xao nhãng việc thăm nom Cha, Mẹ mình và mặc định việc đó cho thành viên khác đang ở gần Cha, Mẹ. Hàng tháng gửi tiền biếu gọi là có trách nhiệm, đến khi giỗ, Tết thì về gọi là cho có mặt rồi lại tất bật theo cuộc sống mưu sinh và vòng xoay của công việc. Đến khi nhận được tin dữ thì chỉ kịp về nhìn hình hài lạnh giá của đấng sinh thành mà thôi.