Việt Nam - Điểm trú ẩn hấp dẫn cho nhà đầu tư

14/11/2019 17:24

Trong điều kiện kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và có nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt gần 7%, vượt mọi dự đoán và cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Đây là cơ sở quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư…

Việt Nam - Điểm trú ẩn hấp dẫn cho nhà đầu tư

Ảnh minh họa - TTXVN

Nền kinh tế Việt Nam đang bước những bước cuối cùng vững chắc cho năm 2019. Trong điều kiện kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế thậm chí chật vật để không rơi vào suy thoái kỹ thuật (tăng trưởng âm) và bất ổn toàn cầu gia tăng do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại… nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm vượt mọi dự đoán và cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, đạt gần 7,0%.


Động lực tăng trưởng chính vẫn từ công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn được hỗ trợ bởi tăng trưởng cao của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và khối tư nhân trong nước. Tiêu dùng nội địa cũng tiếp tục tăng trưởng vững chắc và chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam vẫn đang đứng thứ 3 thế giới.


Về sự ổn định của nền kinh tế, tiền đồng là một trong những loại tiền tệ ổn định nhất trong khu vực trong giai đoạn gần đây, gần như giữ nguyên giá trị so với đầu năm. Giải ngân FDI tăng mạnh và thặng dư cán cân thương mại cao đã giúp giữ ổn định tỷ giá. Chỉ số lạm phát, CPI tháng 10 chỉ tăng 2,8% so với cuối năm 2018 và được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong suốt cả năm do tỷ giá tương đối ổn định và giá cả các loại hàng hóa cơ bản thấp.


Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực với chỉ số VN-Index tăng 4,9% trong quý III/2019 và 11,7% trong 9 tháng đầu năm 2019.


Ngoài tình hình kinh tế vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán đã được hỗ trợ bởi thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào khi Ngân hàng nhà nước tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, được cho là đã tăng lên tới 73 tỷ USD và Ngân hàng nhà nước Việt Nam cắt giảm 0,25% các lãi suất chính sách.


Mặc dù, mức tăng không đồng đều, với gần một nửa số điểm tăng của chỉ số được đóng góp bởi hai cổ phiếu Vietcombank (VCB) và Vinhomes (VHM) quý III và bởi Vietcombank (VCB) và Vingroup (VIC) trong 9 tháng, đà tăng tích cực của chỉ số đã giúp thanh khoản thị trường trong Quý 3 cải thiện 18,8% so với quý trước đó.


Việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị ban hành ba chỉ số mới cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu có room nước ngoài hạn chế, theo đó một số công ty quản lý quỹ trong nước được cho là sẽ khởi động các quỹ đầu tư chỉ số ETF dựa trên các chỉ số này đã thúc đẩy kỳ vọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các chỉ số này, đẩy giá các cổ phiếu kín room ngoại tăng đáng kể trong quý III/2019.


Nhìn về triển vọng những tháng còn lại của cuối năm 2019, mặc dù có một số dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế với chỉ số quản trị mua hàng HIS Markit PMI của Việt Nam giảm 3 tháng liên tiếp xuống chỉ còn 50 điểm trong tháng 10, chấm dứt chuỗi 46 tháng mở rộng sản xuất và xuất khẩu nửa đầu tháng 10 cũng tăng trưởng chậm lại, các chỉ số này sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.

Hơn nữa, tiêu dùng nội địa vẫn tích cực với tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 10 vẫn tăng tới 13,3% so với tháng 10 năm ngoái, số lượng khách du lịch quốc tế cũng hồi phục mạnh mẽ, tăng tới 34,3% so với cùng kỳ trong tháng 10 trong khi chỉ tăng 10,8% trong 9 tháng 2019.


Mức tăng trưởng tín dụng thấp, có thể xuất phát từ việc một số ngân hàng lớn bị áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp do tỷ lệ an toàn vốn thấp, cũng gây lo ngại lên triển vọng tăng trưởng của Quý IV và năm 2020.


Tuy nhiên, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã nhận được sự quan tâm cần thiết từ các cơ quan hữu quan, tạo tiền đề phát triển thành một nguồn vốn bền vững cho nền kinh tế, bên cạnh các khoản vay ngân hàng truyền thống.


Nhìn dài hạn hơn, làn sóng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nhà sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn. Tỷ lệ lấp đầy ở hầu hết các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam và các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai đã tăng lên 80-90%. Giá thuê đất khu công nghiệp đã tăng 25-30% từ đầu năm đến nay. Nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên.

Thị trường chứng khoán Việt Nam  là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực với chỉ số VN-Index tăng 4,9% trong quý III/2019 và 11,7% trong 9 tháng đầu năm 2019. Vào quý IV/2019, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ danh mục có tổng giá trị khoảng 35 tỷ USD vốn cổ phần của các công ty niêm yết, tương đương với mức 18% vốn hóa thị trường, và room còn lại chỉ khoảng 18 tỷ USD. Nếu trừ đi khoảng 8,5 tỷ USD room tại các công ty thuộc nhóm Vingroup, sẽ không còn nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Những tên tuổi lớn như: Goertek, Nintendo, Sharp đã công bố kế hoạch di dời nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam và nhiều công ty khác cũng đang xem xét di dời. Mặc dù, có những lo ngại về cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu hụt lao động lành nghề, cùng cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia khác như: Thái Lan, Malaysia khi các quốc gia này giảm thuế để thu hút dòng vốn từ Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam từ cấp trung ương đến địa phương đã nhận thấy những trở ngại này.


Việc mở rộng các khu công nghiệp tại các tỉnh trọng điểm như: Bắc Giang, Hải Phòng ở phía Bắc và Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương ở phía Nam đang được đẩy nhanh. Chính phủ cũng đã quyết tâm hơn để đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông (đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhà ga Tân Sơn Nhất T3 và sân bay Long Thành) và năng lượng (Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, các dự án năng lượng tái tạo).


Trong những năm tới, với mức giá thuê đất vẫn còn ở mức hợp lý, chi phí lao động thấp, và ưu đãi từ một loạt các hiệp định thương mại sẽ tiếp tục là động lực chính thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang nỗ lực tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp để chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao.


Năm 2019 chứng kiến làn sóng nới lỏng tiền tệ toàn cầu khi hơn 40 ngân hàng trung ương trên thế giới đã cắt giảm lãi suất một hoặc hai lần kể từ đầu năm. Một số quốc gia cũng bắt đầu nới lỏng tài khóa bằng cách cắt giảm thuế suất. Lợi tức giảm và nới lỏng tiền tệ tại các ngân hàng trung ương lớn sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm mức lợi tức cao hơn ở các nền kinh tế cận biên, vốn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và mức độ tương quan thấp đối với biến động tại các thị trường phát triển.


Tương quan thấp với các thị trường phát triển, như trường hợp ở Việt Nam, có thể được giải thích bởi động lực tăng trưởng của các công ty hàng đầu chủ yếu là do các yếu tố kinh tế nội tại quyết định thay vì phụ thuộc vào môi trường toàn cầu. Điều này có thể trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang gia tăng.


Trong số 14 quốc gia cận biên được Bloomberg xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 2 về tăng trưởng, động lực tăng trưởng (môi trường kinh doanh và cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số) so với rủi ro (nợ nước ngoài, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế Trung Quốc).


Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 mới công bố gần đây, thứ hạng của Việt Nam đã cải thiện nhiều nhất, tăng 10 bậc từ thứ 77 đến thứ 67. Việt Nam được cho là có tiềm năng tăng trưởng kinh tế vượt trội trong trung và dài hạn, khi tăng trưởng GDP được dự kiến sẽ ở mức khoảng 6,5%/năm trong giai đoạn 2019-2023, dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Con số này cao hơn dự báo tăng trưởng 5,2% và 3,6% của khối ASEAN và thế giới trong cùng thời kỳ.


Mặc dù, triển vọng kinh tế tích cực, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong một thời gian dài vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực (chỉ cao hơn Trung Quốc). Điều này có thể được giải thích bằng sự hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn hóa toàn thị trường hiện đã đạt gần 200 tỷ USD, tăng hơn 15 lần kể từ năm 2008, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 41%.


Vào quý IV/2019, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ danh mục có tổng giá trị khoảng 35 tỷ USD vốn cổ phần của các công ty niêm yết, tương đương với mức 18% vốn hóa thị trường, và room còn lại chỉ khoảng 18 tỷ USD. Nếu trừ đi khoảng 8,5 tỷ USD room tại các công ty thuộc nhóm Vingroup, sẽ không còn nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư nước ngoài.


Trong ngắn hạn, các công ty quản lý quỹ trong nước có thể sẽ ra mắt các quỹ ETF mô phỏng những chỉ số mới được giới thiệu, bao gồm chỉ số của các cổ phiếu hạn chế room nước ngoài. Sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) dự kiến ​​sẽ được ra mắt vào năm 2021, sau khi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực.


Chìa khóa để phát triển nền kinh tế và thị trường tài chính là việc cổ phần hóa hơn 2.000 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm nhiều tên tuổi đáng chú ý như: VNPT, Mobifone, Satra, Saigon Tourist, Tập đoàn Bến Thành… Trên thực tế, tiến trình cổ phần hóa diễn ra khá chậm trong thời gian gần đây. Theo đó, từ nay đến hết năm 2019,
Chính phủ sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình IPO và thoái vốn trong phần còn lại của năm 2019 và 2020 còn lại để hoàn thành kế hoạch.


Với những đánh giá trên, VCBF tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn và sẽ tiếp tục duy trì tỷ trọng phân bổ cổ phiếu ở mức cao cho cả hai Quỹ VCBF-BCF và VCBF-TBF. VCBF sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng tín dụng cao để tăng tỷ trọng phân bổ trái phiếu doanh nghiệp trong Quỹ VCBF-FIF.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Điểm trú ẩn hấp dẫn cho nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO