Sáng tác cho thiếu nhi không chỉ là sự lựa chọn của nhiều cây bút đã thành danh ở mảng sáng tác cho người lớn mà còn của cả những tác giả trẻ mới bước vào con đường văn chương. Cơ duyên nào khiến họ cùng có chung niềm đam mê và điều gì khiến họ thú vị khi dấn thân trong mảng sáng tác này? Nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6, cùng Người Hà Nội lắng nghe những chia sẻ của một số cây bút viết cho thiếu nhi:
Nhà văn Phong Điệp (Phó Ban nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam): Khó nhất là việc hóa thân, nhập vai…
Tôi rất thích câu mà có người từng nói: trong mỗi người đều có một phần trẻ nhỏ. Dù tuổi tác có lớn tới chừng nào thì “phần trẻ nhỏ” ấy vẫn không hề mất đi ở mỗi người. Viết cho thiếu nhi là một cách để tôi “nuôi dưỡng” mảnh đất trẻ thơ trong tâm hồn mình bởi mỗi sáng tác đó là một lần tôi được trở về tuổi thơ, hóa thân trong hình hài, tư duy… của trẻ thơ. Sau này khi đã trở thành mẹ của hai cô con gái, viết cho trẻ em lại càng thôi thúc tôi nhiều hơn. Vì khi này tôi viết còn là cho các con của mình đọc. Tôi viết vì cả một thế giới trẻ thơ sinh động, đáng yêu, hấp dẫn đang hiện ra trước mắt mình và mỗi ngày mình được sống ở trong đó. Nhờ vậy qua mỗi sáng tác tôi ghi lại được hành trình lớn của các con, để sau này sẽ là “của hồi môn” vô giá mà các con nhận được từ mẹ.
Sáng tác được những tác phẩm hay chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Chọn viết cho đối tượng nào, đề tài nào cũng có cái khó. Với mảng sáng tác cho thiếu nhi, theo tôi khó nhất là việc hóa thân, nhập vai cho đúng tâm sinh lý lứa tuổi mà tác phẩm chọn để viết. Không thì sẽ thành “giả giọng”, khiên cưỡng ngay. Muốn vậy người viết phải lắng nghe và hiểu được trẻ. Tôi vẫn thường “đọc ké” những cuốn sách mà các con tôi hay đọc, vẫn chịu khó ngồi cả tiếng đồng hồ nghe con kể về ban nhạc mình yêu thích hay những chuyện rắc rối mà con gặp trên lớp,… Qua đó tôi mới thực sự hiểu được suy nghĩ cũng như mối quan tâm của lứa tuổi đó. Và mình cũng phải thay đổi tư duy của mình về thế giới trẻ thơ, giúp mình “trẻ lại”. Sự tưởng tượng của nhà văn dù phong phú đến đâu nhưng nếu không có sự tìm hiểu, “thâm nhập” vào thế giới nhân vật mà mình định viết thì tác phẩm sẽ khó có sức thuyết phục, chưa kể đến việc có đủ sức hấp dẫn được người đọc.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam): Mượn trong vắt trẻ thơ để cân bằng nỗi buồn người lớn
Ngay từ khi bắt đầu với văn chương, tôi đã theo đuổi song song hai con đường: viết cho người lớn và viết cho thiếu nhi. Cuốn sách đầu tay của tôi – “Tay chị, tay em” (NXB Kim Đồng, 2011 ), cũng là một truyện vừa dành cho thiếu nhi, vừa dành cho người lớn. Nhiều bạn đọc tôi hay thắc mắc: Làm sao có thể “phân thân” để vừa làm một người lớn, vừa làm một đứa trẻ? Chính tôi cũng không biết!
Còn nếu nói đến cơ duyên, biết đâu không phải chính những đau đáu, trăn trở trong sáng tác cho người lớn đã đưa tôi đến say mê viết cho thiếu nhi? Viết để mượn trong vắt trẻ thơ cân bằng nỗi buồn người lớn!
Viết cho thiếu nhi tôi được lời nhiều lắm. Đặt bút viết cho các em cũng là tôi đang viết nên niềm vui cho mình. Thứ niềm vui ngồ ngộ, trong veo. Khó khăn cuộc sống, mệt mỏi cơm áo hóa một áng mây nhẹ bổng bay vèo đi mất. Ở lại cùng tôi chỉ có những nhân vật dễ thương, những đùa nghịch trẻ con lắm lúc khiến tôi vừa viết vừa cười khúc khích.
Khi là một cô bé, tôi rất mê cổ tích. Viết cho thiếu nhi cho tôi cả một “đại dương” cổ tích để tha hồ ngụp lặn dù đã là người lớn. Tôi không chỉ dùng những trang viết thiếu nhi để “xin một vé” bước lên chuyến tàu thăm lại tuổi thơ mình. Những trang viết cho các em thanh lọc tâm hồn “người lớn tôi” hoàn toàn, biến trái tim tôi thành trái tim một cô bé. Tôi hóa trẻ thơ mọi khoảnh khắc khi ngồi gõ từng dòng chữ dành tặng các em.
Vì được lời quá trời nhiều như thế nên khi viết thiếu nhi, tôi thấy vui nhiều hơn thấy khó. Chắc cũng nhờ tôi có lớp học, ngày ngày được quây quanh bởi bao gương mặt, giọng nói, tiếng cười học trò. Mà lại toàn những cô cậu bé siêu mộng mơ, siêu nhí nhố. Thế giới các em có đến hàng trăm câu chuyện. Hệt như ở giữa khu vườn có muôn vàn bông hoa tuổi thơ thơm ngát, tôi vậy là trở thành con ong mật khôn lỏi, tận dụng may mắn, chiết xuất hương hoa thành tảng mật óng ánh vàng.
Và tôi tặng lại những tảng mật ấy, những câu chuyện tôi viết, cho học trò tôi và những thiên thần nhỏ quanh tôi.
Phùng Thị Ngọc Linh (Biên tập viên ETS - Alpha Books): Chuỗi những niềm vui và cũng là thử thách lớn lao
Ngay từ hồi còn nhỏ xíu, tôi đã được mẹ mua cho rất nhiều truyện của Nhà xuất bản Kim Đồng. Có thể nói, tuổi thơ của tôi gắn với thế giới đầy nhiệm màu từ những câu chuyện cổ tích và đồng thoại. Lớn hơn, thì bắt đầu mê những cuốn truyện dày như “Dế mèn phiêu lưu ký” của bác Tô Hoài, hay bộ “Kính vạn hoa” của chú Nguyễn Nhật Ánh. Có lẽ sở thích đọc sách theo năm tháng chính là yếu tố thúc đẩy để đến một thời điểm nào đó, niềm mong ước được sáng tạo ra những câu chuyện của riêng mình dần lớn lên, trở thành một ước mơ. Thêm nữa, do nhà tôi có nhiều trẻ nhỏ, thi thoảng tôi thường ngồi đọc sách hay “kể bịa” chuyện cho bọn trẻ nghe. Và điều tất yếu, nó giúp tăng thêm động lực để đến một ngày kia, tôi đặt bút viết nên tác phẩm đầu tiên dành cho thiếu nhi. Dần dà, viết sách, làm sách cho thiếu nhi đã trở thành cái nghiệp của tôi khiến tôi không thể và cũng không muốn rời bỏ nữa.
Viết cho thiếu nhi thực sự là một chuỗi những niềm vui đồng thời cũng là thử thách lớn lao đối với những người theo nghiệp viết. Bởi, khi viết cho trẻ, dường như mình được sống lại những khoảnh khắc tuổi thơ quý giá mà người lớn ai ai cũng mong một lần trở lại. Hơn thế, viết cho trẻ, là trái tim mình sẽ được mãi tươi vui và yêu đời như trẻ thơ vậy. Tuy nhiên, để giữ được phong cách viết đặc trưng cho thiếu nhi, thì người viết phải luôn giữ gìn trái tim và tâm hồn của mình trẻ trung, mới có thể hiểu và nắm bắt được tâm lý trẻ, mới có thể sáng tác được những tác phẩm thực sự phù hợp và có giá trị, cũng như khiến trẻ em yêu thích. Điều này là một thách thức với những người lớn bởi chúng ta khi đã lớn sẽ theo xu hướng nhìn cuộc đời theo cách nhìn phức tạp và rắc rối.
Bên cạnh đó, còn một yếu tố tác động tới người viết cho thiếu nhi hiện nay, là việc sách của những tác giả Việt viết cho thiếu nhi dường như lép vế so với văn học dịch, đồng thời, việc nhuận bút tác phẩm thiếu nhi cũng rất thấp so với sáng tác cho người lớn, điều đó phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người viết, trở thành rào cản khiến người viết có thể dành trọn tâm huyết cho các tác phẩm thiếu nhi.