Từ chuyện “bén duyên” với nghề trồng đào…
Trong cái rét ngọt giữa đông, những cây đào bắt đầu đơm nụ, làng quê Vân Tảo cũng nhộn nhịp hơn. Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về nghề trồng đào trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo), người đã có hơn 25 năm gắn bó với cây đào, chia sẻ: "Vốn quen với cây lúa, cây rau…, nên để chuyển sang trồng hoa đào là cả một quá trình. Khó khăn nhất là khả năng hiện thực hóa mong muốn như thế nào bởi không dễ thay đổi thói quen ngay trong một sớm, một chiều. Để trồng một loại cây mới mọi thứ đều phải khác, trong khi kiến thức cơ bản về trồng đào cũng như tư duy về thị trường gần như là con số không. Chưa kể điều kiện đất đai, kỹ thuật canh tác... có phù hợp không. Do đó, để có những ruộng đào mang đến mùa xuân no ấm, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều".
Về hành trình “bén duyên” với nghề trồng đào, ông Nguyễn Văn Thắng kể rằng: "Từ 25 năm trước, Vân Tảo đã có khá nhiều hộ trồng đào, nhưng những cành đào ở đây bông không to, sắc hoa không thắm… Nhiều người không nắm chắc những kỹ thuật chăm sóc cơ bản khi cây đào đơm nụ hay thời điểm hoa nở... Lúc đó, hầu hết các hộ trồng đào đều bán cành, chỉ một số rất ít trồng được đào gốc cảnh, đào thế và đào Vân Tảo chưa được người chơi hoa biết đến. Thế nhưng, đến nay mọi sự đã khác, Vân Tảo đã được biết đến như một vùng trồng đào mới của Hà Nội. Và người nông dân trồng đào trên đất này đã trồng được nhiều loại đào cảnh đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng".
Tất bật chuyển những gốc đào lớn theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp, ông Bùi Văn Nguồn (thôn Đông Thai, xã Vân Tảo) cho biết: "Năm 2005, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 1.800m2 đất để phát triển mô hình trồng hoa đào. Hơn 15 năm “bén duyên” với loại cây này, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm canh tác và đến nay vườn đào của gia đình đã có hơn 300 gốc. Trung bình mỗi vụ trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng 600-700 triệu đồng. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách hàng đặt mua giảm nhiều, song cây đào vẫn mang lại cuộc sống đầy đủ cho nông dân nơi đây".
Hơn 30 năm cây đào “bén duyên” với đất Vân Tảo, những cánh đồng lúa kém hiệu quả đã trở thành những ruộng đào rực rỡ sắc hoa khi mùa xuân về. Vân Tảo đã trở thành vùng trồng đào có tiếng của không chỉ Hà Nội mà toàn miền Bắc. Người nông dân nơi đây luôn cần cù học hỏi, nâng cao kỹ thuật canh tác nên đào Vân Tảo không thua kém đào Nhật Tân hay những vùng đào nổi tiếng khác của cả nước.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Tảo Nguyễn Văn Tưởng cho biết, toàn xã Vân Tảo hiện có hơn 900 hộ với hơn 100ha đất trồng hoa đào, tập trung tại thôn Đông Thai và thôn Nội Thôn. So với các mô hình chuyển đổi sản xuất trên địa bàn, mô hình trồng đào cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trung bình mỗi héc ta trồng đào cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, nhờ việc không ngừng nâng cao kỹ thuật canh tác, đào Vân Tảo đã đáp ứng được nhu cầu cao và đa dạng của người chơi hoa ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm, vùng đào Vân Tảo cung ứng khoảng trên 10 triệu sản phẩm các loại cho thị trường hoa, cây cảnh Tết.
… đến phát triển làng hoa cây cảnh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường đào năm nay nhìn chung không nhộn nhịp như những năm trước, nhưng người dân Vân Tảo vẫn miệt mài lao động với mong muốn cây đào sẽ mang đến một mùa xuân ấm no. Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo) thông tin: “Thị trường năm nay không được sôi động như mọi năm, nhất là đào cây, đào thế… Do vậy, nhiều hộ trồng đào đã chủ động giảm bớt lượng đào cây, tăng trồng đào cành để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là cách chúng tôi vừa thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, vừa bảo đảm ổn định sản xuất”.
Để cây hoa đào cũng như các loại hoa, cây cảnh “đứng chân” bền vững trên mảnh đất quê hương, từ năm 2017, UBND xã Vân Tảo đã xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ đào, hoa, cây cảnh cho người nông dân. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng hoa đào tại Vân Tảo vẫn không ngừng được mở rộng. Hầu hết các vườn đào ở đây có quy mô 300-500 gốc, với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Nhiều nhà vườn lớn có quy mô lên đến 1.000 gốc và sở hữu những gốc đào quý, giá trị cao… Cây đào không chỉ làm giàu cho các gia đình nông dân Vân Tảo mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động từ một số địa phương lân cận.
“Những năm trước, giá đào cành thường dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/cành; những cành to, đẹp có thể bán được 1-2 triệu đồng/cành. Đào cây cũng rất được giá, những gốc to, thế đẹp nhiều khi được trả tới hàng chục triệu đồng... Nghề trồng đào đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động, thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/người/ tháng. Cây đào đã góp phần giúp cuộc sống của người dân Vân Tảo ngày càng khấm khá hơn; đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này”, Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ.
Hai năm gần đây, cùng với cây đào, nhiều loại cây hoa khác như: Hoa cúc, hoa thược dược, hoa hồng, hoa ly, hoa lan... cũng được các hộ dân trồng để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Theo Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn, năm 2022, xã Vân Tảo phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển làng nghề hoa, cây cảnh, xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, tạo điểm đến trong tuyến du lịch làng nghề, văn hóa của huyện Thường Tín; xã Vân Tảo đã đầu tư triển khai xây dựng nhiều tuyến đường kết nối với các xã của huyện và đường giao thông nội đồng nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề trồng hoa, cây cảnh mà trọng điểm là cây đào.
Xuân Nhâm Dần 2022 đang về trên những nẻo đường, trên những cánh đồng hoa, cây cảnh của Vân Tảo. Cây đào và nhiều loại hoa, cây cảnh có giá trị khác đã, đang mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất trù phú Vân Tảo với những kỳ vọng mới, thành công mới. Sắc hoa đào và nhiều loại hoa, cây cảnh đang tạo nên hình ảnh rực rỡ đầy sức sống của miền quê nông thôn mới Vân Tảo hôm nay.