“Văn nghệ Thủ đô thêm sức sống mới…”

Phạm Hồng Thinh| 03/08/2018 13:59

NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã nhấn mạnh như thế khi dành cho báo Người Hà Nội cuộc trò chuyện đầy thân tình nhân kỷ niệm 10 năm Thủ đô Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính và một số tỉnh liên quan (giai đoạn từ 1/8/2008 đến 1/8/2018) theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII.

“Văn nghệ Thủ đô thêm sức sống mới…”
NSND Trần Quốc Chiêm

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã cử đoàn văn nghệ sĩ tham gia ngày đi thực tế về các huyện làm tốt chương trình nông thôn mới; tổ chức hội thảo khoa học về sự kết nối 2 vùng văn hóa lớn: văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng…

PV:Thưa ông, có thể thấy, cùng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng về địa giới hành chính, văn nghệ Thủ đô đã được hưởng nhiều lợi ích như về lực lượng sáng tác, vốn văn hóa dân gian…?

NSND Quốc Chiêm: Khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan Thủ đô Hà Nội bao trọn hai vùng văn hóa liền kề: Thăng Long và xứ Đoài (và một phần đất Sơn Nam Thượng). Đây đều là những vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn bó, bổ trợ cho nhau, mở ra nhiều sắc thái phong phú, đa dạng hơn cho văn học nghệ thuật Thủ đô.

Bởi thế, những năm qua, cùng với  vùng đất kinh đô Thăng Long cổ kính hơn nghìn năm tuổi, địa hạt sáng tạo của văn nghệ sĩ Hà Nội còn được mở rộng, giao thoa sang vùng văn hóa xứ Đoài. Sự giao thoa này rất đỗi tự nhiên mà vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa của mỗi vùng. Các nhà hát chèo, cải lương, kịch của Hà Nội trở thành không gian sáng tạo chung của các nghệ sĩ sân khấu của hai vùng văn hóa. Trong khi đó, hội viên Hội Nghệ sĩ Múa đã tìm kiếm, khôi phục được nhiều điệu múa cổ như múa bài bông, múa trống cổ, hò cửa đình ở Phú Xuyên; múa trống bồng, múa rồng chạy cờ ở Triều Khúc (Hà Đông), múa cấp sắc của người Dao đỏ (Ba Vì)… Với các hội viên Hội Nhà văn, vẻ đẹp cổ kính thơ mộng của núi Tản, sông Đà hay thành cổ Sơn Tây luôn là nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Nhất là các hội viên Hội Văn nghệ dân gian thường xuyên có những chuyến đi điền dã tìm hiểu, nghiên cứu về các phong tục văn hóa cổ xưa, các làng nghề truyền thống cũng như các di sản văn hóa nổi tiếng ở vùng đất này như đình Mông Phụ, nhà cổ Đường Lâm, chùa Trăm Gian…

Bên cạnh đó, ngay khi sáp nhập, văn nghệ Thủ đô có một lực lượng sáng tác hùng hậu với hơn 3.400 hội viên thuộc 9 hội chuyên ngành. Ở đó, văn hóa xứ Đoài đóng góp thêm những cây bút tâm huyết. Nhờ thế, đời sống văn nghệ Thủ đô thêm phong phú, sôi động với các đề tài lịch sử và đề tài hiện đại trải rộng ra nhiều khía cạnh; nhiều tác phẩm đã được đầu tư tâm huyết. Đặc biệt, văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng chủ động dấn thân vào các đề tài hiện đại, khám phá các mối quan hệ phức tạp nhiều chiều trong xã hội.

PV:Vậy 10 năm qua Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tích cực tập hợp, lực lượng của mình như thế nào để tiếp tục hỗ trợ văn nghệ sĩ phát huy tài năng, đóng góp tâm sức, thưa ông?

NSND Trần Quốc Chiêm: Là mái nhà chung của đông đảo văn nghệ Thủ đô, 10 năm qua, Hội Liên hiệp ngày càng đổi mới phương thức hoạt động để tập hợp, thu hút văn nghệ sĩ cùng đoàn kết xây dựng phong trào đồng thời tạo điều kiện và cổ vũ tài năng không ngừng sáng tạo. Về hình thức sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, Hội Liên hiệp và các Hội chuyên ngành rất quan tâm đúc rút kinh nghiệm chuyên môn, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học có ý nghĩa, phân tích các khuynh hướng mới trong văn học – nghệ thuật, đưa công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật trở thành trọng tâm đáng chú ý, có chiều sâu tư duy. Việc biểu dương và tôn vinh các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân và ưu tú… đều được quan tâm, đơn cử như các chương trình biểu diễn “Tình yêu Hà Nội” đều kỳ của Hội Âm nhạc hoặc các hình thức tôn vinh của Hội Văn nghệ dân gian, Hội Sân khấu đối với hội viên cao tuổi, có nhiều thành tựu với việc nghiên cứu văn hóa Thủ đô.

Các cuộc trao đổi chuyên môn, giao lưu với các Hội kết nghĩa (Hà Nội - Huế - Sài Gòn và 5 vùng đất kinh đô xưa: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế), các trại sáng tác có quy mô rộng rãi được mở chung với các Hội bạn ở các tỉnh miền núi hoặc ven biển, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên… đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Các biện pháp tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ cũng như vận dụng thế mạnh của chế độ đầu tư “đặt hàng”, ký hợp đồng mua sản phẩm đối với những công trình và tác phẩm xuất sắc, đã được vận dụng hiệu quả, có “trông giỏ bỏ thóc”, nhằm thúc đẩy và phát huy xứng đáng thế mạnh của các đề tài có chất lượng. Các giải thưởng văn học nghệ thuật của Hội Liên hiệp giữ được uy tín khá cao, động viên kịp thời các tác phẩm có chất lượng của cả 9 chuyên ngành. Các giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô và Triển lãm Nhiếp ảnh tổ chức dịp 10/10 hàng năm đều có chất lượng khá và đều tay.

Việc đầu tư sáng tác chủ yếu là đầu tư mở các trại sáng tác cho 9 ngành được đẩy mạnh, thu hút đông đảo hội viên. Có 2 trại sáng tác đa ngành của Hội Liên hiệp được tổ chức ở Nha Trang và Đà Lạt với trên 50 lượt hội viên, có sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Với ý thức nâng cao hiệu quả đầu tư cho các trại sáng tác của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội đã cải thiện chất lượng dự trại sáng tác, duyệt đề cương đi trại chặt chẽ hơn, quan tâm thiết thực hơn đến tác động của trại sáng tác đến từng hội viên và thành quả có được sau khi kết thúc trại. Việc đi thực tế của các Hội ngày càng đa dạng, vận dụng biện pháp xã hội hóa, tạo ra nhiều chuyến đi bổ ích.

 Việc liên kết giữa Hội với các cơ quan thành phố trong việc tổ chức các hoạt động chung đã tạo ra nhiều khởi sắc, như đợt phát động sáng tác chung giữa Hội Liên hiệp, Sở Văn hóa - Thể thao và Ban Tuyên giáo về đề tài “Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, hoặc việc phối kết hợp giữa Hội Nhiếp ảnh với Công an Thành phố tổ chức cuộc thi ảnh “Vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên”.

Ngoài ra, những việc như tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng văn nghệ sĩ kế cận, tăng cường cơ chế đầu tư có hoàn lại, tức là ký hợp đồng đặt hàng dài hạn đối với những tác phẩm có nhiều hứa hẹn, tạo thêm điều kiện cho các phương thức giao lưu bổ ích giữa văn nghệ sĩ với công chúng, tạo quan hệ gắn bó giữa hội viên với độc giả, khán giả rộng rãi; tham gia tổ chức các hội sách, hội diễn với các cơ quan bạn; các cuộc trưng bày, quảng bá tác phẩm và giao lưu ở trong nước cũng như ở nước ngoài (các nước trong khu vực ASEAN) đang là những việc được Hội phối hợp cùng các hội chuyên ngành sát sao quan tâm, tổ chức thực hiện.

PV: Bên cạnh những hoạt động tích cực đó, liệu ông còn có những băn khoăn, trăn trở gì?

NSND Trần Quốc Chiêm: Vẫn còn đó nỗi băn khoăn của BCH Hội Liên hiệp về giá trị giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô còn thấp mà lại phải cạnh tranh với giải thưởng của các hội văn nghệ Trung ương. Nhiều khi giải thưởng của Hội Liên hiệp chưa khuyến khích được sự sáng tạo của nghệ sĩ và khó thu hút được những tác phẩm, công trình chất lượng cao tranh tài. Vì thế, Hội rất cần thành phố cũng như các sở, ban, ngành quan tâm nhiều hơn đến giải thưởng này, nâng giá trị các giải thưởng của Hội ngang tầm với giải thưởng của các hội Trung ương (từ 15 triệu - 20 triệu/giải)...

Hơn nữa, cần có chế độ đãi ngộ đặc thù, chính sách thu hút người tài, chế độ đầu tư chiều sâu đối với văn nghệ sĩ, cơ chế khen thưởng kịp thời các tác phẩm được giải cao trong khu vực và thế giới… tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về tinh thần và vật chất cho các tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô. Tất nhiên, ai cũng biết, tác phẩm đỉnh cao phải được bắt đầu từ tấm lòng, tài năng cũng như trách nhiệm xã hội của mỗi nghệ sĩ. Nhưng, khi thành phố có một cơ chế đãi ngộ, thu hút người tài thì sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa tâm huyết và tiềm năng của hội viên tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao.

Mặt khác, Hội cũng rất tôn trọng đề xuất của văn nghệ sĩ Thủ đô về mong muốn chuyển đổi mô hình Hội Liên hiệp sang Liên hiệp Hội. Tuy nhiên, xét trên thực tế khi toàn xã hội đang tích cực tổ chức sáp nhập lại bộ máy tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong khi đó, mô hình Liên hiệp Hội của văn nghệ TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Vì thế, văn nghệ sĩ Thủ đô cần hiểu rõ tình hình, tích cực hòa nhập vào hệ thống chính trị để cùng đoàn kết, chủ động xây dựng tổ chức Hội gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực. Hội khuyến khích các hội chuyên ngành chủ động xây dựng các chương trình hành động của mình theo quý, theo năm để Hội Liên hiệp đặt hàng. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
“Văn nghệ Thủ đô thêm sức sống mới…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO