Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội xứng tầm Thủ đô, truyền cảm hứng và tạo khí thế chung cho cả nước
Ngày 18/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đại diện văn nghệ sĩ, nhà khoa học, trí thức, chức sắc tôn giáo Thủ đô; Bí thư, Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Thành phố vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Tổ trưởng Tổ Biên tập, Tổng hợp và Xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu quốc gia
Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trình Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của Dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo.

Tham luận tại Hội nghị, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Dự thảo đã được xây dựng công phu, bố cục rõ ràng, khoa học, nội dung bao quát và phong phú; thể hiện được tầm vóc của một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, khẳng định vai trò đầu tàu quốc gia, động lực vùng đồng bằng sông Hồng.
GS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, thu hút nhân tài trình độ cao cho Hà Nội không thể tách rời một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Hệ sinh thái này bao gồm: Khu công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các đại học hàng đầu, quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ…
Các vấn đề liên quan tới môi trường, GS.TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - Địa chất, kiến nghị trong phần các đột phá, cần bổ sung: Đột phá về nâng cao chất lượng môi trường sống của Thủ đô với mục tiêu: Tạo ra một thành phố bền vững trong đó không chỉ có trách nhiệm tạo một môi trường sống tốt mà còn có một nền kinh tế sôi động và một xã hội thân thiện và hội nhập.
“Về nhiệm vụ và giải pháp, trong dự thảo đã đề cập tới một trong những lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu, đây là một định hướng rất đúng đắn và có tầm nhìn để bảo đảm hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên trong cách diễn đạt phần này cần chỉnh sửa đầu đề là: Phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”- GS.TS Trần Thanh Hải góp ý.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay, Hà Nội vẫn đi đầu cả nước, nhưng trong giai đoạn tới, khi đất nước vươn mình, đòi hỏi vai trò đi đầu của Hà Nội ở mức cao hơn. Hà Nội cần xác định rõ, trong giai đoạn mới, thời cơ lớn mở ra, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất cao, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Hà Nội với vai trò của mình phải bằng mọi cách để hoàn thành, để truyền cảm hứng, tạo khí thế chung cho cả nước.
“Khung chiến lược của đất nước là nằm ở “Bộ tứ trụ cột”, Hà Nội cũng phải tập trung vào bộ tứ này, tiên phong dẫn dắt cả về công nghệ và hệ giá trị phát triển. Hà Nội phải trở thành cực tăng trưởng mới của quốc gia. Cho nên, Báo cáo chính trị phải thể hiện rõ định hướng phát triển quốc gia, tiên phong dẫn dắt, hội tụ lan toả”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Còn theo Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, Hà Nội từ lâu đã được xem là trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước với bề dày nghìn năm văn hiến, truyền thống địa linh nhân kiệt và lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ hùng hậu.
Dù có tiềm năng lớn nhưng trong nhiều năm qua, phát triển văn hóa của Hà Nội vẫn chưa đạt theo kỳ vọng. Đồng thời, dù văn kiện luôn khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa nhưng trên thực tế, chưa có sự đầu tư tương xứng để đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột phát triển.
Vì vậy, nhà thơ Bằng Việt kiến nghị cần đưa văn hóa vào nhóm “nhiệm vụ đột phá” của Thủ đô bên cạnh ba đột phá hiện tại. “Văn hóa là tinh túy, cốt lõi để Hà Nội vươn lên, tạo bản sắc và vị thế so với các tỉnh thành khác” - Nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.
Hội nghị đã nghe các tham luận rất sâu sắc về những vấn đề chuyên sâu của GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; PGS.TS Trần Đức Cường - Hội Sử học Việt Nam; Hòa thượng Thích Triều Tuệ - Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội…
Xây dựng phát triển Hà Nội xứng với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu và khẳng định những ý kiến đóng góp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện văn kiện.
.jpg)
Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, các ý kiến đại biểu nêu không chỉ được tiếp thu nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, mà còn tiếp tục được đưa vào các chương trình, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới với tinh thần trong kỷ nguyên mới, thời cơ lớn đã mở ra, mặc dù khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng Hà Nội phải quyết tâm và không thể bỏ qua.
Đề cập vấn đề phát triển văn hóa mà các đại biểu quan tâm, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung mạnh cho phát triển văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GRDP ngày càng cao hơn. Chưa bao giờ thành phố quan tâm, đầu tư vào phát triển văn hóa mạnh mẽ và to lớn như nhiệm kỳ vừa qua.
Đến nay, Hà Nội cũng là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố cũng quán triệt rõ tinh thần, không đánh đổi văn hóa, môi trường lấy tăng trưởng, phải phát triển bền vững; đồng thời, phát triển văn hóa gắn với công nghiệp văn hóa.

Đối với định hướng phát triển hai bờ sông Hồng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ lấy sông làm trục trung tâm cảnh quan, phát triển cân bằng hai bên bờ.
Việc Hà Nội thành lập phường Hồng Hà từ địa bàn của 5 quận cũ và kéo dài từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy là bước đi cụ thể đầu tiên nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển đô thị ven sông. Hà Nội cũng đang xúc tiến các dự án lớn như đường trên cao hai tầng ngoài đê, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo…
Bên cạnh đó, Thành phố đặt quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch trong năm nay và từng bước làm sạch hệ thống sông nội đô như sông Lừ, sông Sét, sông Cầu Bây...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội bày tỏ hy vọng, để đạt được mục tiêu lớn này, Thành phố tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, góp ý, đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các trường trên địa bàn thành phố, cùng chung tay xây dựng Thủ đô của chúng ta đẹp hơn, phát triển hơn, xứng đáng hơn với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước./.