Văn hóa Việt Nam-Pháp là một điểm sáng kết nối tình hữu nghị giữa hai quốc gia
Vừa qua, Viện CLEF phối hợp với Trường Đại học Ngoại Ngữ/Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Phenikaa, Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN tổ chức chương trình Âm nhạc chiều thứ Bảy (Saturday Music Rendez-Vous) với chủ đề “Cuộc đời thứ hai của ca khúc: Bài hát Pháp trong tiếng Việt”.
Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, cộng đồng Pháp ngữ đã từng bước chuyển mình, trở thành một không gian chính trị - kinh tế - văn hóa đa dạng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.
Ðến nay, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã trở thành mái nhà chung của 88 thành viên và quan sát viên, hiện diện tại 5 châu lục. Tính đến tháng 3.2023, với 1,2 tỷ người, cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu.
Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT - tiền thân của OIF) năm 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ... Những vị trí quan trọng mà Việt Nam đảm nhiệm thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong cộng đồng.
Phát biểu mở đầu đề dẫn hội thảo, Viện trưởng Viện CLEF Ngô Minh Thủy nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Pháp trong mọi mặt đời sống văn hóa Việt Nam. Nước Pháp nói riêng và các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ nói chung có sự gắn bó mật thiết với Việt Nam. Văn hóa Pháp và tiếng Pháp đã để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa Việt và tiếng Việt.
Từ những thói quen hàng ngày trong ẩm thực như bánh mỳ, cà phê; các công trình kiến trúc, các biệt thự cổ và cả những biệt thự mới xây theo kiểu Pháp đến nghệ thuật, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc….đều có phảng phất nét Pháp. Tiếng Việt cũng có những ảnh hưởng lớn từ tiếng Pháp, trong đó có những ảnh hưởng ở hệ thống chữ viết và vốn từ vay mượn tiếng Pháp rất phong phú.
Không chỉ có vậy, văn hóa và ngôn ngữ Pháp còn có ảnh hưởng lớn và mang đến những giá trị tích cực cho nền giáo dục ở Việt Nam. Việc học và nghiên cứu văn hóa- ngôn ngữ Pháp mang lại nhiều cơ hội làm việc, phát triển bản thân của nhiều người Việt, Bà Thuỷ nhấn mạnh.
Đại diện cho Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Phùng Danh Thắng đánh giá cao vai trò của hội thảo khoa học lần này trong tiến trình phổ cập và giao lưu văn hóa, giáo dục trong mối quan hệ của Việt Nam và các quốc gia sử dụng tiếng Pháp. Đồng thời, TS. Phùng Danh Thắng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đơn vị đồng tổ chức hội thảo vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy, nâng cao vị thế của tiếng Pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Cũng phát biểu tại chương trình, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã đại diện Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội gửi lời cảm ơn đến các đối tác tham gia tổ chức hội thảo. Khẳng định vai trò “không thể thiếu” của tiếng Pháp trong giai đoạn hiện nay cũng như lịch sử đào tạo và giảng dạy tiếng Pháp tại Trường Đại học Ngoại ngữ, PGS.TS. Lâm Quang Đông hy vọng các bên sẽ thúc đẩy hơn nữa tiềm năng phát triển của tiếng Pháp nhằm đạt được những thành tựu ngày càng to lớn trong các lĩnh vực: văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục.
Trình bày tại hội thảo, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà cho biết Hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Francophone có mối quan hệ mật thiết. Hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày Pháp ngữ 20/3, phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tham gia các chương trình phim kỷ niệm bằng việc gửi phim có phụ đề tiếng Pháp cho Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại trong khối theo đề nghị để chiếu quảng bá.
Trên thế giới đã tổ chức 14 kỳ LHP Pháp ngữ, tại Việt Nam vào hầu hết các năm, nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và các tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam (GADIF) đều tổ chức Tuần phim Pháp ngữ vào dịp này. Điểm laị những bộ phim Việt Nam gần đây tham gia chương trình phim gồm Truyền thuyết về Quán Tiên tại năm 2022 do phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp với Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và một số nước Pháp ngữ tổ chức, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tham gia Tuần lễ phim Pháp ngữ tại Chile; phim Thạch Thảo tham gia Liên hoan phim Pháp ngữ năm 2023 tại Việt Nam, Tro tàn rực rỡ năm 2024.
Ngoài ra, trong hai năm 2023-2024 nhân dịp Ngày châu Phi 25/5, Liên hoan phim FESPACO - Liên hoan Điện ảnh lớn nhất châu Phi đã được Đại sứ quán Maroc, Văn phòng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Viện Pháp tại Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức.
Hội thảo khoa học Hợp tác văn hoá, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ: Thách thức và triển vọng và chương trình "Âm nhạc chiều thứ bảy" là cơ hội để các học giả, chuyên gia và nhà quản lý trao đổi và làm sâu sắc hơn những khía cạnh xoay quanh vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ; tác động của văn hóa Pháp ngữ trong xã hội Việt Nam và vị trí của giáo dục Pháp ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam; quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối Pháp ngữ...
Các ý kiến tại hội thảo khẳng định: Ngoại giao văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục là tiền đề, cơ sở tạo dựng nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam – nước Pháp cùng 88 quốc gia sử dụng Pháp ngữ. Đây sẽ là một trong những cầu nối, cánh cửa mở ra thế giới. Việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội năm 1997 đặt dấu ấn cho con đường hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và ngôn ngữ với cộng đồng Pháp ngữ...
Ngay sau hội thảo là chương trình “Âm nhạc chiều thứ Bảy” với chủ đề “Cuộc đời thứ hai của ca khúc: Bài hát Pháp trong tiếng Việt”. Chương trình diễn ra với 2 phần. Phần I là các bài hát tiếng Pháp được thể hiện bởi các ca sĩ của nhóm M6. Phần II là các tiết mục văn nghệ đến từ đại diện sinh viên, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội./.