Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo

Bùi Hải| 21/06/2019 08:52

Trò chuyện về vấn đề xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, bà Lê Thị Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Tâm Bình chia sẻ: “Với Tâm Bình, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là xây dựng một môi trường làm việc hướng tới hiệu quả, người lao động được khẳng định bản thân, xây dựng mối quan hệ thân tình, hài hòa, năng động để đem đến sự hài lòng cho người lao động. Làm tốt việc đó chính là tạo động lực cống hiến và sáng tạo cho mỗi cán bộ, nhân viên.”

Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo

Dược sĩ Lê Thị Bình sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thuốc lâu đời và được đào tạo bài bản từ trường Đại học Dược Hà Nội. Với kiến thức được học, với kinh nghiệm gia truyền và sự nỗ lực hết mình chị đã xây dựng thành công thương hiệu dược phẩm Tâm Bình với phương châm kinh doanh được gửi trọn trong slogan: “Tâm Bình - Mang cả tâm tình trong từng sản phẩm”. Chị là một trong 100 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được trao cúp Thánh Gióng, được Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tặng danh hiệu “Phụ nữ sáng tạo” và là người phụ nữ duy nhất trong ngành Dược 4 năm liên tiếp được trao tặng Cúp Bông hồng vàng - Tôn vinh các nữ doanh nhân xuất sắc - không những trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội. 

PV: Thưa bà Lê Thị Bình, bà có thể điểm lại thành công của Tâm Bình trong việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp nhân văn trong những năm qua?

Bà Lê Thị Bình: Như bạn thấy, ở Tâm Bình, mọi người luôn hăng say lao động, dốc sức, dốc lòng sáng tạo vì sự phát triển của công ty. Ở Tâm Bình mọi người luôn thường trực nụ cười trên môi để lan tỏa đến đồng nghiệp, khách hàng một tinh thần làm việc thoải mái, vui vẻ mà trách nhiệm. Tôi rất vui vì đã tạo dựng được một Tâm Bình luôn thân thiện để mọi người đến đây cùng đoàn kết, tâm huyết làm việc với sự hài lòng cao nhất. Và, nhiều người đã gắn bó lâu dài với tôi 13 - 15 năm, với Tâm Bình rất nhiều người làm từ khi thành lập cho đến nay. Vì điều gì đây? Ngoài chuyện đảm bảo thu nhập thì chắc chắn rằng môi trường làm việc phải đem lại cho họ sự hài lòng. Và đấy cũng là lý do khiến nhiều người dù quen hay không quen nhưng qua theo dõi Tâm Bình họ đều có cảm nhận ở Tâm Bình luôn có tâm, nhân văn và tử tế. 

PV: Vai trò của người đứng đầu công ty và cũng chính là người truyền lửa trong sự thành công này là gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Bình: Tất cả đều được bắt đầu từ cái tâm. Tôi rất vui và hài lòng khi văn hóa doanh nghiệp của Tâm Bình đã hoạt động và phát triển theo đúng cái tâm của mình. Chúng tôi làm bằng chính tư duy và năng lực của mình.

Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo
Tổng giám đốc Lê Thị Bình chủ trì cuộc họp triển khai công việc với các cán bộ, nhân viên công ty.
Tôi luôn truyền lửa tới cán bộ, nhân viên trong việc định hướng phát triển doanh nghiệp một cách bền vững theo phương châm làm thật sẽ bền. Vì vậy mọi hoạt động của công ty từ sản xuất đến kinh doanh đều phải tận tâm hết mình, luôn đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu. Văn hoá doanh nghiệp tại Tâm Bình cũng luôn hướng về người lao động, chăm lo cho họ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tôi luôn sát sao với công việc, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo anh em để sao cho công việc đạt kết quả tốt nhất. Tạo điều kiện cho nhân viên đi học để nâng cao kiến thức chuyên môn. Tôi luôn bám sát tâm tư, lắng nghe nguyện vọng để tháo gỡ khó khăn, tạo cho anh em môi trường làm việc thoải mái. Không những thế tôi còn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, chia sẻ và thông cảm với hoàn cảnh của từng người, những trường hợp ốm đau, sinh nở tôi đều hết sức tạo điều kiện. Vào những buổi họp đầu tháng, tôi thường dành thời gian (15 phút) để mọi người cùng chia sẻ về những cuốn sách hay nên đọc, những kiến thức mới được học, nội dung về chăm sóc sức khỏe, có hôm tôi lại chia sẻ về kinh nghiệm dạy con. Qua những buổi trò chuyện này, anh em thấy thoải mái và tôi có cơ hội nắm bắt tâm tư của mọi người. 

PV: Văn hóa doanh nghiệp được Tâm Bình xây dựng trong các hoạt động hướng đến cộng đồng như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Bình: Nhiều năm qua, Tâm Bình luôn hướng đến cộng đồng bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa. Đó là những ngôi nhà tình nghĩa, những cây cầu mang tên Tâm Bình giúp bà con đi lại bớt khó khăn, đó là những phần quà của Tâm Bình gửi đến tận tay đồng bào vùng sâu vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn, vùng thiên tai lũ lụt, những người già neo đơn, những người khuyết tật hay trẻ em mồ côi… Tâm Bình là doanh nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh cứu người nên hoạt động từ thiện của Tâm Bình luôn gắn với công tác khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình chính sách, người cao tuổi, hộ nghèo, đây là hoạt động thường xuyên của Tâm Bình. Với Tâm Bình chúng tôi, làm từ thiện là làm bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng. Đó là sự trân trọng với cá nhân, tổ chức hay địa phương mà mình đến từ thiện. Vậy nên, dù bận rất nhiều việc nhưng tôi vẫn trực tiếp tham gia các đoàn từ thiện, sâu sát hướng dẫn nhân viên chọn quà sao cho phù hợp với đối tượng, xứng đáng với đồng tiền mình trao và chương trình phải thật ý nghĩa. Những món quà của chúng tôi thường gửi gắm cả tâm tình của người Tâm Bình trong đó. 

Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo
Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo
Bà Lê Thị Bình chụp ảnh lưu niệm với bà con bản Chiềng trong Lễ cắt băng khánh thành cầu dân sinh Tâm Bình
Ở Tâm Bình các hoạt động từ thiện được lan toả từ Ban Giám đốc đến các thành viên, ai cũng háo hức tham gia, ai cũng có tấm lòng muốn sẻ chia, không những thế người Tâm Bình chúng tôi còn luôn tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, làm những việc có ích cho xã hội.

PV: Được biết trong thời gian tới Tâm Bình có một chương trình đào tạo chuyên nghiệp dành cho toàn thể cán bộ, nhân viên. Lợi ích từ chương trình đào tạo này về mặt xây dựng văn hóa doanh nghiệp là gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Bình: Tâm Bình đang thuê gói tư vấn trị giá hơn 2,3 tỷ đồng về xây dựng hệ thống quản lý, gồm các hạng mục: Phần mềm BSC, KPIs, khung từ điển năng lực, hệ thống quy trình, cơ cấu tổ chức, văn hóa doanh nghiệp,… dành cho cả hệ thống Tâm Bình. Bên cạnh đó, Tâm Bình đã đầu tư cho nhiều phần mềm công nghệ để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như phần mềm quản trị nhân sự, phần mềm bán hàng, phần mềm quản lý khách hàng… Lợi ích về mặt xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở những gói đầu tư này là rất lớn. Khi mỗi cán bộ, nhân viên được nâng cao trình độ, nhận thức thì không những sẽ làm tốt chuyên môn mà còn giúp thay đổi tư duy, nhận thức, hành vi, thói quen, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc, với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình… Bên cạnh đó, mỗi người sẽ có thêm những trải nghiệm cũng như những bài học bổ ích về cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp. Riêng bản thân tôi cũng luôn nỗ lực học hỏi từ đơn vị bạn, học những cách làm hay về quản lý hay xây dựng các chế độ đãi ngộ cho người lao động. Với Tâm Bình, để phát triển bền vững, phát triển kinh tế luôn song hành với phát triển văn hóa từ những dự án đầu tư không nhỏ.

PV: Thành đạt trong kinh doanh nhưng bà vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò của một người vợ, người mẹ. Rất mong bà chia sẻ những bí quyết?

Bà Lê Thị Bình: Nhiều người vẫn nghĩ, phụ nữ khi kinh doanh thì sẽ khó tròn vai giữa công việc và gia đình. Nhưng với tôi để làm tốt hai điều này không quá khó bởi vì bản chất tôi là người phụ nữ của gia đình. Tôi thích làm công việc nội trợ, thích đi chợ nấu ăn, may vá thêu thùa, thích dạy con học, với tôi được chăm lo cho gia đình chính là niềm đam mê, là sở thích. Khi con còn bé tôi trực tiếp kèm con học, dạy cho con nề nếp, tính tự lập và thái độ nghiêm túc trong học tập. Cả hai con của tôi đều học trường chuyên, cháu lớn học chuyên toán Chu Văn An, cháu thứ hai học chuyên hoá trường Amsterdam vì vậy, sau này các cháu tự học tôi không phải mất nhiều thời gian để kèm cặp. Khi các con lớn lên, tôi là người định hướng cho con về nghề nghiệp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Trong các bữa ăn tôi thường tuyên truyền về nghề Dược, đây là một nghề cao quý, vừa làm thuốc chữa bệnh cứu người vừa có kiến thức để chăm sóc bản thân, gia đình. Thế rồi, cả hai con tôi được bọc bổng du học ở Anh, cả hai cháu đều đạt Huy chương vàng môn toán toàn nước Anh và cả hai đều tự nguyện theo học nghành Dược. Hiện con trai lớn đã tốt nghiệp Thạc sĩ Dược học tại Anh với tấm bằng giỏi và đang làm giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội. Con gái thứ hai đang học năm thứ hai nghành Dược Trường Đại học London và là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Anh, năm học vừa qua cháu là một trong 20 du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới được nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng. Giờ đây các con đã lớn nhưng hàng ngày, tôi vẫn thức dậy lúc 5h30 để tập thể dục rồi đi chợ, sắp xếp bữa ăn, công việc cho gia đình. 

Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo
Gia đình hạnh phúc của dược sĩ Lê Thị Bình
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa doanh nghiệp là động lực để người lao động sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO