Cổ động tinh thần yêu nước và ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc
Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau, báo chí trong cả nước đều hướng tới cổ động tinh thần yêu nước và ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc. Các báo công khai như Dân báo, Nước Nam, Sài Gòn mới, Tràng An, Thanh nghị, Tri tân, Văn mới… tiếp tục thức tỉnh truyền thống yêu nước. Các báo hoạt động bí mật Việt Nam độc lập, Cờ giải phóng, Cứu quốc, Tiên phong… tập trung khai thác nội dung đấu tranh xã hội và chuyển sang hoạt động công khai. Đặc biệt, ngay sau Tổng khởi nghĩa và Ngày Độc lập 2/9, đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới, các cơ quan, đoàn thể, nghiệp đoàn cho ra đời nhiều loại báo mới: Hồn nước, Vì nước, Quốc hội, Dân quyền, Ý dân, Đội Cấn, Quyết chiến, Khuyến nhạc… Dung lượng các báo thường gọn nhẹ với khuôn khổ 2 trang nhưng chuyển từ báo tuần và cách nhật sang báo hàng ngày nhằm cập nhật tình tình. Chẳng hạn, báo Cứu quốc quyết tâm thực hiện: “Trong lúc mọi nguyên liệu đang thiếu thốn mà số phát hành của Cứu quốc ra hàng chục vạn tờ, ai cũng biết việc cố gắng ra hàng ngày là một sự phi thường. Các bạn hãy gắng sức ủng hộ tờ báo tranh đấu của chúng ta vượt mọi sự khó khăn, làm trọn sứ mệnh tối cao của nó” (Cứu quốc, số 37, ra ngày 7/9/1945, tr.2).
Nhằm cập nhật tình hình thời sự, chỉ ba ngày sau Ngày Độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đại diện Chính phủ lâm thời đã có buổi họp báo thông tin về các vấn đề Pháp và Đông Dương, sách lược đối phó với quân Tàu Tưởng, vấn đề các đảng phái và nạn phỉ vùng biên giới phía Bắc. Bài báo mở đầu: “Buổi tối hôm 5/9/45, anh Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời Võ Nguyên Giáp đã triệu tập các nhà báo ở đây lại để cho biết và việc quan trọng mới xảy ra gần đây” (Cứu quốc, số 38, ra ngày 9/9/1945, tr.1). Từ đây, có thể thấy hầu hết các vấn đề đường lối, chính sách đối nội đối ngoại, sắc lệnh, lời kêu gọi, tình hình chiến sự, việc ủng hộ, gương hy sinh và hoạt động đoàn thể trong khắp cả nước được cập nhật, thông tin kịp thời.
Đặc biệt, tròn một tuần sau Ngày Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp ông Lương Ngọc Hiển, Chủ nhiệm báo Nước Nam. Báo này đưa tin trang trọng, ngắn gọn: “Chiều thứ sáu tuần lễ trước (7/9 - TG), bản báo Chủ nhiệm, ông Lương Đức Hiển, đã được hân hạnh đến yết kiến Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh tại dinh Bắc Bộ… Từ 3 giờ 20 cho tới 4 giờ kém 10, luôn trong nửa giờ, bản báo Chủ nhiệm đã trình bày cùng Hồ Chủ tịch mọi vấn đề quan hệ đến công cuộc nội trị, ngoại giao và chống ngoại xâm… Cuộc tiếp kiến diễn ra trong một bầu không khí trang nghiêm và đầy vẻ bình dân, giản dị” (Nước Nam, số 283, ngày 15/9/1945, tr.1)…
Những bài viết đặc biệt trên tạp chí Tri tân - (Ảnh tư liệu).
Ngay trong thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp nhà văn hóa Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tạp chí Tri tân và để lại cho ông ấn tượng sâu sắc: “Đứng trước nhà ái quốc quắc thước mà hiền từ đã bôn tẩu vì nước, đã hy sinh cho đồng bào, tôi cảm thấy cuộc hội kiến ấy là một giờ phút rất thiêng liêng trong đời làm báo của tôi, và tôi nhận thấy ở nét mặt vị thủ lĩnh cái tinh thần tranh đấu của cả một dân tộc” (Tri tân Tạp chí, số 205, ngày 20/9/1945, tr.1+17)… Chỉ một tháng sau, Chủ nhiệm Nguyễn Tường Phượng tiếp tục tham gia cuộc họp báo quốc tế rồi có bài tường thuật Cuộc hội đàm giữa Hồ Chủ tịch với các nhà báo Hoa, Mỹ, Việt, Pháp với tất tả niềm vinh dự, tự hào, kính trọng vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời uyên bác, ứng đối linh hoạt và thông thạo tiếng ngoại quốc: “Hồi 9 giờ sáng thứ bảy 24/10/1945, Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam đã tiếp các ký giả báo giới ngoại quốc và Việt Nam. Trong số ấy, chúng tôi nhận thấy rõ các đại biểu báo Trung Hoa ở Trùng Khánh, Vân Nam, Hà Nội, ký giả hãng Thông tấn xã, đại biểu báo Mỹ United Press, Holly Palmer, đại biểu hãng Agence France Presse cũng đến họp và hầu hết đại biểu báo hàng ngày và hàng tuần ở Bắc Bộ” (Tri tân Tạp chí, số 210, ngày 1/11/1945, tr.4-5)…
Xác định tầm quan trọng của báo chí và hướng báo chí vào nhiệm vụ trung tâm giữ vững nền độc lập và chính quyền non trẻ, các báo đều chú trọng tinh thần tự lực cánh sinh, kêu gọi toàn dân đọc báo, ủng hộ báo chí. Ngay sau khi có chủ trương “Từ nay Cứu quốc ra hàng ngày”, báo đã triển khai sâu rộng với kế hoạch bài bản, cụ thể, chi tiết: “Để kịp đối phó với tình thế biến chuyển mau lẹ; để cung cấp những đòi hỏi cấp bách của đồng báo, Cứu quốc ra hằng ngày kể từ ngày 10 tháng 9 năm 1945. Các đồng chí Việt Minh các tỉnh hãy giới thiệu ngay các đại lý và phóng viên ở mỗi tỉnh. Các bạn thay mặt cho Cứu quốc ấy phải là những đồng chí cứu quốc có thể tin cậy, yêu cầu các đại lý định lấy bao nhiêu nên cho biết trước và trả tiền trước… Từ trong vòng bí mật ra chỗ công khai, từ hàng tuần tiến tới hàng ngày, Cứu quốc luôn luôn tranh đấu với mọi trở lực để giành thắng lợi. Nó đã thắng lợi. Nhưng nhiệm vụ của nó còn nặng nề. Lúc này nó là tiếng gọi thống thiết của quốc dân, tiếng hô đanh thép của các chiến sĩ, là tất cả những tiếng anh hùng kêu gọi toàn thể đồng bào chống xâm lăng, bảo vệ nền độc lập. Các bạn xa gần hãy sốt sắng ủng hộ nó về mọi phương diện” (Cứu quốc, số 38, ra ngày 9/9/1945, tr.2)… Như vậy là cơ quan báo đã quan tâm đầy đủ tới tất cả các vấn đề mục tiêu, nhiệm vụ, phẩm chất nhà báo, vị thế phóng viên, cầu nối các đại lý và quan hệ tới đối tượng độc giả, chiến sĩ, đồng bào ở mọi miền đất nước.
Vị thế nhà báo - chiến sĩ
Nâng lên ở một tầm mức cao hơn, nhiều báo nhấn mạnh sức mạnh cây bút công cụ truyền thông và xác định rõ vai trò, vị thế nhà báo - chiến sĩ. Đơn cử sự tự ý thức này thể hiện trong xã luận Kháng chiến bằng bút: “Ngày thứ ba mồng chín tháng này, các bạn đồng nghiệp xuất bản hàng ngày đã tỏ rõ một tinh thần kháng chiến bằng bút. Đó là ngày của báo chí trong Tuần lễ Văn hóa… Hai mươi triệu dân Việt Nam đang đoàn kết bằng đủ mọi cách. Binh lính đoàn kết ngoài mặt trận. Dân chúng đoàn kết làm hậu thuẫn cho hàng ngũ xung phong. Dân đoàn kết để bất hợp tác với giặc Pháp. Đến bây giờ, đến ngòi bút cũng đoàn kết thành một sức phi thường quyết thắng giặc thực dân xâm lược” (Vì nước, số 3, ngày 14/10/1945, tr.1)…
Vào giai đoạn ban đầu của nền độc lập, trong khi nhiều vấn đề còn mờ ảo, dân trí chưa cao thì chính báo chí đã kịp thời nắm bắt, khai thông nhận thức cho quốc dân. Chẳng hạn như tác giả Chiến Đấu đã có bài phân tích sắc nét sự khác biệt cũng như mối quan hệ cơ hữu giữa tổ chức “chính quyền” và “mặt trận” qua bài Phải phân biệt chính quyền Nhân dân với Việt Minh: “Việt Minh lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 đã thắng lợi, thiết lập chính quyền nhân dân khắp mọi nơi. Nhiều người tưởng những Ủy ban nhân dân này hay Chính phủ lâm thời là những cơ quan của Việt Minh, nghĩa là tưởng lầm chính quyền nhân dân với Việt Minh là một. Cả đến những đồng chí cứu quốc, phần đông cũng hiểu lầm như vậy. Phải phân biệt hai thứ khác nhau. Ủy ban nhân dân và Chính phủ lâm thời là những cơ quan hành chính của nhân dân, trong đó có người của Việt Minh và có cả những người không ở tổ chức Việt Minh để cùng điều khiển những bộ máy cai trị. Còn Mặt trận Việt Minh gồm những chính đảng, những đoàn thể cứu quốc, vẫn là Mặt trận dân tộc cách mạng đứng ngoài Chính phủ và các Ủy ban” (Cứu quốc, số 38, ra ngày 9/9/1945, tr.1). Có thể nói vấn đề nhận thức mối quan hệ trách nhiệm giữa chính quyền và mặt trận cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự! Lại nói thêm những nhận thức về cách hiểu, cách diễn đạt, ghi tên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cụ Hồ thế nào cho đúng, đặc biệt với việc chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử với những dẫn giải cụ thể, chi tiết: “Vậy đồng bào phải chú ý, trong khi biên tên những người mình định bầu phải biên rất đúng tên và họ. Ví dụ biên cho Hồ Chủ tịch thì phải biên vào phiếu bầu Hồ Chí Minh. Không thể biên Cụ Hồ hay Hồ Chủ tịch” (Vì nước, số 7, ngày 18/12/1945, tr.1-2).
Có thể nói, trước những nhiệm vụ trung tâm đặt ra trong Cách mạng mùa thu 1945, nền báo chí non trẻ của chế độ Dân chủ Cộng hòa đã giải quyết tốt các vấn đề chính yếu, xác định rõ phải trái, chính tà, góp phần an lòng dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày nay đọc lại tư liệu báo chí giai đoạn này càng thấy rõ hơn tầm vóc, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo, nhân sĩ, trí thức yêu nước tiêu biểu (Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Tường Phượng,…); đồng thời là những thông tin về một số nhân vật ít nhiều đã hoặc chưa rõ nét (Bảo Đại, Phạm Lê Bổng, Hồ Đắc Điềm, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, Phạm Quỳnh, Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật, ông chủ hiệu ảnh Hương Ký…). Trên phương diện tiểu sử học, báo chí thời kỳ Cách mạng tháng Tám chắc chắn góp phần gợi mở nhiều vấn đề thú vị.
Có thể thấy cả một kho tư liệu lịch sử gắn với báo chí giai đoạn Cách mạng tháng Tám 1945 còn cần tiếp tục được khai thác, phân tích, xác minh. Với những số báo mỏng manh, thông tin chắt lọc, vắn tắt, chất lượng giấy không tốt, chữ in mờ nhòe nhưng báo chí giai đoạn ngày đầu độc lập đã xác lập nền móng vững chắc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử và góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.