Tục lệ làng Bát Tràng

09/06/2017 10:33

Bát tràng là làng gốm sứ nổi tiếng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Các dòng họ ở đây vốn từ vùng Bồ Tát (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) ra lập nghiệp, muộn nhất vào giữa thời Trần (đầu thế kỉ XIII trở đi). Do đặc điểm này mà từ xưa, làng có nhiều tập tục hay, lạ, đến nay vẫn được duy trì.

1. Tục được đi vào đình bằng cửa giữa:

Trong 23 dòng họ được coi là có công khai lập và xây dựng làng Bát Tràng, có họ Nguyễn Ninh Tràng, tương truyền từ vùng Ninh Trường (vùng giáp Thanh Hóa – Ninh Bình) ra lập cư. Sau khi ổn định cuộc sống, họ này đã lập nhà thờ để con cháu được vọng tổ tại quê mới. Về sau, có nhiều dòng họ khác từ Ninh Bình ra lập nghiệp, làng xóm đông đúc, đặt ra nhu cầu dựng đình. Họ Nguyễn Ninh Tràng đã hiến khi đất có nhà thờ họ cho làng làm đình. Họ Nguyễn Ninh Tràng được tôn vinh là họ khai làng và có công lớn với làng. Theo lệ làng từ xưa, họ Nguyễn Ninh Tràng được ba quyền ưu tiên mà không có họ nào có được:

- Giữ chức Thủ từ đình.

- Được vào và ra đình từ cửa giữa (các họ khác trong làng phải đi qua hai cửa bên), cả ngày thường cũng như ngày hội.

- Trong lễ hội Lấy nước và Rước nước của kỳ hội làng (từ ngày 11 đến 16 tháng Hai), được cử người cầm gáo đồng, khi thuyền đi qua khỏi dòng (vệt) nước đầu, sang dòng thứ hai, người có múc từng gáo nước đổ vào chóe nước để làng chuyển lên bờ và rước về đình để làm lễ Mộc dục và cúng tế quanh năm.

Tục này được duy trì từ xưa cho đến ngày nay, dù rằng, dòng họ hiện nay chỉ còn bốn gia đình ở làng. Có những hộ chuyển đi các nơi khác, hoặc đổi sang họ khác nhưng hàng năm cứ vào ngày 30 tháng Tám tục truyền là ngày giỗ tổ họ, người các nơi vẫn về Bát Tràng sắm lễ đem ra đình làm lễ Tổ và lễ các vị Thành Hoàng. Lễ gồm xôi, cơm gạo mới, chim ngói, chuối tiêu, hồng, cốm, rượu. Đến ngày Rằm tháng Hai, dòng họ lại sắm lễ để mở đầu cho lễ Rước gia tiên các dòng họ của làng.

Tục này đến nay vẫn được duy trì.

2. Tục phân biệt ngặt nghèo với dân ngụ cư:

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuyệt đại đa số các làng đều có quy định phân biệt đối xử với dân ngụ cư, thường phải sau ba đời mới được công nhận là dân chính cư (riêng làng Đông Ngạc, huyện Từ Liên đến phải đời thứ bảy). Song có lẽ, sự phân biệt ngặt nghèo nhất với dân ngự cư phải để đến lệ của làng Bát Tràng, thể hiện ở các điểm sau:

- Trong các xưng hô, người làng Bát Tràng không gọi người ngụ cư bằng các danh xưng “ông, bà, cụ”, mà gọi là “chú” (với nghĩa là chú em và trú ngụ) – đối với nam giới ít tuổi, nếu nhiều tuổi thì gọi là “lềnh”, còn với phụ nữ thì gọi “thím” (nếu ít tuổi hơn hoặc còn trẻ) hoặc “già” (nếu nhiều tuổi hoặc đã về già).

- Về ăn mặc, người ngụ cư ăn mặc sang trọng ra sao tùy ý, song đi trên đường làng Bát Tràng không được đi giày, chỉ được đi dép hoặc guốc mộc.

Người ngụ cư dù ở đến mấy đời cũng không được nhập tịch để trở thành người làng; không được mua nhà ở làng Bát Tràng (dù họ đã ở lâu năm và có nhiều tiền); vả lại có muốn mua cũng không ai là người làng Bát Tràng chịu bán. Người chính cư Bát Tràng nào vượt ra ngoài “khuôn phép” đó, bán nhà cho người ngụ cư thì các Chức dịch cũng không chứng thực.

Trong việc hôn nhân, con trai, đàn ông làng Bát Tràng không được lấy con gái, phụ nữ ngụ cư và ngược lại.

Việc phân biệt ngặt nghèo với dân ngụ cư được dân làng giải thích có nguồn gốc sâu xa từ một chuyện dưới đây:

Tục truyền: Họ Mai tuy không cùng gốc vùng Bồ Tát, là họ đến sau so với các họ khác trong làng, nhưng vẫn được làng Bát Tràng cho nhập tịch. Các gia đình trong họ luôn sống hòa thuận với dân làng. Trong họ có một nhà bố mẹ chết sớm, chỉ còn hai anh em nuôi nhai. Người em gái lớn lên có sắc đẹp tuyệt vời. Một lần, cô gái ngồi trên bến sông Bát Tràng. Đúng lúc có thuyền của vua nhà Mạc đi trên sông, ghé sát bến. Thấy cô gái đẹp, vua Mạc liền đưa về làm vợ, sau đươc phong làm Hoàng Phi. Ông anh cô gái nghiễm nhiên trở thành “Quốc cữu”. Gia đình đó trở nên giàu có và lắm uy quyền. Ông anh sau khi trở thành “Quốc cữu” cũng như nhiều người trong họ đó được “thơm lây” đã nhanh chóng thay đổi cách cư xử với dân làng, làm nhiều điều bạo ngược, tàn ác, trái cả luân thường đạo lý, bị dân làng oán giận. Khi vị vua nọ băng hà, vua khác lên trị vì, bà Hoàng Phi và Quốc cữu “hết thời”. Những người trong làng từng bị làm nhục, làm hại đến đây tập hợp lại, kéo vào các gia đình họ Mai “đòi nợ”. Rồi nhiều hành động quá khích xảy ra. Những người họ Mai có mặt ở làng hôm đó đều bị truy sát, chỉ có một người con dâu (đang có mang được mấy tháng) ở chợ nghe tin dữ liền nhanh chân chạy trốn đi nơi khác. Sau, bà này sinh được một cậu con trai. Đến khi người con trai này đã lớn, ân oán xưa với người làng đã được trả, hai mẹ con được trở về làng và được nhận lại nhà cửa, tạo dựng lại cuộc sống. Rồi người con trai lấy vợ, sinh con, lâu ngày cũng thành một dòng họ, nhưng không đông bằng các họ khác trong làng. Để tránh những gì không thiện cảm do ấn tượng cũ, những người thuộc dòng họ này phải đổi thành Nguyễn Đới. Cũng do chuyện này, từ đó về sau, người làng Bát Tràng có thái độ dè dặt và tương đối ngặt nghèo với những người nơi khác đến ngụ cư.

Sách Bắc Ninh địa dư chí cho rằng câu chuyện trên xảy ra vào thời Mạc, có bà Mai Thị “nhan sắc khác thường, đến tuổi cập kê, Mạc Vương triệu vào hậu cung, năm 20 tuổi, được phong làm Thái Phi”

Sự kiện họ Mai lộng quyền, rồi hết quyền phải trả giá cho những hành vi quá đà của mình, phải đổi thành họ khác cho thấy người làng Bát Tràng trọng sự hòa thuận, không chấp nhận lợi dụng quyền lực để có những việc làm trái luân thường đạo lý. Đấy là bài học “phổ thông” nhưng quý giá cho mỗi người, mỗi gia đình và dòng họ trong làng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ sự phân biệt chính cư  - ngụ cư ngặt nghèo trên đây của làng xã phong kiến. Từ hòa bình lập lại, làng Bát Tràng có một bộ phận rất đông đảo người thuộc các dòng họ ở nơi khác đến sinh sống. Họ được cư dân gốc Bát Tràng đối xử bình đẳng, thân thiện, tạo các điều kiện thuận lợi để sinh sống, làm ăn; và bản thân cũng hòa đồng với cuộc sống của người Bát Tràng, coi Bát Tràng là quê hương thân thiết, có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển về mọi mặt của làng Bát Tràng hôm nay.

3. Tục cỗ giỗ họ phải có ba món: Cơm nắm, cháo hoa, thịt mỡ luộc:

Trong các ngày giỗ Tổ (hay hội giỗ) của các dòng họ làng Bát Tràng, mâm lễ dâng lên tiên tổ hoặc các mâm cỗ cho người nhà ăn cũng như cho người khác được mời đến dự, bắt buộc phải có ba món là: Cơm nắm, cháo hoa (nấu bằng cơm nguội để cho nở hoa đẹp) và thịt mỡ luộc. Người Bát Tràng giải thích món cháo hoa tượng trung cho miếng ăn lúc khó khăn buổi ban đầu người làng từ Bồ Bát ra lập nghiệp ở Bạch Thổ phường, ngay cả khi đã định cư được rồi vẫn đầy thiếu thốn, vất vả. Món cơm nắm là đồ ăn không thể thiếu được mỗi khi phải đi xa, mà người Bát Tràng với công việc buôn bán luôn phải nay chợ này, mai chợ nọ. Còn món thứ ba, miếng thịt mỡ là món ăn “sang” khi đã được no đủ, trong điều kiện cuộc sống thời phong kiến xưa kia. Ba món đó là sự tưởng nhớ cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cha ông xưa kia, giống như tục Cúng lề của người Việt ở một số địa phương đồng bằng Nam Bộ(1).

Ngày nay, dù đời sống vật chất của người Bát Tràng được nâng lên gấp bội nhưng trong lễ dâng lên Tổ vẫn có ba món này, như là sự biết ơn tổ tiên một cách thành kính và nhắc nhở người trong dòng họ, nhất là con cháu phải luôn biết ơn tổ tiên, không bao giờ được quên những thời đoạn gian truân và do vậy, dù no đói, sướng khổ đều phải có nhau. Quả là miếng ăn của làng Bát Tràng cũng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền đời.

Tục này đến nay vẫn được duy trì.

(0) Bình luận
  • Phường Sơn Tây (mới) ngày đầu thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp: Vì Nhân dân phục vụ
    Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, phường Sơn Tây (thị xã Sơn Tây cũ - thành phố Hà Nội) thực hiện hoạt động chính quyền 2 cấp. Từ đầu giờ sáng nay, 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức Phục vụ hành chính công phường Sơn Tây đã có mặt đầy đủ, đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Cửa Nam: Không để đứt gãy công việc khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
    Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 1/7, HĐND phường Cửa Nam (Thành phố Hà Nội) khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định công tác nhân sự và thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đây là kỳ họp đặc biệt của phường Cửa Nam để hoàn thiện tổ chức bộ máy, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu lực, hiệu quả góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
  • Lời cảm ơn của Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội
    Ngày 25/6/2025, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội tổ chức trang trọng hội nghị Gặp mặt tri ân các thế hệ nhà báo Thủ đô và khen thưởng tập thể, cá nhân hội viên nhà báo các cơ quan báo chí Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
  • Tôn vinh 80 gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô
    Hướng tới kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2025), sáng 26/6 tại Hội trường Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2025. Sự kiện góp phần tôn vinh những mái ấm gương mẫu, giàu trách nhiệm với cộng đồng, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội.
  • Tây Hồ: Vững bước trên hành trình kiến tạo đô thị hiện đại, văn minh và giàu bản sắc
    Ba thập kỷ nhìn lại, quận Tây Hồ đã ghi tên mình vào bản đồ đô thị hiện đại của Thủ đô Hà Nội không chỉ bằng những công trình, con đường hay chỉ số tăng trưởng mà bằng cả những chuyển biến sâu sắc trong chất lượng sống, trong tư duy quản trị và trong tinh thần xây dựng cộng đồng người dân “thanh lịch, văn minh”, đúng với bản sắc của đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
  • Nhà báo Hồ Quang Lợi: “Viết về Hà Nội luôn có sự rung cảm của trái tim”
    Không sinh ra tại Hà Nội nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới có một tình yêu lớn với Thủ đô. Ông chia sẻ: “Đọc các bài viết, xem một số bộ phim truyền hình anh em báo chí làm về Hà Nội, tôi thấy trong đó không chỉ có kỹ năng về nghề nghiệp, mà luôn có rung cảm của trái tim. Trái tim dành cho Hà Nội. Trái tim dành cho đất nước Việt Nam của chúng...”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tục lệ làng Bát Tràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO