Bạch Trữ nghĩa chữ Hán là Cỏ Trữ Trắng, một thứ cỏ lai thời xưa mọc đông đặc ở vùng này.
Làng có một số tục lạ như sau:
Trong hôn nhân, ngày cưới đón dâu về nhà chồng, cô dâu chỉ ăn và làm bên nhà chồng ban ngày, còn chập tối về nhà mình ngủ, không có tục động phòng hoa chúc. Thời gian về nhà mình ngủ của cô dâu trước đây kéo dài từ một đến ba năm. Làm như vậy để chứng minh người con gái ấy là trinh trắng, phẩm giá. Đế khi nhà chồng xin đón bề mới về ở hẳn nhà chồng. Trong thời gian ở nhà chồng, cô dâu phải trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, tự dệt lụa sao đủ may cho mỗi người nhà chồng một bộ quần áo lụa. Công việc này đòi hỏi khá lâu, nếu nhà chồng đông anh em phải mất một vài năm là đương nhiên. Do tiếp xúc với văn hóa đô thị, từ năm 1970 thời hạn này rút xuống còn một đến ba tháng, đến nay đã dần xóa bỏ.
Làng còn có tục, con dâu khi sinh nở ở nhà chồng đầy tháng, đến giữa tháng sau thì bế con về nhà mẹ đẻ ăn ở bên ấy, nuôi con trong một tháng rưỡu rồi mới trở lại nhà chồng, thời gian ấy gọi là “ăn chực”.
Tục cổ ở làng trong việc cỗ tiệc chỉ đống bốn, bốn người một mâm. Các cụ đã lên lão 70 và khao làng rồi, được ngồi đống đôi và ngồi ăn ở đình trong. Đối với các cụ trong xóm già yếu khó đi lại, gia chủ đem cơm canh đến tạn nhà mời các cụ để tỏ lòng kính già, già để tuổi cho.
Về việc tang: Nhà có người mất, nếu vào dịp làng vào hội phải chờ qua lễ hội mới được phát tang. Đưa đám qua đình không được cử kèn trống.
Lo công việc tang hoàn toàn do người trong họ đảm nhiệm, người làng chỉ đến phúng viếng và đi đưa đám. Riêng bà con cùng ngõ có lệ tự đến nhà đám xin khai huyệt cho người mất. Huyệt đào sâu, khơi ba cấp gọi là để nhớ người đã khuất và hàng ngõ giúp nhau.