Từ lâu, hai làng cùng thờ một vị Thành hoàng làng đó là Giác Hải Đại Vương – người con trai thứ 32 trong bọc trứng 100 người con của Mẹ Âu Cơ.
Tưởng nhớ công ơn của đức Giác Hải Đại Vương, dân hai làng hàng năm đều tổ chức lễ hội từ ngày mồng Chín đến ngày 12 tháng Ba Âm lịch.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội làng được tổ chức thường xuyên hàng năm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vì đất nước có chiến tranh nên việc tổ chức lễ hội phải tạm dừng. Từ khi đất nước được hòa bình thống nhất lễ hội lại được phục hồi.
Mối quan hệ giữa hai làng Mục Xá – Viên Ngoại mới đầu là nhất niên nhất lệ, sau chuyển thành nhị niên nhị lệ. Những năm gần đây thì hai làng cùng ký Khế ước là tam niên nhất lệ (tức cứ một năm mở hội lại nghỉ hai năm, sang năm thứ ba lại rước). Cụ thể năm 2010 Viên Ngoại rước lên Mục Xá, năm 2013 Mục Xá rước xuống Viên Ngoại, năm 2016 Viên Ngoại lại rước lên Mục Xá, năm 2019 Mục Xá lại rước xuống Viên Ngoại…
Vì sao hai làng Mục Xá – Viên Ngoại lại đoàn kết vui vẻ, cùng thờ cúng và cùng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn đức Giác Hải Đại Vương?
Theo các cụ già làng từ nhiều đời truyền tụng lại cho nhau thì mối tình kết nghĩa này có căn nguyên như sau:
Ngày xưa, không biết từ bao giờ, dân làng Mục Xá có một ngôi miếu bên bờ sông Đáy, thờ vị Thành hoàng làng là đức Giác Hải Đại Vương. Có một năm vào khoảng trước Rằm tháng Bảy âm lịch, nước sông Đáy dâng cao, dòng sông đỏ nặng phù sa cuồn cuộn chảy làm lở cả bờ sông. Dân làng Mục Xá bèn rước các đồ thờ ở miếu về đình trong làng. Riêng Long ngài bài vị có dòng chữ “Giác Hải Đại Vương” thì dân làng không dám rước đi vì sợ Ngài phạt. Không ngờ đêm hôm đó ngôi miếu bị nghiêng dần, nghiêng dần rồi đổ ầm xuống dòng sông. Cỗ bài vị trong miếu nổi lên, trôi xuôi theo dòng nước. Sáng hôm sau, cỗ bài vị trôi gần đến cuối làng Viên Ngoại thì từ từ dạt vào gần bờ, xoay mãi tại chỗ, không trôi đi nữa.
Gần đấy có một người kéo vó tên là ông Bõ, từ sớm đến giờ mà chẳng được con cá nào cả. Thấy cỗ bài vị xoay xoay gần bờ, ông Bõ khấn rằng: “Lạy Ngài vạn lạy, nếu Ngài linh thiêng xin Ngài phù hộ cho con kéo một mẻ vó thật nhiều cá, con sẽ rước Ngài lên bờ”. Khấn song ông từ kéo vó lên. Lạ thay, vó nặng trĩu, kéo mãi mới lên, cá nhiều vô kể, trắng xóa cả vó. Mừng quá, thu xong cá, ông vội vã tước cỗ bài vị lên bờ rồi lấy ít cây móc che lên cho khỏi nắng. Đêm hôm đó, làng Viên Ngoại có động. Các xóm không ai đi lại mà chó sủa râm ran. Các cụ già trong làng nằm mơ thấy có Thần đến báo mộng là: “Ngài đã về đến làng sao không ra đón”. Sáng sớm, các cụ già cùng dân làng Viên Ngoại ra bờ sông, nghe ông Bõ kể lại chuyện, bèn cùng nhau rước cỗ bài vị và trong đê, hương đăng túc trực.
Dân làng Mục Xá nghe tin liền đến Viên Ngoại, nhận ra cỗ bài vị và xin lại dân làng Viên Ngoại. Khi cỗ bài vị được rước lên kiệu thì lạ thay, kiệu cứ xoay mãi tại chỗ không chịu đi. Dân ràng Mục Xá nghĩ rằng: Ngài xuôi bằng đường thủy thì chắc cũng muốn về bằng đường thủy, liền khấn xin Thần cho rước cỗ bài vị xuống thuyền. Thuyền nhỉ, kéo ngược dòng sông bằng hai sợi dây song to, mười thành viên lực lưỡng kéo đứt hai sợi dây song mà lạ thay thuyền cũng không di chuyển chút nào. Thấy vậy, dân làng Viên Ngoại xin với dân làng Mục Xá để dân làng Viên Ngoại lập đền thờ Ngài ở Viên Ngoại. Lúc đầu chỉ dựng lều thờ tạm, say này xây dựng thành đền nghiêm trang, chắc chắn. Dân làng Viên Ngoại gọi đền thờ này là Đền Đức Thánh Ba.
Từ đấy trở đi, dân hai làng cùng thờ chung một vị Thần.
Cũng từ đấy hàng năm cứ đến ngày chính Hội làng mồng Mười tháng Ba dân làng Mục Xá lại xuống lễ ở đình và đền Viên Ngoại; dân làng Viên Ngoại lại lên lễ ở đình, miếu làng Mục Xá. Dân hai làng đều kính trọng nhau, đều tôn nhau là dân Anh, tự nhận mình là dân Em, rất quý mến nhau, cùng nhau tế lễ Thánh Thần cầu xin cho dân hai làng được ấm no hạnh phúc.
Đối với ông Bõ, người kéo vó có công đưa cỗ bài vị lên bờ đã được nhân dân làng Viên Ngoại lập am bên bờ sông để thờ. Rất tiếc là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp đã phá mất am này. Nhân dân Mục Xá và Viên Ngoại luôn nhớ công của ông Bõ, người đã góp phần xây dựng mối quan hệ an hem giữa hai làng Mục Xá và Viên Ngoại.
Các cụ ngày xưa đã đoàn kết trong gia đình, đoàn kết trong họ hàng, làng xóm. Các cụ còn vượt ra ngoài lũy tre của làng mình để đoàn kết với dân làng bạn. Đó là yếu tố tích cực, đáng tự hào, đáng phát huy mãi mãi của hai làng Mục Xá và Viên Ngoại.