Tục kể vè, đặt vè làng Chương Dương

09/06/2017 10:15

Ngày xưa trong xã hội nếu có điều gì chướng tai gai mắt, các cụ thường làm vè để truyền bá rộng rãi trong vùng.

Tác giả Sở Bảo Doãn Kế Thiện trong sách “Hà Nội cũ” và Nguyễn Công Hoan trong “Nhớ gì ghi mấy” đều có nói, trước đây ở vào khoảng ngã tư Hàng Ngang rẽ Hàng Bạc (thuộc quận Hoàn Kiếm) có một cái điếm làm bằng tre lợp lá, người ta gọi là Điếm Vè. Cũng như một điếm canh phòng có tuần phu thường trực, nhưng nơi ấy thường có những bài vè phê phán những thói hư, tật xấu xảy ra ở trong vùng để truyền miệng nhau trong xã hội.

Vè là những câu ca ngắn bốn chữ có vần đuôi nên rất dễ nhớ, thí dụ: “Ve vẻ vè ve/ Cái vè lá lốt/ có ông đồng cốt/ quen lột các bà/ xem bói ra ma/ nhờ nhà thấy cúng…”. Hoặc làm vè bằng ca dao câu 6, câu 8 vần lưng và vần đuôi mau nhớ và nhớ lâu, lan truyền nhanh chóng. Sau Điếm Vè bị phá, nhưng những bài vè châm biếm vẫn được làm và phổ biến rộng trong dân. Ở nông thông cũng có tục làm vè để phê phán rộng rãi có tác dụng nhắc nhở nhau.

Làng Chương Dương huyện Thường Tín cũng có tục này. Làng xưa có tên nôm là Chân Giang, tương truyền hàng nghìn năm trước đây còn là bãi cửa sông có nhiều giang, sếu, cò đi kiếm cá đậu trên bãi để lại vết chân mà thành tên làng. Dân làng có nghề làm hàng xáo, chuyên mua thóc về xay giã rồi đem gạo ra Hà Nội bán. Thời ấy, việc đong đếm chỉ dùng những chiếc đấu bằng gỗ tiện, cho nên việc mua bán đầy, bán vơi thường xảy ra. Trong dân gian có câu vè: Chơi với Chân Giang mất cả quang lẫn gánh. Song đây là chuyện xưa, chuyện đã qua, không phải là bôi xấu làng, mà để lại bài học cho con cháu nhớ có một thời như thế để không bao giờ làm điều gì gian trá nữa.

Ở vùng này có có bài vè bằng chữ Hán “Tứ vật” như sau:

Vật đàm Tự Nhiên tụ

Vật thú Cẩm Cơ thê

Vật giao Chương Dương hữu

Vật giáo Mạn Trù nhi.

Nghĩa là Bốn việc chớ nên

Không tụ về đầm Tự Nhiên vì ở đây vắng vẻ không an toàn.

Không lấy vợ người Cẩm Cơ vì các cô gái quên lười nhác.

Không chơi với dân Chương Dương vì là dân buôn đông đầy, bán vơi.

Không dạy trẻ em Mạn Trù vì hay hỗn láo với thầy.

Bài vè có tác dụng răn đe, nhắc nhở nhau sống tốt hơn.

Lại còn có thứ vè đặt ra để quảng bá hàng hóa, sản phẩm của mình cho thiên hạ biết mà mua. Bài vè kiểu này được những người bán rong trên tàu, xe, trong các chợ hoặc các điểm tụ hội đông người truyền bá khắp nơi.

Những câu vè cổ động món ăn ngon:

Bánh giầy Quán Gánh ở Thường Tín (xã Nhị Khê):

Dù ai chồng rẫy, vợ chê

Bánh giầy Quán Gánh lại về với nhau

Ăn trước thì bảo người sau

Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng.

Tương Cự Đà, Thanh Oai:

Cách sông cách nước thì thương

Cách quê, cách quán nhớ tương Cự Đà

Vè quảng cáo thuốc:

Thưa quý ông, thưa quý bà

Khi sinh nở, lúc thể thao

Hoa Kỳ rượu chổi xoa vào khỏi ngay

Tê chân, chảy máu, đứt tay

Cảm hàn, cảm thử, xoa ngay khỏi liền

                                                                          (Rượu chổi Hoa Kỳ)

Các em mức bệnh ho gà

Ho ra đờm dãi thật là nhọc thay

Ho đêm lại đến ho ngày

Làm cho đổ mắt cau mày vì ho

“Con gà đứng trên đồng hồ”

Là thứ thánh dược trị ho tiếng đồn

Các bà mua lấy cho con

Uống xong mấy gói chẳng còn bệnh ho

(Thuốc ho Con gà đứng trên đồng hồ)

Nước da vàng mét ngực đau

Tay chân bải hoải ăn vào khó tiêu

Ho hen bón uất đàm nhiều

Kén ăn ít ngủ thường nhiều mồ hôi

Ấy là gan bệnh đó rồi

Hồng Nguyên thuốc tễ cứu người như tiên

Uống xong ít hộp bệnh liền khỏi vương

(Thuốc gan hiệu Hồng Nguyên)

Chỉ đâu mà buộc ngang trời

Thuốc Hồng Khê chữa những người lẳng lơ

                                                                                       (Thuốc lậu Hồng Khê)

Quảng cáo trên xe điện:

Nào ai chồng rẫy, vợ chê

Mua hào kim tốt lại về với nhau

Chỉ đen, chỉ trắng, chỉ màu

Rách đâu khéo vá em khâu lại liền.

Bà về nói chuyện với ông

Hãy mua một gói lơ hồng thử xem

Áo quần trắng bốp mới nguyên

Nhớ hiệu Vũ Tạo đừng quên lơ hồng.

Vè quảng cáo vé số Đông Pháp:

Kỳ này xổ số xứ ta

Chia ra bộ vé ba trăm nghìn

Ai Lao cùng xứ Cao Miên, Trung kỳ

Tháng Ba Lào mở tức thì

Trung kỳ tháng Sáu, Miên thì tháng Tư

Ngày tháng sáu đủ năm lô

Ba bộ cùng hưởng chẳng lo thiệt thòi

Số này mở tại Hà Nội

                         (Nghe xong bài vè này mua ngay 1 vé, thế nào cũng trúng)

Vè quảng cáo đi xe lửa dịp Khánh thành tàu xuyên Việt năm 1936:

Muốn làm những viễn du

Chỉ tiêu chỉ tốn ít xu, ít hào

Thật là tiện lợi biết bao

Xin mời quý khách đi tàu hỏa xa.

Vè quảng cáo xiếc:

Xiếc này là xiếc Long Tiên

Hễ ai có tiền thì mới được xem.

Xiếc này là xiếc Việt Nam

Xiếc đi xe đạp lấy chân gảy đàn

(0) Bình luận
  • Đề án sân khấu học đường bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn học, nghệ thuật dân tộc trong học sinh Thủ đô
    Đây là đánh giá của bà Lê Thị Ánh Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại “Hội nghị tổng kết Đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (sau đây gọi là Đề án sân khấu học đường), giai đoạn thí điểm 2022-2024. Hội nghị diễn ra sáng 8/4 tại Nhà hát kịch Hà Nội.
  • Tuổi trẻ Thủ đô tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    “Thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới là nhiệm vụ trọng tâm”, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ trong bài tham luận tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình số 06-CTr/TU).
  • Hà Nội: Hiện thực hóa mục tiêu khu du lịch Hồng Vân thành “Miền quê đáng sống”
    Chia sẻ tại Hội nghị khu vực của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố Toàn cầu năm 2025 cho các thành viên tại Việt Nam do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) cho biết, địa phương và Thành phố đã, đang quyết tâm xây dựng, phát triển khu du lịch Hồng Vân trở thành “Miền quê đáng sống”.
  • Văn hóa và con người trở thành 1 trong 5 trụ cột trong những triết lý phát triển Thủ đô
    Ngày 28/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06 ) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 chủ trì và phát biểu tổng kết chỉ đạo tại hội nghị.
  • Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
    Sáng 28/3, tại hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", 60 tập thể và cá nhân được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
  • Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 06
    Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII. Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 được ban hành với 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch; 22 dự án, nhóm dự án tập trung 3 nội hàm Chương trình là: (1) Phát triển văn hóa; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tục kể vè, đặt vè làng Chương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO