Tục hay làng Đa Sĩ

Hoàng Thế Sương (ST)| 15/05/2017 10:08

Làng Đa Sĩ thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội được lập nên từ rất xưa. Không chỉ là vùng đất có truyền thống hiếu học, Đa Sĩ còn tự hào có nghề rèn cổ truyền có sức sống mạnh mẽ được duy trì từ hàng trăm năm nay. Đặc biệt nơi đây còn giữ được nhiều phong tục độc đáo, ý nghĩa.

Tục hay làng Đa Sĩ
Lễ hội làng Đa Sĩ
Tục Yến Lão

Tục Yến Lão (ngày nay dân làng gọi là Khao Thọ) ở làng Đa Sĩ có từ rất lâu đời. Trong các văn tự chính thống của làng thì việc mừng thọ không phân biệt cụ ông hay cụ bà, giàu nghèo hay sang hèn. Ngày 12 tháng Giêng là ngày vào đám, các cụ ông cụ bà đăng thọ tuổi 70, 80, 90, 100 cùng nhau sửa chung lễ vật ra lễ chùa, lễ miếu. Làng có đôi câu đối khắc trên cột nhà vuông ở miếu:

Công Hầu Bá Tử Nam,

triều đình long hiển tước,

Di Mao Lão Kỳ Một,

hương đảng quý cao niên.

Nghĩa là:

Các tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam – 5 bậc của triều đình thật là cao quý,

Các tuổi 60, 70, 80, 90, 100 – 5 bậc tuổi thọ cao làng xã rất kính trọng.

Ngày 13 tháng Giêng hàng năm là ngày Rước Yến. Theo lệ cổ xưa thì Rước Yến ở Đa Sĩ tức là các cụ lão làng đăng thọ 70, 80, 90, 100 tuổi năm đó sẽ cùng sửa lễ chung tại nhà một cụ nào đấy hội đủ các tiêu chuẩn và điều kiện về Phúc (song toàn và con cháu đề huề, tấn tới), về Thọ (từ 70 tuổi trở lên), về Khang (mạnh khỏe), về Ninh (yên vui cùng làng xóm). Sau khi lễ nghi đã sắm sửa xong, bày đủ ra các mâm, bàn, gồm thịt lợn, xôi phẩm, xôi đĩa, phẩm oản, hoa, trái cây, cau trầu, rượu thì con cháu các cụ đội mâm lễ đi trước, các cụ thứ tự lần lượt theo sau dâng lễ về miếu, chùa.

Đoàn người đội lễ là con cháu các cụ trong những bộ quần áo trang trọng nhất, nét mặt hân hoan thành kính. Các cụ lão ông lẫn bà trong những bộ lễ phục thọ lão: Các cụ bát thập quần áo đỏ, mũ ni đỏ che tai, chân đi hia đỏ; các cụ thất thập áo đỏ quần trắng, mũ ni thâm che tai, chân đi dép (riêng cụ bà không đội mũ ni mà chít khăn vuông đỏ, cụ nào cũng tay chống gậy bằng trúc hoặc bằng gỗ). Sáng ngày 13 là ngày dành riêng để kính mừng các cụ từ 70 tuổi trở lên tại miếu đình. Bài văn tế Yến Lão của làng có đoạn như sau (tạm dịch):

“Ấm áp ôn huề tiết khí mùa xuân, hội Yến Lão lại đến tuần làng đặt, lũ lượt cả đoàn tựa chiếc gậy quê hương râm ran khắp chốn đều ca khúc mừng thọ. Chỉnh tề áo mũ chậm chạp, cung kính tiến theo, dâng yến thọ tạ ơn… ngửa trong lên bộ ngọc chín tầng ăm ắp tình thương, ban thêm tuổi 70, 80, 90, 100 cho làng quê muôn đời được ơn sâu, phúc dầy mãi mãi”.

Lễ được dâng vào cung miếu và các nơi chùa, đình, văn chỉ… Nghi thức cũng giống như lễ tế thần ngày 12 tháng Giêng, chỉ khác là trong văn tế sau họ tên vị chủ tế là họ tên tất cả các cụ lão cao nhất trở xuống đến cụ 51 tuổi đã lên lão làng. Mỗi năm chỉ được có một lần ghi tên vào văn làm lễ như vậy. Tuần tế dứt, lần lượt các cụ vào lễ nhà thánh.

Sau khi tế xong, tất cả các quan viên, chức dịch thụ lộc tại miếu, đình. Còn các cụ thì về nhà đăng cai ăn uống. Lệ Yến Lão, hội Rước Yến hay các cụ ăn yến là như vậy.

Sau thời gian làng và đám (sau ngày rằm tháng Giêng) tùy theo khả năng điều kiện mà tổ chức lễ Khao Thọ tại các gia đình cho đến hết tháng Giêng. Các cụ thường tự thu xếp bố trí ngày khao thọ lệch nhau. Ví dụ các cụ là anh chị em gần gũi hoặc là thông gia thì sẽ khao vào các ngày khác nhau để anh em, con cháu đỡ vất vả. Vào ngày này trong làng niềm vui tràn ngập, suốt đường làng, ngõ xóm đến tận từng nhà các cụ lên tuổi thọ, đèn hoa sáng trưng rực rỡ, tiếng cười tiếng nói chào mời chúc tụng râm ran xen lẫn với tiếng nhạc. Từng đoàn, từng tốp người thân, bạn bè mang tặng phẩm đến mừng.

Vài chục năm gần đây, việc tổ chức hội mừng thọ tuy vẫn được duy trì, nhưng những hình thức như ngày xưa không giữ được nữa, mà thay vào đấy là một thể thức gần như khuôn mẫu ít có nét đặc trưng riêng của làng.

Nhưng cái riêng nhất, đẹp nhất của Đa Sĩ là ngay từ thời xa xưa việc kính trọng tuổi thọ 60, 70, 80, 90, 100 của các cụ lão ông, lão bà không hề có phân biệt. Các cụ truyền lại rằng, nhớ ơn lương y dược linh thông cư sĩ Hoàng Đôn Hòa và phu nhân Phương Dung công chúa – nhị vị Thành hoàng làng, nên dân làng Đa Sĩ được sống thọ, xưa cũng như thế và ngày nay cũng vẫn thế.

Tục làm con mày

Ngày xưa và ngay cả bây giờ vẫn thế, các làng quê ở Hà Đông có tục làm con mày như ở làng Xa La, Mậu Lương, Đồng Dương… Làng Đa Sĩ cũng có tục này. Đứa trẻ sinh ra dù trai hay gái những năm còn bé thậm chí đã 12 – 13 tuổi vẫn hay quặt quẹo khó nuôi, hoặc có nhà sinh con “hữu sinh vô dưỡng” (đẻ mà không nuôi được) đến một vài đứa, thì đến đứa sau bố mẹ nó đem con đi mày. Cũng có nhà hiếm hoi quá mãi mới sinh được một đứa người ta cũng đem nó đi mày.

Đem con đi mày nghĩa đen là cho nó đến ăn mày phúc đức của một gia đình song toàn, đề huề mà không cần phải giàu có sang trọng, cốt sao đứa con ấy hợp với tuổi của người mà nó sẽ làm con mày và người đó quả là phúc hậu, lương thiện (có nơi gọi là con nuôi).

Trước khi xin làm con mày, ông bà hoặc bố mẹ đứa trẻ đến có lời thỉnh cầu với gia chủ định gửi con và nếu được ưng thuận thì hẹn vào một ngày giờ nào đấy sẽ đem đứa trẻ đến đặt ở ngã ba trong xóm ngõ. Người nhận đứa trẻ làm con mày sẽ giả vờ như đi đâu về hoặc từ nhà ra trông thấy, bắt gặp đứa trẻ thì nhặt lên rồi nói “Trời đất ơi! Ngài lại ban cho tôi một đứa trẻ, thật là phúc đức quá!” rồi ẵm nó về nhà. Cả nhà truyền tay ôm ẵm nâng niu đùm bọc nó. Bố mẹ đẻ nó đứng nấp kín ở nơi gần đó, sau khi đã thấy con mình được nhận thì lập tức về nhà sửa soạn mâm lễ xôi gà, cau trầu rượu rồi cả nhà đem lễ đến kính cáo với gia tiên và gia đình nhận nuôi xin cho đứa trẻ được ăn mày phúc đức và được làm con của gia đình. Những đứa đã biết đi hoặc lớn hơn thì đúng ngày giờ đã hẹn, bố mẹ đứa trẻ sẽ dẫn đến cùng với lễ nghi để làm thủ tục như trên.

Những đứa trẻ được làm con mày ở những nhà như thế quả thật chúng được sống trong tình cảm thân thương đùm bọc. Từ tấm bé, bắt đầu đi học, đi làm, lấy vợ lấy chồng, con mày đều được cả gia đình phúc đức ấy chia sẻ và yêu thương. Còn chính người con ấy lúc còn bé thì đối xử với gia đình người nhận con mày như ông bà, bố mẹ đẻ ra họ. Khi lớn lên, họ ra ở riêng thì đi lại thân tình, với cách cư xử “ân nghĩa, sống tết, chết giỗ”. Thậm chí người ấy đã mất thì con cháu vẫn giữ nề nếp ấy.

Tục này có ý nghĩa sâu xa trong tâm thức của người dân bởi vì con người luôn hướng đến điều phúc đức, “Có đức mặc sức mà hưởng” là vậy. Người ta tìm đến phúc đức để nương và để nhờ, được che chở cho đời mình và cho con cháu đời sau. Tục này bây giờ vẫn còn bởi ý nghĩa nhân văn cao cả đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tục hay làng Đa Sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO