Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại

HNM| 30/09/2021 14:38

Ngày 30-9, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành các quy định mới có hiệu lực từ 0h ngày 1-10-2021, trong đó nêu rõ thủ tục, lộ trình, hình thức và các loại hình hoạt động, kinh doanh, sản xuất tại thành phố được phép hoạt động trở lại sau thời gian thành phố triển khai cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại
Đã có 11/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh khống chế được dịch Covid-19 theo các tiêu chí của Bộ Y tế.

 Lưu thông hàng hóa được ưu tiên hoạt động 

Theo quy định, người dân thành phố Hồ Chí Minh phải tiêm đủ 2 liều vắc xin được ít nhất 14 ngày; nếu tiêm 1 mũi đủ 14 ngày, phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Phải có mã QR được khai báo bằng ứng dụng y tế thành phố Hồ Chí Minh. Khi ứng dụng PC-Covid đi vào hoạt động, dữ liệu sẽ được đồng bộ trên ứng dụng duy nhất của cả nước. Lúc này, y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một tiện ích mở rộng trong PC-Covid. Nếu không có mã QR, thì phải có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày hoặc người đã tiêm vắc xin. Người và phương tiện được tham gia lưu thông trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh. Nếu di chuyển ngoại tỉnh, phải có sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải.

Các cơ sở, doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại, cần đăng ký qua trang antoan-covid.tphcm.gov.vn (được mở từ trưa 30-9), khai báo theo yêu cầu. Khi nào nhận được mã QR, sẽ được phép hoạt động. Từ nay đến ngày 15-0, thành phố sẽ lần lượt cấp mã QR để người đến giao dịch, làm việc khai báo, nhằm thực hiện nguyên tắc “điểm đến an toàn”.

Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại
Người dân trình mã QR hoặc giấy tiêm chủng, giấy điều trị xong Covd-19 khi đi trên đường và khai báo y tế tại điểm đến.

Công an thành phố duy trì 12 chốt chính, 39 chốt phụ tại các địa bàn giáp ranh giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh xung quanh; duy trì lực lượng kiểm soát lưu động trên đường. Người dân thành phố Hồ Chí Minh và người lao động ngoại tỉnh được tổ chức đưa đón quay lại thành phố nếu địa phương nơi đi đồng ý, sử dụng phương tiện đưa đón tập trung, không tự di chuyển.

Thành phố không cho phép người dân tự ý ra khỏi thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An phối hợp đưa đón người dân và người lao động từ các tỉnh, thành khác trên cả nước quay về các địa phương này một cách có tổ chức.

Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ngoại vi và 39 chốt tại các địa bàn giáp ranh với tỉnh bạn để kiểm soát người ra - vào thành phố.

Các hoạt động lưu thông hàng hóa được ưu tiên hoạt động không hạn chế; có các tiêu chí kiểm soát riêng theo hướng đảm bảo an toàn điểm đến. Thành phố ưu tiên nối lại các hoạt động sản xuất và mở dần các hoạt động xã hội khác theo lộ trình và theo các bộ tiêu chí sẽ được ban hành trong thời gian tới. Chợ đầu mối hoạt động như điểm trung chuyển hàng hóa. Chợ đầu mối mở lại trên cơ sở được UBND phường, xã, thị trấn hoặc UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức cho phép. Chợ tự phát bị cấm hoạt động.

UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức chủ động căn cứ tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn để quyết định nới lỏng hay siết chặt quy định đến từng cơ sở, hộ gia đình hay từng tổ dân phố. Thành phố Hồ Chí Minh đặt yếu tố an toàn phòng, chống dịch lên trên hết, an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, không nới lỏng đồng loạt. Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K".

Sự kiện văn hóa, thể thao: Tập trung tối đa 70 người đã được tiêm đủ liều vắc xin

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức xã hội quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định, đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại được phép hoạt động gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi. Đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp mã QR để hoạt động.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động trở lại. Các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nếu hoạt động trong nhà tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người. Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người. Trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.

Tại các bảo tàng, mỗi nhóm tham quan tại từng khu vực trưng bày tối đa 10 người cùng một thời điểm. Cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, các dịch vụ khác phục vụ cho khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.

Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hằng ngày của người dân được hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 100 người. Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.

Tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định, nhưng bố trí các hoạt động lệch ca, lệch giờ; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.

Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.

Các trường hợp khác phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại
Karaoke, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim vẫn tạm ngừng hoạt động.

Tiếp tục dừng hoạt động quán bar, karaoke

Một số sự kiện tiếp tục tạm dừng hoạt động: Văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động, trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Từ 1-10, nhiều hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được lần lượt mở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO