Dù tuổi cao, TS Nguyễn Chí Công vẫn thường trực niềm say mê và nhiệt huyết.
Từ chế tạo máy tính đến lập bảo tàng
Cuối những năm 1970, từ lời đề nghị của GS. Phan Đình Diệu - Viện trưởng Viên Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin), một người bạn Pháp - ông Alain Teissonnière đã tới Việt Nam để trao “cơ duyên” cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của Alain Teissonnière nhóm kỹ sư trẻ của Việt Nam trong đó có Nguyễn Chí Công đã cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu để làm ra chiếc máy tính VT80. Với việc chế tạo thành công chiếc máy tính VT80, Việt Nam đã trở thành nước thứ ba chế tạo được máy tính (chỉ sau Mỹ và Pháp).
TS Nguyễn Chí Công kể lại, hồi ấy để có thêm bộ nhớ thử nghiệm, ông ra cả chợ giời tìm mua những cục thiết bị điện tử lấy từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi. Và chính từ những cái đi-ốt được tháo ra từ thiết bị điện tử ấy ông cùng các đồng nghiệp đã chế tạo thành công bộ nhớ, lập trình bằng cách tắt mở thủ công. Sau này, khi được cử sang nghiên cứu và thực tập tại Pháp lúc về nước thay vì dành dụm tiền mua hàng hóa hay bất động sản thì ông mang về đủ thứ vật tư cho máy tính.
Từ một trong những người đặt viên gạch đầu tiên trong ứng dụng kỹ thuật vi xử lí ở Việt Nam, TS Nguyễn Chí Công tiếp tục đóng góp cho nền công nghệ thông tin nước nhà trên cương vị Trưởng Tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội Tin học Việt Nam…
Gắn bó và say mê công nghệ từ những năm tháng tuổi trẻ, TS Nguyễn Chí Công hiểu rõ những bước chuyển của ngành công nghệ thông tin nước nhà từ những ngày đầu tiên với bao gian khó. Ông còn có thói quen lưu giữ các thiết bị, linh kiện điện tử và tài liệu liên quan… Cũng bởi thế Nguyễn Chí Công luôn ấp ủ ước mơ làm một bảo tàng công nghệ thông tin để thế hệ sau có thể hình dung được sự phát triển của ngành công nghệ thông tin trên thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng.
Đầu năm 2020, Bảo tàng Công nghệ thông tin ra đời ngay tại ngôi nhà của gia đình ông trong con ngõ nhỏ phố Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ 25m2 ngay dưới tầng 1, TS Nguyễn Chí Công say sưa kể về các hiện vật của bảo tàng và cả những câu chuyện bên lề xoay quanh lược đồ về công nghệ thông tin trên thế giới (từ TCN đến năm 1995) và Việt Nam (từ 1960 - 2000) mà ông đã phác họa. Ông cho hay bảo tàng hiện có tới gần 1000 hiện vật trong đó có 300 hiện vật được giới thiệu trưng bày. Các hiện vật khá phong phú, đa dạng từ vỏ và ruột của những chiếc máy tính đời đầu ở Việt Nam đến “bộ não” của máy tính là các chip điện tử rồi các phần mềm và mạng, những cuốn sách tin học có “tuổi đời” khá lâu. Đáng chú ý, trong bộ sưu tập các con chip, có sự hiện diện của những con chip những năm 1970, cùng loại với các con chip được sử dụng để tạo nên những chiếc máy tính đầu tiên.
Một tấm lòng thiết tha với Hà Nội
Nói đến TS Nguyễn Chí Công mà chỉ nhắc đến những đóng góp của ông với nền công nghệ thông tin nước nhà thì có lẽ chưa đủ. Bạn bè, đồng nghiệp và những người thân thiết còn trân trọng hơn ở ông đó là tấm lòng với Hà Nội và văn hóa truyền thống. Cũng dễ hiểu vì Hà Nội là nơi Nguyễn Chí Công đã gắn bó từ thuở ấu thơ và ông lại được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa.

TS Nguyễn Chí Công say sưa kể chuyện về các hiện vật của Bảo tàng Công nghệ thông tin.
Nguyễn Chí Công bảo rằng kho sách của cha mà ông đọc từ tấm bé đã mở cho ông cánh cửa đến với bao điều lý thú trong đó có văn hóa truyền thống. Sau này khi trưởng thành, đi làm, được “đi đó đi đây” ông càng ý thức sâu sắc hơn giá trị di sản văn hóa truyền thống của ông cha. Có lẽ vì thế mà ông đã dồn nhiều tâm sức để lập nên và duy trì hai trang web là http://360.hncity.org và http://dongtac.hncity.org. Nếu http://dongtac.hncity.org như một tuyển tập bài viết của cả Nguyễn Chí Công và các bài sưu tầm về nhiều chủ đề, nội dung thì http://360.hncity.org lại là một cẩm nang du lịch Thủ đô Hà Nội vô cùng hữu ích và thú vị.
Chính thức ra mắt từ năm 2010 đúng vào dịp Thủ đô tròn 1000 năm tuổi, đến nay trang http://360.hncity.org của TS Nguyễn Chí Công đã hệ thống được gần 800 điểm đến của Hà Nội. Chỉ cần nhấp chuột vào các danh mục trên trang web là công chúng có thể khám phá kiến trúc mới, lang thang với phố và ngõ Hà Nội hay chu du trong vườn thiền, đền miếu, đình làng ở Thủ đô... Các dữ liệu thông tin về các di tích cũng được chắt lọc rất cụ thể, rõ ràng. Ví như khi giới thiệu thông tin về di tích nào đó, Nguyễn Chí Công đưa ra thông tin cụ thể theo trình tự: di tích thờ ai, xây dựng thời nào, địa chỉ cụ thể, năm xếp hạng, hạng gì, kiến trúc ra sao, giá trị của những hiện vật hoặc di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, ông còn giới thiệu thêm về các di tích vùng lân cận, ghi chú các tuyến xe buýt gần di tích để giúp du khách có thể chủ động thiết lập hành trình du lịch của mình sao cho phù hợp và hiệu quả. Và điều đặc biệt là mọi người có thể tìm kiếm điểm du lịch qua bản đồ, xác định tọa độ điểm du lịch qua mã cộng và GPS hoặc tìm trên chính lộ trình di chuyển. Đây là một minh chứng cho thấy TS Nguyễn Chí Công đã ứng dụng một cách rất hiệu quả công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm các điểm đến ở Thủ đô. Tới đây, ông cho biết sẽ đăng ký bản quyền cho các tư liệu số, trên cơ sở đó bổ sung thêm số lượng ảnh cho các di tích, đồng thời tiếp tục hoàn thành tư liệu về các di tích, ngõ phố để cập nhật trên trang web (như mục tiêu ban đầu là mỗi năm sẽ hoàn thiện 100 bài viết).


Hai trang web do TS Nguyễn Chí Công tạo lập có lượng truy cập khá lớn.
Để có thể hệ thống các di tích thành kho tư liệu số này, đó cũng là một hành trình không kém phần gian nan. TS Nguyễn Chí Công chia sẻ bên cạnh việc tìm tòi thông tin qua các tư liệu cũ, ông còn phải đến trực tiếp các di tích để chụp ảnh, ghi chép, tìm hiểu, chắp nối thông tin và mỗi di tích thường phải đến nhiều lần. Có những di tích tư liệu rất ít thậm chí thông tin còn sai lệch khiến cho việc hệ thống gặp không ít khó khăn. “Nhưng đáng tiếc hơn cả là sự xuống cấp, biến đổi của di tích. Có di tích chỉ vài năm trước thôi khi tôi đến còn giữ được những vẻ đẹp “thuở ban đầu” từ những mái cong, mảng chạm khắc, các cổng, cửa... nhưng vài năm sau trở lại đã bị đập đi xây mới” - TS Nguyễn Chí Công ngậm ngùi.
Gặp gỡ và trò chuyện với TS Nguyễn Chí Công có lẽ chẳng ai nghĩ ông đã ngoài tuổi thất tuần. Niềm say mê và nhiệt huyết của ông luôn thường trực như một “chất xúc tác” giúp ông thỏa sức sáng tạo và cống hiến. Vẫn âm thầm làm việc, vẫn hào hứng với những chuyến đi, vẫn ngổn ngang với bao dự định và vẫn đau đáu với bao nỗi niềm... đó cũng là điều mà những ai đã gặp Nguyễn Chí Công đều dễ dàng cảm nhận. Một con người trọn tấm lòng say mê, trọn một đời cống hiến!