Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và Hoàng hậu tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Phu nhân thăm chính thức Campuchia, ngày 8-8-1995, tại Phnom Penh. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN) |
Truyền thông Campuchia đều đồng loạt đưa tin về việc nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần và những đóng góp của ông trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam cũng như giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Trang mạng Freshnews - một trong những trang mạng có lượng độc giả lớn nhất tại Campuchia, bản tiếng Khmer, đưa tin "Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh từ trần ở tuổi 99" trong đó nêu rõ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng là vị tướng chỉ huy lực lượng quân đội Việt Nam giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Trang mạng trên cũng nhắc lại đóng góp của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam.
Tờ Phnom Penh Post bản tiếng Anh đã đăng trên trang nhất tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, trong đó nhấn mạnh nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nhân vật nổi bật với một di sản ở Campuchia, với vai trò được ghi nhận nhiều nhất là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979.
Theo tờ báo, trong suốt giai đoạn những năm 1980, ông đóng vai trò chính trong việc hoạch định kế hoạch 5 điểm phòng thủ Campuchia chống Khmer Đỏ tái xâm nhập và bảo trợ cho việc triển khai "Kế hoạch K5" nhằm chặn đứng các con đường tấn công của Khmer Đỏ dọc biên giới Thái Lan-Campuchia giữa những năm 1985 và 1989.
Trong khi đó, tờ Rasmei Kampuchea (Tia Sáng Campuchia), có lượng phát hành lớn nhất tại Campuchia cũng đã đăng tiểu sử về cuộc đời và hoạt động cách mạng của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Tờ Washington Post cũng đăng bài viết về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh với vai trò là người chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp lật đổ chế độ Khmer Đỏ, đồng thời là người chứng kiến sự kiện Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo bài báo, Đại tướng Lê Đức Anh đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam với tư cách là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1974, ông trở thành Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài báo nhắc lại Đại tướng Lê Đức Anh được biết đến nhiều nhất với vai trò hỗ trợ Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo, là “kiến trúc sư” của chiến dịch giúp chấm dứt gần 4 năm cai trị của chính quyền Pol Pot, cũng như ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại Campuchia.
Tờ Washington Post nhắc lại trong thời kỳ Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước từ năm 1992-1997, Việt Nam và Mỹ đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Cũng trong năm đó, ông trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam công du Mỹ khi tới New York dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc.
Bài báo khẳng định với tư cách là Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.