Truyện Kiều ở Đức: Kỳ I Người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức là ai?

Trần Đương| 04/11/2020 08:07

Lời tòa soạn: Tiếp sau loạt bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn về chủ đề “Trên đường tiếp nhận Truyện Kiều”, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), từ số 42 báo Người Hà Nội sẽ đăng loạt bài viết của nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Đức - Trần Đương (nguyên Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại CHDC Đức) về việc dịch và phổ biến Truyện Kiều ở Đức. Chúng tôi hi vọng qua các bài viết bạn đọc sẽ biết thêm một số thông tin về sự đón nhận đầy nhiệt tình và sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với giá trị của Truyện Kiều cũng như vị trí đặc biệt quan trọng của đại thi hào Nguyễn Du trong văn học Việt Nam nói riêng, văn học thế giới nói chung.

Truyện Kiều ở Đức: Kỳ I Người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức là ai?
Nhà báo, dịch giả Franz Faber
Chúng ta đều biết rằng, cho đến nay, Truyện Kiều - tác phẩm vĩ đại nhất của Đại thi hào Nguyễn Du, một trong những hòn ngọc văn chương chói sáng nhất của dân tộc ta, đã được dịch ra 23 thứ tiếng với hơn 70 bản dịch khác nhau. Ở Đức, bản dịch Truyện Kiều lần đầu được xuất bản vào năm 1964. Đến nay, kiệt tác văn học này đã được ấn hành tới 4 lần (lần thứ hai: năm 1976; lần thứ ba: năm 1980 và lần thứ tư: năm 2000). Được biết, Hội Hữu nghị Đức - Việt ở Berlin đang sốt sắng chuẩn bị cho đợt tái bản lần thứ năm). Các nhà nghiên cứu văn học ở Đức cho biết: Truyện Kiều là một trong những tác phẩm bằng thơ của nước ngoài có lần xuất bản nhiều nhất và đạt tới số lượng hàng chục vạn bản. Tôi may mắn là người chứng kiến cả 4 lần xuất bản nói trên và vẫn thường xuyên cập nhật thông tin về dư luận ở Đức đối với tác phẩm ưu tú này.

Truyện Kiều ở Đức: Kỳ I Người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức là ai?
Người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức là nhà báo, nhà thơ Franz Faber và vợ ông - bà Irene. Nếu còn sống, ông đã vào tuổi 103. Nhưng ông qua đời cách đây 7 năm, thọ 96 tuổi. Với bản dịch Truyện Kiều và hàng loạt tác phẩm văn học tiêu biểu khác của Việt Nam cùng hàng vạn bản tin, bản dịch, phóng sự… về mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân ta trong gần 10 năm trời công tác ở Việt Nam, ông bà Faber đã góp phần tạo nên hình ảnh phong phú, năng động và quả cảm của một dân tộc ở Đông Nam Á. Trở về nước đã lâu, bên cạnh các trọng trách như: Giám đốc Học viện báo chí Trung ương, Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà báo CHDC Đức, Faber vẫn không ngừng làm việc cho Việt Nam. Đến tận những ngày tháng cuối đời, ông luôn có mặt ở các cuộc tọa đàm “đoàn kết với Việt Nam”, say sưa nói chuyện về đất nước, con người và văn hóa của một dân tộc mà ông mến yêu với trái tim mình. Ông đã được Nhà nước ta trao tặng Huân chương Hữu nghị cùng nhiều phần thưởng cao quí khác. Một năm trước khi qua đời, ông kịp hoàn thành tập truyện với nhan đề “Trước khi mặt trời mọc” ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của các nữ chiến sĩ du kích miền Nam Việt Nam.

***

Đến Hà Nội lần đầu vào những ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tính ra đã ngót 66 năm nay, Franz Faber luôn dành cho đất Tràng An những tình cảm sâu nặng. Ngày ấy, đặt chân tới Hà Nội, ông được coi là vị sứ giả đầu tiên của giới báo chí Đức tại Việt Nam. Bấy giờ, ông 37 tuổi, là ủy viên Ban Biên tập của báo Neues Deutschland (Nước Đức mới), cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Thống nhất Đức, được cử sang Việt Nam với tư cách phóng viên báo này và của hãng thông tấn ADN trong hai năm 1954-1955, đồng thời là người phụ trách đoàn nhà báo và điện ảnh của Cộng hòa Dân chủ Đức. Kết thúc chuyến đi, ông mang về nước tập phóng sự đầy chất văn học mang tên “Sông Cái rực hồng” dày ngót 200 trang cỡ lớn, được xuất bản trên 20 nghìn bản cùng các bản thuyết minh cho các bộ phim tài liệu giá trị: “Việt Nam - Nơi xưa kia vua chúa trị vì”, “Trên núi rừng Bắc Việt Nam” và “Những người dân chài Vĩnh Mốc” mà hai nhà điện ảnh J.Hadaschik và P.Ulrich đã thực hiện trong đợt công tác này. Franz Faber cũng mang về nước một tác phẩm văn học vĩ đại của Việt Nam, đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du, do chính Bác Hồ giới thiệu và khích lệ ông dịch ra tiếng Đức. Bản dịch này đã được ông và vợ là Irene thực hiện trong 7 năm liền, và như đã nói, được xuất bản vào năm 1964 - đúng vào năm cả hai ông bà được cử sang Việt Nam đảm nhiệm một nhiệm kỳ công tác mới.

Tôi được làm quen với hai ông bà trong dịp Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức tại Hà Nội tổ chức lễ trao chính thức bản dịch Truyện Kiều cho phía Việt Nam. Bấy giờ tôi còn là một sinh viên của Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chừng 7 năm sau, tôi được cử sang Đức làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam. Từ đó, tôi thường gặp ông bà Faber. Tôi thua ông gần 30 tuổi đời, song ông bà đối xử với tôi thân tình như với một người bạn vong niên. Từ khi kết thúc hai nhiệm kỳ công tác ở Đức, mỗi lần có dịp trở lại Berlin tôi lại đến thăm gia đình ông. Bà Irene đã vĩnh viễn đi xa cách đây 24 năm, sau một năm bị mù và mang bệnh nặng. Lần gặp sau, ông đã chuyển chỗ ở về quận Pankow, trong một khu dưỡng lão hiện đại, có bác sĩ chăm lo sức khỏe và người phục vụ ăn uống. Lúc ấy ông đã vào tuổi 94, tóc bạc phơ, bắt đầu phải ngồi xe lăn, song nụ cười vẫn rạng rỡ và đặc biệt đôi mắt vẫn sáng long lanh. Bước vào phòng khách, cảm tưởng đầu tiên là ở đây như một không gian nho nhỏ của Việt Nam: rất nhiều tranh ảnh sơn mài, thêu lụa và các đồ dùng Việt Nam, từ bộ ấm chén đến khay nước, được chủ nhà sắp xếp trong tủ và treo trên tường. Tôi đặc biệt chú ý ba bức tượng nàng Kiều mang trang phục của ba miền Trung - Nam - Bắc được để cạnh bản dịch Truyện Kiều. Cụ già sung sướng nói: “Với Kiều và các tác phẩm văn học cổ điển ưu tú của Việt Nam, tôi đã có một quãng đời thật đẹp và đáng nhớ”. Ở tuổi 94, ông già vẫn giữ được một trí nhớ tuyệt vời. Đặc biệt là những kỷ niệm về Bác Hồ, về Hà Nội mà ông đã gắn bó cả thảy 7-8 năm trời. Ông nói: “Tôi vô cùng sung sướng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần”. Rồi ông kể, giọng trầm trầm, sâu lắng: “Lần đầu tiên là vào một buổi tối. Trên những cành cây trong khu vườn lớn mà xưa kia thuộc biệt thự Toàn quyền Đông Dương người Pháp, còn đọng lại những giọt mưa ban chiều. Một người lính dẫn đường trong bóng tối. Chợt một người nào đó bước từ bụi cây ra và chìa tay bắt tay tôi. Tôi đang cố nhớ xem người đó là ai, thì ông đã nói: “Phạm Văn Đồng”. Chúng tôi là một đoàn khách có nhiều người trong đó có nhà báo Australia Wilfred Burchett và nữ nhà báo Pháp Madelene Riffaud. Thủ tướng chào từng người một.

Chúng tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ, trên bàn có cam và thuốc lá, có cốc chén để uống trà. Chúng tôi ngồi trên một chiếc tràng kỷ khá rộng. Một ít phút chờ đợi rồi cửa mở. Bác Hồ bước vào phòng bằng những bước nhanh và ngắn. Không ai ngồi nữa. Chủ tịch nói bằng tiếng Pháp: “Các đồng chí cứ ngồi xuống mà!” và tiếp theo là bằng tiếng Đức: “Mời đồng chí ngồi!” Tôi nắm lấy tay Người.

Đôi mắt của Người trông trẻ trung, sáng rõ và đầy thân ái. Người ngồi vào một góc tràng kỷ, đặt tay lên đầu gối và nhìn chúng tôi một hồi lâu, từ người này đến người khác.

Ai có máy ảnh mang theo đều chụp ảnh. Nhiều khi ánh đèn cứ chớp nháy liên hồi nhưng Người vẫn tỏ ra nhẫn nại. Cuộc gặp diễn ra trong 40 phút. Chúng tôi được nghe Chủ tịch nói về tình hình mọi mặt của đất nước, đặc biệt là về những việc cần phải làm trước mắt. Câu chuyện của Người giúp chúng tôi có được cái nhìn vừa bao quát vừa cụ thể để phục vụ cho công tác báo chí của mình. Trong số các nhà báo chúng tôi, chị Madelene Riffaud, phóng viên tờ Regards, là người trẻ nhất”. 
Đón đọc kỳ tới: 
Người khích lệ 
Franz Faber dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Truyện Kiều ở Đức: Kỳ I Người dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO