Bước vào tuổi thứ 10, đầu năm 2005, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) mở bậc đào tạo thạc sĩ theo Quyết định số 300/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ cho Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (tiền thân của HUBT). Sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển mới có ý nghĩa lịch sử đối với HUBT, một trường đại học ngoài công lập trong hệ thống các trường đại học của nước ta.
Để triển khai nhiệm vụ to lớn này, ngày 8/4/2005, GS. Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường đã ký Quyết định thành lập Khoa Đào tạo Sau đại học (nay là Viện Đào tạo Sau đại học). Khoa (Viện) có chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tổ chức, quản lý toàn bộ công tác đào tạo sau đại học của trường. Lực lượng trực tiếp thực hiện các hoạt động chuyên môn đào tạo sau đại học là các khoa chuyên ngành và các khoa tham gia giảng dạy một số học phần sau đại học của trường.
TS. Đỗ Quế Lượng – Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao bằng Tiến sĩ Kinh tế khóa 1 và khóa 2 cho các nghiên cứu sinh.
15 năm xây dựng và trưởng thành, cấp đào tạo sau đại học của trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ khóa tuyển sinh đầu tiên mới có 1 ngành đào tạo là thạc sĩ Quản trị kinh doanh với 33 học viên, đến nay, khóa cao học 14 đã có 600 học viên; số học viên cao nhất là khóa 11 (2016 – 2018) với 784 học viên thuộc 10 ngành đào tạo cả về kinh tế, quản trị, kinh doanh, ngôn ngữ và công nghệ. Từ năm 2014, trường bắt đầu mở bậc đào tạo cao nhất của hệ thống giáo dục quốc dân, đó là bậc tiến sĩ với một mã ngành Quản trị kinh doanh.
Trong 15 năm qua, trường đã và đang đào tạo 14 khóa cao học với tổng số 6000 học viên thuộc 10 ngành đào tạo do 9 khoa chuyên ngành phụ trách và 3 khoa tham gia giảng dạy một số học phần. Trong đó, 3700 học viên (kể cả 14 học viên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 1 học viên Nhật Bản) đã tốt nghiệp, được cấp bằng thạc sĩ. Số học viên hoàn thành chương trình toàn khóa học được nhận bằng thạc sĩ chiếm 80% tổng số nhập học. Cấp đào tạo tiến sĩ đến nay có 4 khóa, tổng số 41 nghiên cứu sinh; trong đó, tất cả 9 nghiên cứu sinh khóa 1 và khóa 2 đã bảo vệ thành công luận án và 5 nghiên cứu sinh đã nhận bằng Tiến sĩ kinh tế.
GS.TSKH Vũ Huy Từ - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học cho biết: Để có được những thành công ấy, ngay từ ngày đầu thành lập trường, Ban Giám hiệu, đặc biệt là GS. Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường với tầm nhìn xa, rộng, đã xác định rõ sứ mệnh và mục tiêu chiến lược của trường. Trên cơ sở đó, từng bước có sự chuẩn bị khá đồng bộ và đủ tầm để sớm có thể mở được cấp đào tạo sau đại học.
Quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhà trường đã xây dựng và không ngừng phát triển hệ thống các văn bản quy định nhằm cụ thể hóa, chuẩn hóa, quy chế hóa và quá trình hóa tất cả các khâu đào tạo sau đại học; đầu tư xây dựng và phát triển các yếu tố cơ bản cần thiết cho công tác đào tạo sau đại học như: Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật…
Nhà trường đã xây dựng và từng bước cải tiến, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý đào tạo sau đại học, cả về cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động. Viện Đào tạo Sau đại học có biên chế nhỏ gọn, có chức năng là cơ quan đầu mối tổ chức và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến đào tạo sau đại học, do một Phó Hiệu trưởng phụ trách và Phó phòng Tổ chức - Cán bộ thuộc trường theo dõi hoạt động. Các khoa chuyên ngành và một số khoa tham gia giảng dạy, là lực lượng chuyên môn đào tạo sau đại học. Có quy định rõ ràng, hợp lý về chức năng, nhiệm vụ và quan hệ công tác giữa Viện với các khoa và giữa các khoa trong hoạt động đào tạo sau đại học.
15 năm qua, mô hình này đã phát huy được vai trò của bộ máy tổ chức và năng lực quản lý của Viện, vai trò của các khoa trong xây dựng lực lượng và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển các yếu tố cơ bản cần thiết cho công tác đào tạo sau đại học.
Cùng với đó, Viện Đào tạo Sau đại học, các khoa chuyên ngành phụ trách và các khoa tham gia giảng dạy sau đại học luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà trường giao, biên soạn, sưu tầm, xây dựng tài liệu đào tạo kịp thời, khoa học, bài bản. Hệ thống Chương trình đào tạo sau đại học được xây dựng và định kỳ cải tiến, hoàn thiện theo định hướng ứng dụng - thực hành và phương thức đào tạo theo tín chỉ. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về cải tiến nội dung, phương pháp, bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học thường xuyên được tổ chức tại Viện.
Viện đã có chương trình, kế hoạch tiến hành ngày càng nền nếp các khâu: Tuyển sinh, tổ chức quản lý lớp, mô hình học tập, thi kết thúc học phần, giao đề tài luận văn, mời người hướng dẫn và chấm luận văn, luận án, tổ chức cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ… Đặc biệt, Viện đã đề xuất với nhà trường mở rộng địa bàn tuyển sinh và đào tạo một số môn theo quy định của Bộ ngay từ khóa 7 (2012-2014). Đã kịp thời mở một số ngành mới có nhu cầu cao của xã hội (Thạc sĩ Quản lý kinh tế, thạc sĩ Quản lý công), nhờ vậy đã tăng được quy mô đào tạo lên nhanh và khá ổn định.
Phát huy những kết quả đã đạt được, để đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đoạn mới với những thách thức không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ đào tạo sau đại học của HUBT đang không ngừng nỗ lực để vươn lên theo kịp các trường đại học tiên tiến trong nước, khu vực và thế giới.
Định hướng chiến lược của hệ đào tạo sau đại học trong 5 năm tới (2020 – 2025) là bảo đảm ổn định quy mô hàng năm tuyển sinh 700 học viên cao học và 20 nghiên cứu sinh. Về chất lượng đào tạo, bảo đảm 85% số học viên nhập học tốt nghiệp ra trường với 80% loại khá, giỏi, 20% loại trung trình về điểm học; 99% loại giỏi, xuất sắc và 1% loại khá về điểm luận văn thạc sĩ; 95 % nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ đúng hạn quy định.
Các giải pháp được đưa ra là: Bảo đảm quy mô, tiếp tục đa dạng hóa ngành và bậc đào tạo sau đại học; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo; tăng cường công tác tổ chức và quản lý lớp, quản lý giảng viên, học viên và nghiên cứu sinh, đề cao kỷ cương, chấp hành quy chế trong đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của Viện, các khoa đào tạo sau đại học; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ đắc lực công tác đào tạo sau đại học; tăng cường liên kết trường với xã hội, hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học…