Sau ba tháng nằm giường bệnh, khi ngồi dậy được ông bắt đầu vẽ. Đến nay ông đã vẽ được khoảng 500 tấm và chọn đến trưng bày tại triển lãm hơn 200 tấm. Trong đó bao gồm hai cụm tranh chính là 100 bức chân dung nhà báo (khổ 70 x 90 cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4) và bộ sưu tập tranh áp phích chống dịch cùng mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Tại lễ khai mạc triển lãm, nhà báo Huỳnh Hũng Nhân chia sẻ: Ông không ngờ mình đang đang sung sức hoạt động đủ mọi lĩnh vực văn thơ, báo chí, thể thao, xã hội… thế mà lại bị đột quỵ, bị tai biến. Không thể chấp nhận việc nằm một chỗ, ông đã tìm đến việc vẽ tranh, vẽ chân dung đồng nghiệp, bè bạn, vẽ các áp phích cổ động việc phòng chống dịch.
Tác giả triển lãm tâm sự ông thích vẽ chân dung, vì khi vẽ, ông nhớ về những kỷ niệm, những tình cảm của nhân vật đó. Ông vẽ theo kiểu ký họa chứ không vẽ theo kiểu truyền thần, vẽ như mình đang được nói chuyện với nhân vật. Và cảm giác thật thú vị khi trên nền giấy trắng hiện lên một gương mặt mà ông thương mến.
Ngoài vẽ chân dung đồng nghiệp, trong thời gian này ông còn vẽ tranh áp phích tuyên truyền chống dịch. Những bức tranh áp phích của ông đã được một số báo đài và tạp chí in làm trang bìa và giới thiệu trân trọng. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem các họa tiết chống dịch này in trên các mẫu áo dài thời trang và ra mắt công chúng giữa năm 2021.
Tham dự và phát biểu khai mạc triển lãm, nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Là cây bút phóng sự nổi bật trong làng báo Việt Nam hơn 40 năm qua, tôi biết anh Huỳnh Dũng Nhân đã rong ruổi khắp các tỉnh thành của Việt Nam và kể lại nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều trăn trở xã hội với ngòi bút trữ tình, hóm hỉnh, sâu sắc và thấm đẫm tính nhân văn.
Anh là con trai nhà báo Huỳnh Hùng Lý, một nhà báo có tên tuổi công tác tại Báo Nhân Dân miền Nam từ năm 1952, rồi tập kết ra Bắc và làm ở báo Nhân Dân..., Bản thân anh Huỳnh Dũng Nhân cũng lớn lên trong khu tập thể cán bộ Báo Nhân Dân tại Hà Nội, đội mũ rơm đi học chữ và học vẽ dưới bom đạn Mỹ. Anh là người nhiệt tình trong công tác hội, nhiệt tình với hoạt động bảo tàng” - nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: Ngoài tài năng làm báo, làm thơ, viết sách…, hôm nay chúng ta còn được thấy một tài năng khác của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đó là tài năng hội họa. Ngắm nhìn những bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung các nhà báo tiền bối và chân dung các đồng nghiệp, những người bạn của anh, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó. Thế giới màu sắc của Huỳnh Dũng Nhân là thế giới tình cảm, nhân văn, là hướng tới cái đẹp và tình yêu thương con người. Càng thấy rõ anh tha thiết yêu nghề, yêu người, khi cầm bút lẫn khi cầm cọ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đánh giá cao Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức sự kiện này, đặc biệt đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhân dịp Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI và đang có các hoạt động hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thành lập.
Sự kiện trưng bày triển lãm “Nhà báo vẽ” được diễn ra từ ngày 3/3 đến 15/3, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam - lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955, nghỉ hưu từ 2015) nguyên Ủy viên Ban chấp hành, Phó Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam (khóa VIII-IX), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước.