Hà Tuấn Dũng (tức Dũng "mặt sắt") |
Dũng "mặt sắt" được biết đến là một "trùm" giang hồ khét tiếng ở Quảng Ninh. Tại vùng biên Móng Cái, Dũng "mặt sắt" thu nạp nhiều đối tượng lưu manh, côn đồ làm đàn em để trở thành một đối tượng giang hồ cộm cán, đối thủ của băng nhóm Phương "Ninh hột". Sau khi Phương "Ninh hột" bị bắt giữ về tội giết người (năm 2009), Dũng "mặt sắt" nhanh chóng thâu tóm toàn bộ địa bàn và trở thành ông trùm thống trị vùng biên.
Đêm ngày 5-5-2013, các trinh sát thuộc lực lượng Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm Bộ đội biên phòng đã bắt giữ hơn 10 đối tượng "trùm sò" cầm đầu đường dây buôn lậu tại TP Móng Cái. Các đối tượng này liên quan đến đường dây hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa trái phép qua biên giới.
Ngay sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định và phát lệnh truy nã trùm buôn lậu vùng biên là Hà Tuấn Dũng.
Vào cuối tháng 4-2016, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án đối với 22 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" do Hà Tuấn Dũng (tức Dũng "mặt sắt") cầm đầu liên quan đến 3 công ty có đăng ký tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, buôn lậu 508 chiếc ôtô hạng sang đã qua sử dụng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm này, "ông trùm" Dũng "mặt sắt" cùng một số đối tượng khác trong đường dây đã bỏ trốn, bị cơ quan công an ra lệnh truy nã.
Theo kết quả điều tra, Hà Tuấn Dũng nguyên là giám đốc Công ty Tuấn Đông. Một thời gian sau khi hoạt động, Dũng đã dựng một "đàn em" là Bùi Tiến Quảng lên làm giám đốc, còn "ông trùm" này đứng đằng sau chỉ đạo.
Tài liệu điều tra cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy trong số 22 bị cáo phải hầu tòa thì có 13 người là nhân viên Công ty Tuấn Đông, đồng thời cũng là tay chân của Dũng "mặt sắt". 7 bị can thuộc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương.
Dũng "mặt sắt" cùng 3 bị can khác thuộc Công ty Cổ phần NC là Hoàng Đào Xuân Nghĩa, Hồ Quang Đoàn, Nguyễn Thành Chung tạm thời bị đình chỉ điều tra vì đang bỏ trốn. Tất cả các bị cáo đều bị truy tố tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" theo Khoản 3, Điều 154 Bộ Luật hình sự.
Tang vật cơ quan công an thu giữ |
Liên quan đến vụ án này còn có 2 công chức gồm: Bùi Quang Anh (SN 1984 trú tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) và Triệu Hoài Anh (SN 1974 trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội). Cả 2 đều là cán bộ thuộc Chi Cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), có hành vi giúp sức cho nhiều doanh nghiệp xuất lậu ô tô qua biên giới.
Tại phiên toà, bị cáo Bùi Thị Phương (vợ Hà Tuấn Dũng) cũng đã thừa nhận bản thân được chồng là Hà Tuấn Dũng giao việc quản lý tài chính của Công ty Tuấn Đông. Khi hành vi vận chuyển ô tô trái phép qua biên giới bị bại lộ, Phương đã chỉ đạo cất giấu, tiêu hủy các giấy tờ có liên quan đến việc mua bán hàng trăm siêu xe.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ Công ty Tuấn Đông đã thực hiện trót lọt việc vận chuyển 138 xe ô tô (chủ yếu thuộc dòng siêu xe và siêu sang như Audi, Lexus, Mercedes, Porsche, Land Rover...). Trong số đó, chỉ riêng 25 xe ô tô bị cơ quan điều tra thu giữ trong cuộc đột kích vào đêm ngày 5 rạng ngày 6-5-2013 đã được định giá lên tới 17 tỉ đồng.
Với thủ đoạn tương tự, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương xuất được 338 siêu xe các loại, cơ quan điều tra thu giữ 29 chiếc xe, được định giá 19 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế NC xuất được 99 ô tô.
Tổng cộng 3 công ty đã xuất được 575 xe. Tất cả số siêu xe này đều được các đối tượng vận chuyển qua đường cống tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh sang Trung Quốc…
Sau khi phiên toà kết thúc, Dũng "mặt sắt" đã ra cơ quan công an đầu thú. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, người dân phát hiện Dũng "mặt sắt" ung dung ở ngoài xã hội.
Dư luận lo ngại với một tội phạm từng bị truy nã toàn quốc như Dũng "mặt sắt", liệu trong quá trình tại ngoại chờ ngày ra toà, Dũng có tiếp tục vi phạm pháp luật, chỉ đạo các hoạt động của "thế giới ngầm"?