“Trợ lực“ phục hồi thị trường lao động

HNM| 06/10/2021 08:53

Thời gian gần đây, thị trường lao động, việc làm ở nước ta chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Một số địa phương lớn thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”. Để khắc phục, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm “trợ lực” cho thị trường lao động dần hồi phục.

“Trợ lực“ phục hồi thị trường lao động
Tư vấn cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngày 4-10.

Thiếu lao động ở một số thị trường trọng điểm

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý III-2021, số người tham gia lao động của cả nước là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý II, giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít địa phương, ngành, nghề thiếu hụt lao động sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Nguyên nhân khác là, tại một số địa phương lớn - thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ở nhiều địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, mức thiếu hụt lao động chiếm tới khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nhân lực. Còn tại Hà Nội, tuy thị trường lao động không đứng trước nguy cơ đứt gãy, song hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn thiếu người làm việc, rõ nhất là ở một số ngành nghề, lĩnh vực, như: Xây dựng, lắp đặt nội thất, cơ khí...

Chị Nguyễn Lan Hương, nhân viên phụ trách nhân sự Công ty cổ phần Yamaguchi Việt Nam (Cụm Công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội), chuyên sản xuất, gia công cơ khí chính xác, cho biết: “Chúng tôi đang cần tuyển bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt, nhưng hầu như không có lao động tham gia ứng tuyển”.

Trên thực tế, tình trạng thiếu lao động ở những thị trường trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. “Việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn nguyên liệu chỉ cần từ 3 đến 5 tháng, nhưng việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn lao động phải cần thời gian từ 9 tháng trở lên. Do đó, các bên liên quan cần quan tâm ngăn chặn đà đứt gãy của chuỗi cung ứng lao động càng sớm càng tốt”, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.

Chung tay khắc phục

“Trợ lực“ phục hồi thị trường lao động
Công ty cổ phần Yamaguchi Việt Nam (Cụm công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang cần bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt, nhưng hầu như không có người tham gia ứng tuyển. 

Để thị trường lao động dần hồi phục, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, doanh nghiệp phát triển, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp.

Giải pháp cấp bách chưa có tiền lệ đang được khẩn trương triển khai, đó là Chính phủ quyết định hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên tới 38.000 tỷ đồng. Đón nhận nguồn lực hỗ trợ, chị Trần Thị Khánh Diên, nhân viên Công ty cổ phần Sabre Việt Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi nhận được sự quan tâm, trợ giúp kịp thời. Tôi sẽ dùng số tiền này để trang trải thêm cho cuộc sống, yên tâm làm việc”.

Về phía người sử dụng lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sabre Việt Nam Nguyễn Thượng Thuyết cho rằng, nguồn lực con người là quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể phục hồi sau đại dịch. Vì thế, chính sách trợ giúp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được ví như “thuốc” trợ lực cho doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khó khăn để các bên cùng vượt qua.

Ngoài nhóm lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, cả nước có hàng chục triệu lượt người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ khác từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng chủ động huy động nhiều nguồn lực để trợ giúp cấp bách cho người lao động. Chẳng hạn, tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7-2021 đến nay, toàn thành phố đã trích ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ về nhiều mặt cho hơn 3 triệu lượt người dân, người lao động, giúp đa số người lao động yên tâm thực hiện “ở đâu, ở yên đó”.

Giải pháp lâu dài được các cơ quan chức năng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới. Còn về công tác đào tạo nghề tập trung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Tuần phim diễn ra từ ngày 12 đến 15/5 tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là dịp đặc biệt để tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc lan tỏa di sản văn hóa và giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ trong thời đại mới.
  • “Lính thời bình” - những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình
    Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn ký sự “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – một cây bút đã gắn bó trọn ba thập kỷ với nghiệp lính và nghiệp báo. Đây là tập sách ký sự độc lập thứ 3 của anh trong vòng hai năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định sức bền lao động nghệ thuật và chiều sâu vốn sống quân ngũ.
  • Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa
    Sáng 11/5, tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa" do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức đã diễn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam và Những ngày văn học châu Âu 2025. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới". Hai tác phẩm như lát cắt lịch sử sinh động, tái hiện bằng hình họa và màu sắc số phận những người Việt tha hương giữa thế kỷ XX đầy biến động.
  • Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh: Tổ chức diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình
    Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa có ý kiến chỉ đạo các Bộ, Ngành, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam… về việc chuẩn bị triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
  • Hà Nội phân luồng giao thông từ ngày 13-21/5 phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak 2025
    Từ 18 giờ 30 đến 21 giờ ngày 13/5, hạn chế các loại phương tiện hoạt động trên tuyến Lý Thường Kiệt (đoạn từ Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu đến Lý Thường Kiệt-Hàng Bài), Hàng Bài,...
Đừng bỏ lỡ
“Trợ lực“ phục hồi thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO