Tiến sĩ Erhard Scherner cùng vợ là tiến sĩ Helga Scherner tại buổi ra mắt tập thơ Nhật ký trong tù tái bản bằng tiếng Đức. Ảnh: Mạnh Hùng - TTXVN
Nhờ một clip của người bạn Đức gửi cho, tôi đã được chứng kiến buổi ra mắt bản dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Nxb Heras (Berlin) tái bản, nhân kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh Bác Hồ, lần thứ 75 ngày thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thế là, sau 44 năm, kể từ ngày Nxb Nhân dân và Thế giới của Cộng hòa dân chủ Đức ấn hành lần đầu tiên, tập thơ Nhật ký trong tù qua bản dịch của ông bà Erhard và Helga Scherner từ chữ Hán sang tiếng Đức đã lại đến tay những người bạn Đức với bao mong đợi. Còn nhớ, tập thơ này lần đầu ra đời tại Berlin chỉ một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta sum họp một nhà. Nó như một món quà quí gửi tặng những người bạn Đức đã bao năm sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc. Ngay sau khi nhận được bản dịch tập thơ, tôi đã đến thăm ông bà Scherner tại nhà riêng ở ngoại ô Berlin để bày tỏ niềm vui mừng của mình trước sự kiện văn học tiêu biểu này. Thật ra, tôi quen biết ông đã lâu, khi ông đang làm Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học Đức mới (NDL) và đã từng sáng tác nhiều bài thơ ủng hộ Việt Nam, trong đó bài Bài ca lính thủy đánh bộ Mỹ được nhạc sĩ Rainer Schoene phổ nhạc, đã trở thành một trong những bài hát phổ biến rộng rãi nhất của thanh niên Cộng hòa dân chủ Đức lúc bấy giờ. Ông đã từng đặt tôi viết bài nhằm giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Đức. Một bài được ông tâm đắc nhất, đó là bài viết về các bài thơ Bác Hồ viết vào mỗi dịp xuân về…
Với Nhật ký trong tù, cho đến lúc đó, lần đầu tiên tác phẩm văn học này của Bác Hồ được in đầy đủ ở Đức. Không những thế, các dịch giả viết Lời bạt khá công phu cho tập thơ, nói rõ hoàn cảnh ra đời của nó, những đặc điểm về nghệ thuật thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời bạt đặc biệt nêu rõ vị trí của Bác Hồ trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong lịch sử văn học của nước ta. Các dịch giả nhấn mạnh: “Nhật ký trong tù là một biểu hiện bằng văn học của nhà cách mạng đầy nghị lực và vô cùng uyên bác… Tên của nhà cách mạng Việt Nam và chiến sĩ quốc tế vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh viễn được ghi vào lịch sử thế giới”. Các dịch giả cũng bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao của mình sau quá trình ngót 15 năm trời miệt mài dịch tập thơ. Vì ban ngày làm việc ở cơ quan, nên việc dịch thuật phải tiến hành vào các buổi tối và ngày nghỉ. Biết rõ ý định của tôi, ông bà Scherner bày sẵn trong phòng khách những tài liệu hai người từng sử dụng trong quá trình dịch tập thơ của Bác. Tôi lướt nhanh từng bìa sách Nhật ký trong tù - bản tiếng Pháp (Nxb Ngoại văn - Hà Nội, 1971; bản tiếng Hán kèm theo bản dịch tiếng Việt (Nxb Văn hóa - Hà Nội, 1960); bản tiếng Trung Quốc (Nxb Nhân dân Bắc Kinh, 1960) cùng nhiều tập thơ, truyện, hồi ký cách mạng của ta đã dịch ra tiếng Đức và những tập ảnh giới thiệu cuộc đời hoạt động của Bác. Có thể nói, các dịch giả có đầy đủ những tác phẩm liên quan đến Bác Hồ và Việt Nam từng xuất bản ở Đức; đó là: hai tuyển tập các bài nói, bài viết của Hồ Chủ tịch do Nxb Dietz (thuộc Trung ương Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức ấn hành; tuyển tập Thơ Hồ Chí Minh do Nxb Neues Leben (Cuộc sống mới) ấn hành năm 1970, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ủy ban đoàn kết với Việt Nam phát hành bằng tiếng Việt, tiếng Đức và tiếng Anh; tuyển tập thơ văn Việt Nam mang tiêu đề Những đêm hành quân, trong đó có thơ Bác Hồ; tập Những ngày với đồng chí Hồ Chí Minh dịch theo cuốn hồi ký Nhân dân ta rất anh hùng… Cũng nhờ bộ sưu tập tư liệu của ông bà Scherner mà tôi được biết thêm nhiều điều về văn học Việt Nam từng được công bố ở Đức, nhất là những tác phẩm in lẻ tẻ trên các tờ báo lớn ở cả hai miền Đông - Tây nước Đức.
Tôi đặc biệt chú ý tấm bản đồ lớn do hai dịch giả vẽ chặng đường Bác từng trải qua trong suốt thời gian bị tù đày, dựa theo các địa danh Bác ghi trong Nhật ký trong tù. Chừng đoán được sự ngạc nhiên của tôi, bà Helga mỉm cười nói:
- Từ năm 1956 đến 1958, chúng tôi công tác ở Bắc Kinh và đã có nhiều dịp đi thăm miền Nam Trung Quốc. Là người châu Âu, chúng tôi rất mê vùng đất có phong cảnh sơn thủy hữu tình ấy, nhất là Quế Lâm. Nhưng hồi đó, chúng tôi nào có biết Bác Hồ từng bị bọn Tưởng Giới Thạch giam cầm ở đấy…
Erhard gật đầu tiếp lời vợ:
- Mãi đến năm 1961, chúng tôi mới tình cờ được đọc bốn bài thơ của Người đăng trên tạp chí Thi ca xuất bản ở Bắc Kinh: Nghe tiếng gà gáy, Không ngủ được, Cảm tưởng đọc Thiên gia thi và Mới ra tù, tập leo núi cùng với lời giới thiệu về hoàn cảnh ra đời của các bài thơ. Chúng tôi rất xúc động khi đọc những bài thơ tuyệt diệu này. Với bốn bài thơ trên đây, lần đầu tiên chúng tôi được hiểu thêm một khía cạnh mới về cuộc đời, về tâm hồn phong phú của Người. Từ đó, chúng tôi có ý định dịch thơ Người ra tiếng Đức. Bốn bài thơ nói trên được dịch sớm nhất, đã giới thiệu trên mấy tờ báo và tạp chí, sau lại được tuyển vào tập Thơ Hồ Chí Minh do Nxb Cuộc sống mới ấn hành năm 1970. Chúng tôi cố gắng đi tìm nguyên bản của tập thơ.
Các bản tiếng Pháp, tiếng Anh chỉ dùng để tham khảo. Nhờ một số người bạn nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi có được bản tiếng Hán do Nxb Văn hóa Hà Nội ấn hành năm 1960. Tập sách in khá đẹp và công phu. Chúng tôi sung sướng đọc từ đầu chí cuối. Cảm nghĩ đầu tiên là bài nào cũng rất đáng yêu. Mỗi bài là một tia lửa nhỏ từ ngọn lửa lung linh trong tâm hồn nhà cách mạng vĩ đại. Toàn bộ tập thơ toát ra tinh thần dũng cảm, kiên cường, chan chứa niềm yêu thương đối với con người, trong đó có các bạn tù và trên hết là với nhân dân và đất nước. Điều gì đã có sức lôi cuốn chúng tôi hơn cả? Chính là cảm hứng lãng mạn cách mạng, niềm lạc quan vô bờ bến, một niềm tin tưởng không gì lay chuyển nổi ở Người vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Erhard nhìn tôi với đôi mắt lấp lánh niềm vui:
- Anh ạ, cuối cùng thì Người cũng đã vượt qua tất cả để trở về nguyên vẹn với nhân dân, với đồng chí của mình. Thật là một hạnh phúc lớn lao khi cách mạng lại đón mừng Người trở về…
Helga nghe chồng nói, mắt chớp chớp đầy vẻ tán đồng, sau đó bổ sung:
- Động lực thúc đẩy chúng tôi say mê dịch tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lòng kính yêu đối với Người và đối với nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của Người và hai tiếng “Việt Nam” từ lâu ăn sâu trong tình cảm của nhân dân Đức chúng tôi; dịch tập thơ này sẽ là dịp làm cho tình cảm đó càng sâu sắc hơn nữa. Được như vậy thì hạnh phúc biết bao! Chính qua công việc chuyển ngữ này, qua từng chữ, từng câu thơ tuyệt diệu của Người chúng tôi như hiểu thêm tâm hồn và cuộc đời phong phú của nhà cách mạng lỗi lạc. Qua những trang thơ, chúng tôi thấy rõ hơn hình ảnh Bác Hồ - một con người hết sức thông minh, uyên bác, nhân đạo, rất lạc quan yêu đời…
Gương mặt Erhard trở nên tư lự hẳn, một lát sau mới chậm rãi nói:
- Quả đúng như nhà tôi vừa bày tỏ. Bản thân tôi, trong khi dịch, cứ hình dung ra bóng dáng của nhà thơ: một ông già 52 tuổi, dáng người xương xương, khắc khổ - trong bộ quần áo màu tối, giản dị, chân đi đôi xăng - đan đã mòn, tay chồng gậy, bên hông đeo cái túi nhỏ. Ông già vừa đi vừa ngâm:
Đi khắp đèo cao khắp núi cao
Ngờ đâu đường thẳng lại lao đao
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường thẳng gặp người,
bị tống lao
Nói đến đây, Erhard lật lại mấy trang Lời bạt. Qua giọng đọc trầm trầm mà đầy xúc động của Erhard Scherner, hiện lên hình ảnh Bác Hồ, lúc này là người tù tràn ngập nỗi đau xót không được cùng các đồng chí, các chiến hữu của mình xông ra trận tuyến chống các thế lực phát xít của Nhật và Đức - một cuộc đấu tranh đang dâng lên rộng khắp thế gian này.
Erhard Scherner ngẩng lên, nói mạnh mẽ: “Kẻ thù tưởng có thể bẻ gãy được ý chí của con người này! Song, chúng đã không thể chờ được điều ấy. Trong lúc dịch thơ Người, lòng tôi xao động mãi không nguôi, khi biết Người - qua hơn một năm trời đằng đẵng, lê lết qua hàng trăm cây số đường trường, bị tra tấn, đọa đày, cùm chân, xích tay, toàn thân bị treo ngược như vậy. Không chỉ xao động trong lòng, nhiều khi nước mắt tôi trào ra, rơi lên trang giấy. Lúc sinh thời, theo chỗ tôi hiểu, hầu như Bác Hồ không kể gì về cuộc đời mình; và có lẽ cũng chỉ nhờ có Nhật ký trong tù mà chúng ta hiểu được thêm đôi điều về chặng đường đời đầy gian truân của Người.
Đối với Bác Hồ cũng như với bao nhiêu nhà cách mạng vô sản khác, nhà tù là một trường học rất quan trọng, rất có ý nghĩa. Nhật ký trong tù là sự tổng hợp của những nhận xét, đánh giá về con người và sự việc, những kinh nghiệm đã thu nhận được trên đường đời, niềm thương cảm không chỉ dành cho bạn tù mà cả những người phu làm đường, những kiếp người lầm than, đau khổ. Và như đã nói, là niềm thương nhớ đồng bào, đồng chí dường như không bao giờ nguôi… Tập thơ ấy chứa đựng biết bao nhiêu là yêu thương, căm giận, biết bao nhiêu khát khao, mong nhớ! Càng đọc, càng thấy rõ: Bác Hồ, con người vĩ đại ấy, rất đau khổ về thể xác, về vật chất, song tâm hồn thì vững chãi vô cùng.
Trong suốt tập thơ của Người, hoàn toàn không có một chút u uất, não nề nào, mà chỉ là nỗi khát khao hành động:
Xót mình giam hãm
trong tù ngục
Chưa được xông ra
giữa trận tiền!
Không được “xông ra trận tiền” với ngọn cờ đỏ, nhưng lúc nào Người cũng giương cao ngọn cờ của chính nghĩa. Ngay khi đọc thơ của người xưa, Bác cũng nghĩ đến nhiệm vụ của thi sĩ ngày nay và kêu gọi, như một cương lĩnh:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết
xung phong!
Thơ của Bác Hồ, như tôi thường nói với các độc giả Đức, là thơ tranh đấu, thơ hành động. Bằng hành động, tên tuổi của nhà cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà chiến sĩ quốc tế vĩ đại, vĩnh viễn được ghi vào lịch sử của nhân loại tiến bộ.
Nghe Erhard Scherner nói, tôi hoàn toàn bị thu hút bởi những ý nghĩ tốt đẹp của ông. Và tôi nghĩ đến các cuộc đọc thơ, bình thơ Bác Hồ mà ông từng tiến hành tại các câu lạc bộ của công nhân, các trường học, tại nhiều đơn vị quân đội… làm cho tác phẩm Nhật ký trong tù cũng như thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung thực sự trở thành một sự kiện văn học được quan tâm ở Đức. Dĩ nhiên không phải ông bà Scherner là người duy nhất đọc thơ, dịch thơ và phát biểu về thơ của Người. Tôi nghĩ đến nhà văn Kurt Stern trong những cuộc tọa đàm của văn nghệ sĩ về thơ Bác Hồ khi ông nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, đồng thời là một thi sĩ thực thụ!. Hay Karl Mickel sau khi đọc tập Thơ Hồ Chí Minh nhà thơ này viết: “Hồ Chí Minh - đó là một vị lãnh đạo Nhà nước, và cũng là một nhà thơ lỗi lạc. Người dành cả một hình thức cô đọng nhất và dễ cảm nhận nhất để truyền đạt lại những kinh nghiệm của một cuộc đời hoạt động chính trị lâu dài. Bởi thế, thơ của Người mãi mãi là vũ khí trong cuộc đấu tranh giai cấp, chừng nào những giai cấp thù địch vẫn còn”.
Trong cuộc trò chuyện cùng nhau, Erhard đã hơn một lần nói với tôi:
- Tôi đã đọc rất kỹ những bài thơ Bác viết về đánh cờ. Đấy là cả một nhận thức có tầm chiến lược, chiến thuật rất cao:
Kiên quyết, không ngừng
thế tiến công!
Và:
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng
thành công!
Ở thơ Người, tình cảm con người, tiếng nói yêu thương và ý chí gang thép, luôn luôn hòa làm một. Đọc từng bài, đọc nhiều bài, đọc cả tập, tâm hồn ta như được nâng lên, chắp cánh. Chính vì vậy, tôi muốn nhắc lại ý thơ Bác Hồ là thơ tranh đấu, thơ hành động. Đó là thơ của niềm tin và quyết thắng!
Điều mà Erhard Scherner nói trên đây, cũng đã được nhắc lại trong cuộc tọa đàm khi “ra mắt” tập thơ được tái bản. Chính vì thế, ngay sau đó, tạp chí Rot Fuchs (số tháng 7 - tháng 8 năm 2020) đăng bài của nhà báo Arnold Schlölzel với tít lớn: “Thép trong thơ - cảm nhận qua một ấn phẩm mới”. Bài báo nhắc lại lời Erhard Scherner: “Chúng tôi biết, Bác Hồ đã từng đọc Shakerpeare và Dickens bằng tiếng Anh, đọc Victor Hugo và Zola bằng tiếng Pháp. Thời thanh niên, Người đã từng yêu thích Anatole France và Lev Tolstoi, Người cũng đã đọc Lỗ Tấn, nhà văn cách mạng Trung Quốc. Và từ buổi thiếu niên, Người đã làm quen với nền văn hóa cũng như ngôn ngữ Trung Quốc rồi. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên chính là Người đã tiếp thu một cách nhuần nhuyễn những truyền thống nghệ thuật đó, biến nó thành ngôn ngữ riêng và cuối cùng, với Nhật ký trong tù, Người đã có một cống hiến lớn về văn học bằng ngôn ngữ nước ngoài. Vượt lên khuôn khổ nghiêm ngặt của luật thơ Đường, Người viết nên những vần thơ của tiếng khóc, tiếng cười. Chính sự trào lộng, niềm yêu đời, những tiếng tự đáy lòng… làm cho thơ Người càng phong phú và có giá trị hiện thực lớn. Tóm lại, nội dung cách mạng mới, những niềm cảm xúc mới đã được đưa vào luật thơ “cổ điển” - đó là đặc điểm cơ bản của thơ Hồ Chủ tịch sáng tác trong tù. Nhật ký trong tù, dưới hình thức nghệ thuật thơ ca, là sự biểu hiện tài tình những tình cảm, những kinh nghiệm phong phú của nhà cách mạng đầy nghị lực, có học vấn vô cùng sâu rộng…
Năm 2020, cuốn Nhật ký trong tù được tác giả tái bản tại Đức nhân dịp 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Hùng - TTXVN
Viết đến đây, tôi lại nhớ lần gặp ông bà Scherner sau ngày thống nhất nước Đức. Không thể quên được hình ảnh Erhard lấy điệu bộ minh họa cho những điều mình nói:
- “Vâng, cũng có thể tên cai ngục đã liếc trộm qua vai Bác và lẩm bẩm: “Người tù kia làm thơ ư?”… Ông ta viết gì đấy nhỉ? À, à… thì ra toàn những chuyện xay thóc, gà gáy, vầng trăng… thế thôi…”.
Tên cai ngục ngu xuẩn ấy làm sao hiểu được tâm hồn của một bậc vĩ nhân! Chính đằng sau những hình tượng ấy, với sự am hiểu sâu sắc về văn học cổ điển Trung Quốc, Người gửi gắm những tâm trạng, những nỗi niềm sâu lắng nhất!”
Trong Lời bạt của lần xuất bản đầu tiên cũng như trong lần tái bản này, Erhard Scherner đã nói cùng bạn đọc của đất nước ông như sau:
“Tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ đầy tính nghệ thuật để tự khuyên mình và cũng là để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu: nhanh chóng tạo lại thế hợp pháp và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Người gửi gắm những tâm trạng, những nỗi niềm sâu lắng nhất. Lenin cũng đã có lần nói đến ý nghĩa của biện pháp ẩn dụ này. Cụ thể là Người đề cập “việc nền văn học cách mạng bị giám sát - cái ngôn ngữ Êdốp đáng nguyền rủa kia.
…Hình thức của các bài thơ được tổ chức một cách chặt chẽ về nhịp điệu, thanh điệu, số câu, số chữ mà Hồ Chí Minh đã tích lũy từ xa xưa. Phần lớn các bài viết trong tù của Người đều gồm từ một đến hai, nhiều lắm là ba khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt được cấu trúc nghiệm ngặt”.
Cũng trong Lời bạt, Erhard Scherner đưa ra một số bài thơ trong Nhật ký trong tù để phân tích đặc điểm cấu trúc nói trên, như các bài Đáo Quế Lâm (Đến Quế Lâm); Cảm tưởng đọc Thiên gia thi… Những phân tích đó nói lên rằng, dịch giả đã tìm hiểu khá sâu sắc về nội dung cũng như nghệ thuật của tập thơ.
***
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi qua hai lần gặp nhau đều kéo dài hàng hai, ba giờ đồng hồ liền. Vậy mà, dường như không ai thấy mệt, càng nói càng hào hứng, càng say sưa, tôi cũng mải mê ghi chép những điều ông bà Scherner nói và những ý nghĩ hiện lên trong câu chuyện. Tất nhiên, cũng có những giây phút thư giãn quanh nhà, giữa khu rừng thông yên tĩnh của xứ Schoene Linden này. Tôi còn nhớ mãi: phía sau nhà, cạnh những hàng thông cao vút và những rặng bồ đề, có một khóm tre xanh hiền hậu gợi lên phần nào khung cảnh Á Đông. Cả hai ông bà đều rất tự hào về khóm tre ấy, cho nên lần đầu tôi đến, vừa mới xuất hiện, họ đã khoe ngay. 44 năm rồi, tôi luôn nhớ đến khóm tre ở ngoại ô Berlin, đến ngôi nhà yên tĩnh trong một góc rừng. Ở đấy, cặp vợ chồng người Đức, hai nhà Hán học tên là Erhard và Helga Scherner đã có những năm tháng miệt mài dịch thơ Bác Hồ. Và tôi không quên lời Erhard khi chia tay tôi, cũng bên khóm tre xanh ấy:
“Xin nói riêng với nhau rằng: chúng tôi đã hết sức cố gắng trong công việc của mình. Đây là một công việc hoàn toàn tự nguyện, một công việc xuất phát từ tấm lòng. Chúng tôi cố gắng trung thành với vần thơ, nhịp điệu cho đến số chữ, số câu của từng bài thơ. Tôi cứ nghĩ: trong đời người ta chỉ cần được một lần gặp may mắn thực sự. Đối với vợ chồng tôi, việc dịch thơ Bác Hồ là một hạnh phúc lớn. 15 năm qua, với công việc này, chúng tôi luôn luôn mang trong lòng mình hình ảnh của Bác Hồ, hình ảnh của nhân dân Việt Nam chiến đấu. Ngược lại, với thơ mình, Bác Hồ như lúc nào cũng tâm sự cùng chúng tôi, như dạy dỗ, khích lệ chúng tôi. Dù hết sức cố gắng, chúng tôi biết công việc của mình vẫn chưa xứng đáng với tác phẩm nghệ thuật vĩ đại mà Người đã cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại. Nhưng, chúng tôi hết sức tự hào về công việc mình đã chọn lựa, và càng xúc động khi bản dịch hoàn thành đúng vào lúc miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, vào lúc những đoàn người chiến thắng nô nức tiến vào “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.