Theo Tổng cục Thuế, áp dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, như: Giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán. Không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí về thuế, thông qua sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Về phía cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần rút gọn các thủ tục đăng ký phát hành, báo cáo tình hình sử dụng, lập bảng kê hóa đơn; đồng thời ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ việc trốn thuế. Ngoài ra, thông qua hóa đơn điện tử, người mua hàng có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần, tránh rủi ro mất hóa đơn.
Sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và cơ quan quản lý. |
Thực tế, từ năm 2014, Bộ Tài chính đã khuyến khích một số doanh nghiệp đã có hạ tầng công nghệ thông tin thí điểm dùng hóa đơn điện tử, như các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viễn thông Quân đội (Viettel),... Bà Đặng Thị Ngọc Ánh, sống tại phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết, hóa đơn điện tử mang lại khá nhiều tiện ích cho người dân, chẳng hạn như việc thanh toán tiền điện. Khi đến kỳ nộp tiền điện, người dân chỉ cần nhớ mã khách hàng do ngành Điện cung cấp là có thể thanh toán mà không phải chờ in, phát hóa đơn như trước đây.
Ông Đinh Văn Thiện, Kế toán trưởng Công ty Giấy Xuân Mai, một trong những doanh nghiệp đầu tiên áp dụng hóa đơn điện tử cho biết, hệ thống quản lý dữ liệu khá tốt đã giúp giảm tình trạng sai sót trên hóa đơn; giảm bớt công việc cho bộ phận kế toán. Doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ việc tinh giản quy trình khai, nộp thuế.
Theo Tổng cục Thuế, sau thời gian thực hiện thí điểm, tính đến cuối năm 2018, đã có 253 doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, với 7.259.022 hóa đơn đã được xác thực, tổng doanh thu hơn 82.590 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cả cơ quan thuế và người nộp thuế có thời gian 24 tháng (từ ngày Nghị định có hiệu lực 1-11-2018 đến 1-11-2020) chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện. Hiện tại, Tổng cục Thuế đang triển khai kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các doanh nghiệp trên toàn quốc, đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật, bảo đảm việc triển khai hóa đơn điện tử trên diện rộng được vận hành trơn tru.
Hướng tới sự công bằng
Làm rõ thêm những mục đích khi áp dụng hóa đơn điện tử, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, việc thực hiện quy định mới sẽ không gây xáo trộn nhiều tới gần 2 triệu hộ kinh doanh. Thực chất, theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, những hộ kinh doanh lớn bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử, thực hiện sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai và không áp dụng thuế khoán. Với những quy định như vậy, các hộ này được ứng xử như một doanh nghiệp.
Cũng theo bà Tạ Thị Phương Lan, Bộ Tài chính đang xây dựng chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh và sửa đổi chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm sự tương đồng. Qua đó thúc đẩy các hộ kinh doanh lớn phát triển thành doanh nghiệp, tránh tình trạng núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế; lợi dụng hóa đơn của hộ kinh doanh để hợp thức hóa đầu vào cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định 119/ 2018/NĐ-CP quy định 100% hộ kinh doanh sẽ dùng hóa đơn điện tử. Vì vậy, Bộ Tài chính nghiên cứu áp dụng hai loại hóa đơn điện tử để phù hợp với thực tiễn, trong đó một loại áp dụng với hộ kinh doanh lớn có đủ điều kiện về công nghệ thông tin, có thể tự khởi tạo hóa đơn điện tử; một loại áp dụng cho hộ kinh doanh nhỏ không đủ điều kiện công nghệ thông tin, nhưng vẫn có thể sử dụng hóa đơn điện tử bằng cách trực tiếp đến cơ quan thuế để được khởi tạo. Đối với những nhóm kinh doanh nhỏ, như bán rau, đồ ăn sáng cũng không nên quá lo lắng, bởi Nghị định 119/2018/NĐ-CP vẫn quy định một nhóm hộ kinh doanh nhỏ không thực hiện sổ sách kế toán và không có nhu cầu sử dụng hóa đơn vẫn có thể nộp thuế khoán như bình thường. "Chắc chắn áp dụng quy định về hóa đơn điện tử sẽ mang lại sự công bằng hơn" - bà Tạ Thị Phương Lan khẳng định.