Công khai thông tin các công ty có chức năng xuất khẩu lao động sẽ giúp người có nhu cầu lựa chọn đúng. Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều kiểu “bắt chẹt” học viên
Được người quen giới thiệu, Nguyễn Hồng Vũ ở quận Hai Bà Trưng tìm đến Công ty cổ phần Hợp tác đào tạo quốc tế Kizuna ở số 18 biệt thự liền kề Khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), đăng ký làm hồ sơ đi học kỹ sư tại Nhật Bản. Theo hướng dẫn của ông Tạ Trung Kiên - người tuyển học viên - thì muốn đi Nhật Bản học kỹ sư phải có bằng chuyên ngành cụ thể. Vì thế, ông Kiên dẫn Vũ sang Trường Cao đẳng Công thương tại số 36 Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) đóng 40 triệu đồng để học lấy bằng cao đẳng liên thông. Sau khi có bằng, ông Kiên yêu cầu Vũ đóng 12 triệu đồng học tiếng Nhật tại trung tâm, kèm lời hẹn sau khoảng 6 tháng công ty xếp đơn hàng cho “bay”. Tuy nhiên, chờ mãi hơn 8 tháng không thấy đơn hàng, Vũ tìm hiểu mới biết nhiều người học ở đây cũng cùng cảnh ngộ, có người chờ gần một năm, thậm chí 2 năm vẫn tiếp tục chờ...
Tương tự như Vũ, những mong đi xuất khẩu lao động sang Nhật với hy vọng có vốn về kinh doanh, nhưng ước mơ của Đinh Văn Thiện, quê ở Ba Vì cũng đang “đóng băng”. Sau khi qua nhiều công ty xuất khẩu lao động tư vấn, Thiện đã học lấy chứng chỉ tiếng Nhật, học cao đẳng liên thông ngành cơ khí, nhưng cuối cùng cũng không thể “cất cánh” được do thi đơn hàng lần nào cũng “trượt”. Tìm hiểu kỹ Thiện mới biết, bằng cao đẳng rất khó “bay” vì đối tác Nhật Bản yêu cầu phải có bằng đại học chính quy. Thiện được người quen giới thiệu đến Tập đoàn Mono Vietnam-Fancom Group với hy vọng có bằng cao đẳng cũng "bay" được. Tại đây, Thiện được đại diện lãnh đạo Công ty cam kết 3-6 tháng được “bay”, nhưng phải đóng 10 triệu đồng học tiếng Nhật (không chấp nhận chứng chỉ đã học nơi khác), cộng thêm mức phí 8.500 USD. Mức này chênh tới 3.000 USD so với mức ban đầu được nhiều đơn vị tư vấn. Cái khó “bó” cái khôn, vì không thể có đủ số tiền này nên Thiện đành phải về quê làm ruộng lo trả nợ 50 triệu đồng đã vay học chứng chỉ tiếng Nhật và cao đẳng.
Ngoài hai trường hợp trên, không ít người dân nghèo vay tiền đóng vào công ty môi giới xuất khẩu lao động, song không đi được và cũng không lấy lại được tiền đã đặt cọc vì gặp phải đơn vị lừa đảo xuất khẩu lao động...
Công khai thông tin, xử lý nghiêm khắc
Thực tế, nhiều công ty tư vấn xuất khẩu lao động đã “lách” luật hoặc “vượt mặt” các nhà chức trách như: Nhận học viên vào lớp ngoại ngữ không giới hạn số lượng, thu học phí cao tới 12-15 triệu đồng/người/khóa, học viên trình độ khác nhau nhưng được xếp chung một lớp, giáo viên dạy kiểu “quay vòng”... khiến chất lượng học không cao.
Một buổi tư vấn xuất khẩu lao động đi Nhật Bản tại Công ty Tâm Phát (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm). |
Ông Hà Minh Tuấn, Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty Đầu tư kỹ thuật và Phát triển nguồn nhân lực Hataco Việt Nam đóng tại quận Cầu Giấy cho biết, nhiều đơn vị năng lực kém, không có đối tác tin cậy, nên khi cho học viên thi đơn hàng, chủ yếu đơn hàng “ảo”; hoặc có đơn vị bắt chẹt học viên đóng phí “thương mại” chênh lệch cao gấp đôi. Thậm chí, nhiều đơn vị được cấp phép nhưng không hoạt động, mà cho thuê lại giấy phép, hưởng “hoa hồng”, mặc cho đơn vị thuê giấy phép hoạt động tùy tiện...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đức Vỹ, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện 167/192 công ty có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố, có hơn 3 nghìn người được xuất khẩu lao động trong năm 2017, trong đó số lao động đi Nhật Bản chiếm nhiều nhất hơn 37%, Đài Loan (Trung Quốc) hơn 35%, còn lại phân bổ rải rác ở các thị trường khác. Ông Vỹ thừa nhận, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, cá nhân đưa người lao động đi xuất khẩu chưa nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định pháp luật, dẫn đến người lao động phải qua nhiều đầu mối trung gian, chịu nhiều chi phí vượt quá quy định của Nhà nước khi đi xuất khẩu lao động...
Ông Nguyễn Đức Vỹ cho biết thêm, để tránh tình trạng người lao động bị lừa đảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã công khai thông tin rộng rãi danh sách các công ty và chi nhánh có chức năng xuất khẩu lao động đóng trên địa bàn Thủ đô; đồng thời kiên quyết xử lý các sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động để chấn chỉnh hoạt động này, nhằm hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo và giảm chi phí cho người lao động. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm về nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và việc cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng này cũng như việc niêm yết công khai giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định... Đặc biệt Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các chính sách về xuất khẩu lao động tới người dân, định hướng cho người lao động tìm hiểu các quy định về xuất khẩu lao động...