“Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn.
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) bày tỏ ngạc nhiên trước phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước bị “đẩy” ra ngoài.
Đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, việc thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm toán trong dự luật sửa đổi lần này "là chưa thận trọng, chưa toàn diện về cơ sở pháp lý, thực tiễn, bởi cơ quan thuế mới thanh tra được 18% các DN thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa là 82% còn lại "vẫn là khoảng trắng chưa được kiểm tra, phát hiện.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. |
|
Đáp lại sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan quản lý thuế, hải quan luôn thực hiện rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Qua thanh tra, kiểm tra năm 2017 ngành thuế xử lý 55.000 tỷ đồng, thu ngân sách 16.000 tỷ, xử lý giảm lỗ 37.000 tỷ. Tương tự, khi cơ quan kiểm toán nhà nước tại cơ quan thuế đối chiếu với DN cũng phát sinh thêm số thu tăng thêm cho ngân sách. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp vướng mắc khi cơ quan thuế bị người nộp thuế kiện do cho rằng kết luận đối chiếu truy thu thuế của kiểm toán không thỏa đáng.
"Chúng tôi đề nghị, ai kết luận thì người đó phải giải trình trước tòa", Bộ trưởng Tài chính nói và nhấn mạnh, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu để quy định trong luật đúng Hiến pháp, pháp luật, cũng như đảm bảo quyền lợi người nộp thuế, các cơ quan liên quan.
Dùng quyền tranh luận, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên lụy đến cơ quan thuế. “Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế” - ông Phớc khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn.
Dẫn ví dụ đối chiếu các DN ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, Tổng Kiểm toán cho biết, thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu cho thấy chính việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều DN sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế. Hay kết quả kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu gần 1.750 tỷ đồng...
"Kiểm toán nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán, không chỉ chi tiêu công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình", Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định và nói thêm, "đụng" vào DN nào thì DN đó đều ý kiến, nhưng khi kiểm tra trở lại thì có DN đề nghị được nộp thuế mà không bị xử phạt.
Nhiều kẻ hở thất thu thuế
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nêu lo ngại về tình trạng chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước nhưng dự thảo luật chưa có quy định rõ ràng, thể hiện sự nhìn nhận chưa đúng mức độ nghiêm trọng của tình trạng đang rút tài nguyên đất nước để đưa ra nước ngoài này.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng công tác thuế phải có tư duy linh hoạt, bám sát xu thế của kinh tế số thế giới hiện nay. "Nếu quản lý như cũ thì những thách thức kinh doanh qua mạng nan giải mà ngành thuế sẽ đối diện sẽ tiếp tục diễn ra như các vụ việc của Uber, Grab...
Theo đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) các sự kiện mới đây như hoạt động kinh doanh game trực tuyến, bán hàng qua mạng... đã cho thấy thương mại điện tử đang nở rộ và mang lại thu nhập rất lớn. Dù ngành thuế đã có rất nhiều nỗ lực để thu thuế nhưng kết quả mang lại vẫn còn chưa sát với thực tế.
Các đại biểu cho rằng, cần xác lập một tầm nhìn dài hạn, quản lý thuế theo phương thức mới theo kịp xu thế chứ không chỉ dừng lại ở việc kê khai thu nộp điện tử áp dụng hóa đơn chứng từ điện tử như dự thảo.