Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

HNM| 19/04/2021 15:13

Sáng 19-4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (1/4/1951-1/4/2021) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang; Giám đốc Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội và các ban, bộ, ngành trung ương.

Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương với các đồng chí đại biểu và lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ...  gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ngày 1-4-1951, bệnh viện được thành lập tại làng Nông, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên gắn liền với các tên gọi: Bệnh viện Trung ương Yên Trạch, Phân viện 8, Quân y Viện 108, Viện Quân y 108 và ngày nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương trồng cây lưu niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Khi mới ra đời tại tỉnh Thái Nguyên, cơ sở vật chất của bệnh viện còn nghèo nàn, lạc hậu với 30 cán bộ, nhân viên phục vụ và 100 giường bệnh. Trong điều kiện đó, các chiến sĩ áo trắng của bệnh viện đã vượt qua mọi gian nan thử thách, vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa tham gia chiến đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1954, hòa bình lập lại, bệnh viện về Thủ đô Hà Nội và tập trung củng cố cơ sở vật chất để triển khai nhiệm vụ chuyên môn.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phát triển lớn mạnh, xây dựng được đội ngũ cán bộ thầy thuốc hùng hậu với hơn 700 bác sĩ, dược sĩ đang công tác gồm 45 giáo sư và phó giáo sư, hơn 150 tiến sĩ, hơn 280 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và thạc sĩ; hơn 1.800 điều dưỡng, kỹ thuật viên trong đó hơn 70% có trình độ cao đẳng và đại học.

Bệnh viện đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước (vào năm 1985 và năm 2018); 1 lần được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" (vào năm 2020) cùng nhiều huân, huy chương, cờ thi đua các loại của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương với các đồng chí đại biểu và lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Theo Trung tướng, Giáo sư - Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong 7 năm qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện liên tục tăng cao. Năm 2014, bệnh viện tiếp nhận trung bình từ 1.500 đến 1.800 người/ngày thì nay, số lượng bệnh nhân đến khám trung bình luôn ở mức 4.500 đến 5.500 người/ngày. Cùng với đó, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị người bệnh, trong đó có những kỹ thuật mũi nhọn đạt tầm khu vực và quốc tế.

Trung tướng Mai Hồng Bàng chia sẻ, bệnh viện cũng là một trong những trung tâm hàng đầu triển khai nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như: Ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan từ người cho sống, lấy - ghép đa phủ tạng từ người cho chết não...

Tháng 2-2018, bệnh viện đã tổ chức thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời cũng là ca lấy, ghép và vận chuyển đa phủ tạng xuyên Việt lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của y học nước nhà. Bên cạnh đó, vào tháng 1-2020, bệnh viện tổ chức thực hiện thành công lần đầu tiên ghép chi thể từ người cho sống và tháng 9-2020 thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện được 361 ca ghép mô tạng, trong đó ghép thận, ghép gan, ghép tủy, ghép tế bào gốc... thường quy, thực hiện thành công 3 ca ghép phổi từ người cho chết não; 2 ca ghép chi thể, góp phần nâng cao vị thế, trình độ của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện lên ngang tầm khu vực và thế giới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những thành tích rất đáng tự hào của những người thầy thuốc chiến sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng thời nhấn mạnh, suốt những năm tháng chiến tranh cũng như trong thời kỳ đổi mới, lớp lớp thầy thuốc, cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, "Thầy thuốc như mẹ hiền" vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng nơi đây trở thành 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu y khoa hàng đầu, có uy tín trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không chỉ làm chủ các trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại bậc nhất và các kỹ thuật mới, khó, phức tạp bậc nhất trong điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; bệnh viện còn thực hiện rất tốt nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn cho các bệnh viện tuyến dưới. Từ nơi đây, hàng trăm kỹ thuật y khoa mới; hàng nghìn bác sĩ chuyên khoa, tiến sĩ y khoa đã tỏa đi khắp mọi miền góp phần quan trọng phát triển mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quân.

Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gắn Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lên lá cờ truyền thống của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: TTXVN

Không chỉ nổi bật về chuyên môn, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng là một điển hình rất đáng tự hào trong đổi mới mô hình quản lý. Là một bệnh viện quân đội nhưng bệnh viện đã không tự giới hạn mình trong khám, chữa bệnh cho quân nhân, nghiên cứu, đào tạo về y học quân sự mà đã phát huy lợi thế riêng có của mình để góp phần ngày càng nhiều vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của toàn dân.

Đứng trước yêu cầu đặt ra với bệnh viện, đó là phát triển thành một trung tâm điều trị, nghiên cứu và đào tạo y khoa hiện đại mang tầm vóc quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, bệnh viện cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, giỏi về chuyên môn. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu kết hợp với công tác điều trị theo mô hình Viện - Trường, đồng thời mở rộng hợp tác với các cơ sở điều trị, nghiên cứu, đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế. Từ đó, hướng tới cung cấp dịch vụ y tế chất lượng không thua kém ở các nước phát triển để các bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị.

Phó Thủ tướng mong muốn bệnh viện tiếp tục tìm tòi, đổi mới mô hình, cơ chế quản lý để bất kỳ ai đã từng đến khám, chữa bệnh tại đây đều thực sự hài lòng, đều thêm tin yêu các thầy thuốc nơi đây. Cao hơn nữa, hình mẫu này sẽ được lan tỏa ra các bệnh viện quân đội và trong cả hệ thống y tế nước nhà.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong muốn, bệnh viện tiếp tục thực hiện thật tốt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, sẵn sàng kịch bản ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO