Tốn của vì mẹ chồng... tiết kiệm

Phương Nghi/giadinh| 18/02/2019 14:55

Những tưởng có mẹ chồng ở quê, với tính cách tằn tiện của bà, mẹ chồng sẽ là người giúp gia đình vào nề nếp sinh hoạt tiết kiệm hơn. Nhưng không ngờ, chính cách tiết kiệm không khoa học của bà lại khiến Hương Thảo lao đao vì tốn kém.

Hương Thảo có một tính cách phóng khoáng. Ngược lại, mẹ chồng cô lại là người tiết kiệm đến mức tằn tiện. Trước dịp nghỉ Tết, thấy con cái bận rộn quá, mẹ chồng cô muốn lên trông cháu giúp, cũng là để giúp việc nhà.

Ngày giáp Tết, công việc cơ quan nhiều, nên gần như mọi việc trong nhà, Hương Thảo đều phải nhờ đến mẹ chồng, từ đón cháu, tắm rửa cho cháu, rồi ăn uống trong nhà. "Đêm đó khi cả nhà đang ngủ thì bé con bị lên cơn đau bụng dữ dội. Làm mọi cách không hạ, cả nhà lo lắng đưa cháu vào viện. Hóa ra cháu bị ngộ độc thực phẩm. Sau một phen hết hồn thì hóa ra là do bà nội nấu lại thức ăn thừa đã để trong tủ lạnh trước đó đến gần tuần. Bà mang ra chế biến lại các kiểu rồi cho cháu ăn. Tôi thật hãi hùng!", Hương Thảo kể lại.

"Tôi chẳng biết bà tiết kiệm được bao nhiêu từ những việc tằn tiện như thế. Nhưng rõ ràng, con gái tôi đã bị phải vào viện và mất khoản tiền chẳng nhỏ. Vừa tốn của, vừa hao sức người". Hương Thảo cho biết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong bữa ăn hàng ngày, mặc dù ngày nào Hương Thảo cũng là người đi chợ, nhưng cứ tối về ăn cơm là lại thấy bữa cơm bà nấu chỉ một phần nhỏ những đồ ăn mà Thảo đã mua về. Hỏi thì mẹ chồng luôn nói: "Ăn vừa đủ tốt hơn là ăn thừa thãi!". Lo con đói, Hương Thảo lại chuẩn bị đồ ăn thêm thì lại bị mẹ chồng giận.

Khổ nhất là những buổi sáng sớm, Hương Thảo dậy chuẩn bị đi làm thì thấy mẹ chồng ôm chậu quần áo to đùng ra trước cổng giặt. Không đành, Thảo lại ngồi xuống vò quần áo cùng mẹ. Vò xong đống quần áo, chân tay rã rời, lại nhanh chóng tới chỗ làm cho kịp giờ. Nhưng vẫn chưa mệt bằng nhiều lần, buổi tối vợ chồng cô đi nghỉ, thì mẹ chồng lại ở nhà dưới ôm quần áo đi giặt. Dù cụ chẳng nói lời nào, nhưng Hương Thảo cũng đành xuống nhà làm cùng mẹ. “Nói mãi cụ chẳng chịu nghe, quần áo của bé con nhà tôi thì nhiều, lại mùa mưa, giặt bằng máy, vắt khô sẽ nhanh hơn, nhưng cụ vẫn khăng khăng mẹ làm được, kệ mẹ. Nhiều lúc nghĩ vừa bực, vừa thương.”

Ngày gần Tết, mẹ chồng kiên quyết phải gói bánh chưng để tiết kiệm, để sạch sẽ và quan trọng là để các cháu được sống trong không khí Tết truyền thống. Nghe lời chồng bảo "thôi cứ để bà làm gì cho bà vui là được!", nên Hương Thảo miễn cưỡng không đặt bánh bên ngoài. Mọi công đoạn cầu kỳ bà làm đã xong, riêng việc luộc là Hương Thảo kiên quyết thuê luộc vì nhà không có chỗ và để cho nhanh. Nhưng mẹ chồng nhất định yêu cầu phải mua cho bà nồi gang to để bà đun cho ngon và tiết kiệm. Cuối cùng, vì một cái Tết phục vụ luộc bánh chưng mà Hương Thảo phải chi thêm một khoản kha khá nhưng đồ vật dùng theo như nồi luộc, củi, bếp riêng.... "Tiết kiệm như cách của bà thực sự khiến mình hao thêm một khoản không cần thiết!", Hương Thảo giãi bày.

Rồi đỉnh điểm của sự tiết kiệm không đúng là những ngày Tết, khi cả nhà rục rịch chuẩn bị về quê, Hương Thảo mua rất nhiều đồ ăn trong tủ lạnh để khi Tết từ quê lên, cả nhà có cái dùng. Không ngờ ngay khi cả nhà vừa mở cửa bước vào nhà những ngày Xuân mới, là cả một mùi hôi nồng nặc xông vào mũi. Hóa ra vì muốn tiết kiệm điện trong những ngày về quê, mẹ chồng Hương Thảo đã rút phích cắm tủ lạnh. Thế là tất cả thức ăn trong tủ lạnh bị hỏng, hôi, thối. "Không những thế tủ lạnh vài lần bị rút điện như vậy chẳng biết thọ được đến bao giờ", Hương Thảo nói.

Mâu thuẫn về cách sống, nhất là việc chi tiêu giữa nàng dâu với bố, mẹ chồng là chuyện không hiếm. Người già thường có tâm lý dè sẻn bởi họ nghĩ mình không làm ra tiền nữa, tiết kiệm cũng là cho con cháu. Đôi khi, lối sinh hoạt tiết kiệm cũng xuất phát từ tính cách của mỗi người hoặc bởi vì họ đã sống trong điểu kiện khó khăn, thiếu thốn. Để tránh sung đột cả hai cần có sự dung hòa và thấu hiểu lẫn nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tốn của vì mẹ chồng... tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO