Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến (Công ty Luật Nguyễn Viết, Hà Nội) cho biết, mặc dù tội lừa dối khách hàng được quy định từ lâu trong Bộ luật Hình sự nhưng hầu như rất ít trường hợp bị khởi tố về tội danh này. Hành vi lừa dối khách hàng chủ yếu bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc được phân xử trong các vụ tranh chấp dân sự. Theo quy định về tội lừa dối khách hàng, hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng, ví dụ như tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để vụ lợi, thu lợi bất chính (tiền) của khách hàng...
Dù hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng có lẽ do việc khó xác định được là lỗi vô ý hay lỗi cố ý nên đa số các trường hợp xảy ra thì các cơ quan tố tụng chủ yếu để các đương sự giải quyết theo hướng dân sự. Hơn nữa, trong các giao dịch hàng ngày thường có giá trị (tiền) không nhiều hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố nên dù người bán hàng có sai nhưng không bị xử lý hoặc do khách hàng thấy phức tạp nên cũng không tố cáo. “Thực tế, chủ thể của tội phạm này là những người tham gia vào quá trình mua, bán và thường là người bán mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Hình phạt tù cao nhất của tội này lên đến 5 năm tù” – luật sư Yến nhận định.
“Mua gian, bán lận”
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, đây là nhóm tội xử lý trong hoạt động mua bán thương mại, nhằm mục đích đảm bảo việc giao thương, mua bán hàng hóa trung thực, rõ ràng, tuân thủ pháp luật. Lừa dối được hiểu là việc cung cấp thông tin, số liệu… sai sự thật hoặc khiến người khác tin tưởng là thật. Lừa dối khách hàng là việc tại thời điểm giao dịch bên bán tính gian hàng hóa dịch vụ để hưởng lợi một phần giá trị tài sản bất hợp pháp. Người mua không được hưởng đúng theo giá trị, khối lượng, chủng loại hàng hóa thật theo như thỏa thuận với bên bán.
Theo luật sư Hùng, đối với những hàng hóa đặc thù như: Bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ… thì hành vi lừa dối khách hàng thể hiện ở việc giao hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tính năng, quyền lợi, giấy tờ pháp lý, điều kiện sở hữu/sử dụng như cam kết của các bên khi mua bán hoặc theo quy định của pháp luật. Bên bán cố tình che giấu, cung cấp không đầy đủ thông tin hàng hóa, tính toán khối lượng, giá trị không đúng thực tế khiến cho bên mua không thể thực hiện đầy đủ quyền sở hữu/sử dụng của mình hoặc không thể sử dụng các dịch vụ theo như tính năng cam kết.
Điểm khác biệt với các tội về gian dối, chiếm đoạt khác (như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) là việc đối tượng không nhằm tới mục đích chiếm đoạt toàn bộ tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ… “Do đó, tội lừa dối khách hàng chỉ xử lý việc giao hàng thiếu, không đầy đủ, không đảm bảo tính năng cơ bản, không đúng các dịch vụ cam kết mà dân gian thường gọi là “mua gian, bán lận”, và số tiền chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên sẽ bị khởi tố về tội danh này. Quy định này nhằm đảm bảo việc mua bán hàng hóa trở nên trung thực, chính xác, người tiêu dùng được hưởng lợi tương xứng với giá trị tài sản họ bỏ ra mua” – luật sư Hùng nêu quan điểm. Tuy nhiên, luật sư cũng cho hay, phải có đơn của bị hại, cơ quan điều tra mới có thể khởi tố được tội lừa dối khách hàng.