Tôi làm báo Tết

Phan Quang/Người làm báo| 21/02/2018 10:47

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi mấy lần giục viết cho Tạp chí Người Làm Báo số đầu năm một vài kỷ niệm làm báo Tết, tôi cứ ngại ngần.

Tôi làm báo Tết

Báo Cứu Quốc số mùa xuân. Ảnh: TL

Làm báo Tết là một đặc sắc của báo chí Việt Nam, các nước phương Tây không có. Nó là một thú vui gian khó. Làm sao tạo được số đặc biệt đậm bản sắc báo mình mà vẫn bám sát diễn biến thời cuộc chung. Thời bao cấp, cái khó đầu tiên là chạy đâu ra giấy để tăng số lượng phát hành. Thời kinh tế thị trường, càng đậm nét chuyện “đầu tiên - tiền đâu”, vẫn phải vắt chân lên cổ tìm bạn đồng hành. Về nội dung, làm sao tươi mát, ấm sắc xuân, kết nối giao hòa báo chí với văn chương, nghệ thuật cho người đọc thưởng thức tác phẩm của mình đậm đà tựa thưởng ngoạn chén trà ngon đặc biệt đầu xuân.

Tôi cố tình dài dòng lê thê những điều ai cũng biết như trên là để chốt lại: Vậy mà kỷ niệm làm báo Tết lần đầu trong đời tôi là một kỷ niệm đẹp vui, hào hứng, gọn mà tươi như... một đóa hoa xuân vừa hái trên cành.

Ấy là vào cuối năm 1948, cách đây 70 xuân. Tôi về nhận việc ở báo Cứu Quốc Liên khu 4 mới được chừng 6 tháng. Tập tễnh vào nghề, nhưng trong điều kiện kháng chiến gian nan, cơ quan ít người, thiếu vốn, nhân tài vật lực đều hẻo cho nên anh lính mới tò te vẫn ngày ngày săn tin, viết bài, đi làm phóng sự như bất kỳ ai.

Cuối năm, tòa soạn chuẩn bị ra số báo đặc biệt mừng Xuân Kỷ Sửu 1949, dày gấp đôi số ngày thường. Dành mấy trang cho văn học. Trình bày và minh họa đã có cao thủ, họa sĩ Văn Bình tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Về thi ca, may quá, nhà thơ Xuân Diệu đến thăm ưu ái mang cho tờ nhật báo của Liên khu một bài anh vừa sáng tác. Tiểu phẩm có sẵn bài của Chế Lan Viên với trí tuệ khác người, hơi văn hóm hỉnh, ngày nào anh cũng có bài cho chuyên mục Chuyện đời, dưới ký tên “Mũi nhọn” - nhà thơ dùng bút danh ấy vì, theo như lời anh em nói, ông Chế có tính hay châm chọc mọi người, mọi thứ ông cho là chướng tai gai mắt trên đời. Tuỳ bút có bài ngắn gọn, hợp thể loại báo hằng ngày của nhà thơ Gia Ninh lại lãng đãng y như thơ ông, người chuyên Nhặt lại thời gian(1) , đại loại:

Thời gian mất, khôn tìm lại được
Không gian tàn, biến hóa mênh mang
Duy bóng thời gian lưu bộ nhớ
Duy hình không gian lưu mắt xanh...

Ngoài nhà thơ Xuân Diệu là cộng tác viên, còn lại các cây bút đều là thành viên tòa soạn. Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo là Trần Đức Hinh, trí thức người Hà Nội gốc, vào Huế dạy trường trung học Lyceum Việt Anh. Tản cư ra vùng tự do làm báo, anh vẫn nhớ Huế, nhớ chiến khu ở thượng nguồn sông Ô Lâu qua bản nhạc khá nổi tiếng “Nhớ Sông Bồ” cùng dạng với “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao.

Giữa dàn đồng ca bề thế như vậy của tòa soạn, tại buổi giao ban điểm lại việc chuẩn bị số báo đặc biệt mừng Xuân, nhà thơ Chế Lan Viên bỗng cao giọng xướng: “Vẫn thiếu cái truyện ngắn hay! Hoàng Tùng (bút danh Phan Quang thời ấy) vừa từ vùng địch hậu chiến trường ra, viết cái gì về Bình Trị Thiên đi!”. Tòa soạn đồng tình. Vậy là ngay trong ngày, cậu lính mới là tôi phải hì hục cày cho xong một truyện ngắn, với điều kiện không được quá dài 1.500 từ, muộn nhất sáng sớm mai phải có bài trình chủ nhiệm kiêm chủ bút báo.

Dựa vào ký ức, tôi viết một mạch truyện ngắn “Lửa hồng”. Câu chuyện thật ra còn giản đơn, sơ lược lắm. Gọi truyện ngắn là được, bởi các nhân vật toàn hư cấu, bảo bút ký không sai, do bối cảnh, thời gian, câu chuyện đều có thực.

Lụi cụi cuốc cày rồi nắn nót chép lại cho ngay ngắn để công nhân nhà in tiện đọc, đỡ xếp chữ sai. Cuối giờ chiều, mang bài sang nộp Sếp. Chủ nhiệm báo lịch sự đón bản thảo đã chép lại cẩn thận trên mấy trang giấy thô nháp đen xì, xeo bằng bột nứa, chăm chú đọc một mạch, thỉnh thoảng cầm cây bút mực đỏ của thầy giáo chỉnh sửa dấu chấm phẩy hoặc lỗi chính tả của học trò.

Tôi bồn chồn ngồi đợi. Đọc xong, anh chậm rãi đặt bản thảo xuống bàn, lấy chiếc thước kẻ nặng đè lên, rồi ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt tôi nói bằng tiếng Pháp “Un tableau très vivant!” (Một bức tranh thật sống động). Chỉ có thể. Không bình luận gì hơn, nhà lãnh đạo rút từ túi áo ngực cây bút Parker mạ vàng sang trọng và hơi lạ lẫm trong môi trường kháng chiến gian nan, ký tên lên đầu góc trái bản thảo.

Truyện ngắn Lửa hồng chiếm gần trọn trang báo Cứu Quốc - Xuân Kỷ Sửu, có tiếp sang trang sau một đoạn vì cần dành hai cột báo bên phải, hơi lùi thấp xuống một ít, trang trọng đóng khung in với kiểu chữ nghiêng bài thơ Trở về của Xuân Diệu, Vua thơ tình:

Cũng bởi vì tôi nhớ tôi mong
Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại...

Trở lại với Hà Thành, với Quy Nhơn, Bình Định hay trở lại với ai trong “nhân gian, vũ trụ” như ông viết, dù sao nhất thiết nhà thơ sẽ trở lại.

Như đôi chân rón rén
Trong đêm vui hò hẹn...

Sáng sớm tinh mơ hôm số báo đặc biệt mừng Xuân xuất xưởng khỏi nhà in, nhà thơ Hoàng Yến thư ký tòa soạn mang tờ báo còn thơm mùi mực - “thơm” là tôi bắt chước người xưa nói văn hoa, chứ “hôi” mới chuẩn xác, bởi mực in ta chế bằng hắc ín pha dầu thực vật tỏa mùi khó ngửi lắm - chạy sang nhà bác nông dân nơi tôi ở nhờ, dí vào mặt chàng trai mặt còn non choẹt: - “Này, xem đi! Xuân Diệu khép nép bên cạnh Hoàng Tùng thế này!”.

Sau Tết, gặp nhà thơ đến thăm và chúc Tết tòa soạn báo, Xuân Diệu bắt tay tôi khen: “Truyện ngắn Hoàng Tùng viết tốt quá!”.

Lời động viên của bậc đàn anh làm tôi mừng rơn, mừng đến tận hôm nay, sau 70 xuân xanh.

Có thể gọi đó là kỷ niệm lần đầu tôi làm báo Tết, cũng có thể bảo đó là sáng tác đầu tay của nhà báo được in trang trọng trên số báo mừng Xuân, mở đầu một đời nghề báo nghiệp văn với quan điểm báo và văn là con cùng một mẹ, cho nên văn, báo bất phân, trong báo có văn, trong văn có báo./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tôi làm báo Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO