Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội

30/07/2018 09:03

Báo trân trọng đăng toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, diễn ra sáng 28-7.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương, lãnh đạo Thành phố; các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;

Kính thưa các vị đại biểu khách quý, thưa toàn thể các đồng chí!

Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15, về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, theo đó toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hợp nhất vào thành phố Hà Nội. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Quyết định đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội vào thời điểm đó, đã tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội hôm nay, tạo thế và lực cho Thủ đô của nước ta, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, từ buổi vua Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư về Đại La, đổi tên là thành Thăng Long. Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã trở thành kinh đô của Đại Việt xưa và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Việc quyết định mở rộng Hà Nội chính là sự tiếp nối quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, địa thế Hà Nội được củng cố, phát triển, trải dài từ chân núi Tam Đảo đến dãy núi Ba Vì linh thiêng và huyền thoại, với “thế rồng cuộn, hổ ngồi”, nơi hội tụ khí thiêng sông núi.

Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển.

Với quy mô diện tích 3.344,7 km2 (tăng 3,63 lần), dân số tăng gấp 1,5 lần, hiện nay là 7,65 triệu người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 67,8%, với hơn 1.350 làng nghề truyền thống, 5.922 di tích lịch sử, trong đó, có 2.396 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp Thành phố. Nhiều di sản văn hóa đặc sắc của văn hóa Thăng Long, 36 phố phường, văn hóa xứ Đoài, và nhiều vùng văn hóa khác… Tất cả các tiềm năng đó, là điều kiện để Thủ đô thực hiện tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn lực tiềm tàng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững. 

Trước và trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có nhiều vấn đề khó khăn, mới mẻ, thách thức cùng với nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra, đó là: quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư còn nhiều. 

Bên cạnh đó, khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất rất lớn. Các khó khăn khách quan như: trận lụt lịch sử năm 2008; hệ lụy do suy giảm kinh tế toàn cầu từ năm 2008; dân số cơ học tăng nhanh, hạ tầng kinh tế - xã hội toàn Thành phố còn thiếu và chưa đồng bộ,...

Song, với ý thức trách nhiệm trước Trung ương và nhân dân cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm, “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo cấp ủy hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đã nhanh chóng tiến hành các nội dung công việc để tiến hành hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, đảm bảo vận hành thông suốt ngay từ đầu và không làm gián đoạn hoạt động của đời sống xã hội, của nhân dân, của doanh nghiệp... 

Những nhiệm vụ cấp bách được tập trung giải quyết ngay như: hợp nhất nguyên trạng tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt công tác cán bộ, công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đảm bảo nguyên tắc tập trung - dân chủ, lấy yêu cầu công việc, chất lượng cán bộ là thước đo để bố trí cán bộ. Trong một thời gian rất ngắn, bộ máy của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đi vào vận hành, đảm bảo mọi công việc được diễn ra suôn sẻ, khai thác tối đa, phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ, tiềm năng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Quá trình triển khai nhiệm vụ, Thành phố luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Thành phố cũng đã thực hiện nghiêm túc, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là đã khai thác hiệu quả những chính sách chiến lược, các văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, tạo cơ chế phù hợp đối với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô được Trung ương ban hành.

Trong đó, Thành phố đã chủ động, khẩn trương thông qua các nghị quyết về những nội dung liên quan, nhằm cụ thể hóa và sớm đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống; vận dụng linh hoạt những cơ chế đặc thù mà Luật đã xác lập cho Thành phố, để giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền Thành phố.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội

Kính thưa toàn thể các đồng chí!


Trong bối cảnh những năm vừa qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước: 

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. 

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần).

Không gian kinh tế được mở rộng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008. Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề được khuyến khích phát triển. Đến nay, trên địa bàn có 1.350 làng nghề và làng có nghề (tăng 70 làng so với năm 2010).

Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,03 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hàng năm 15,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút từ 1986 - 2015.

Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Chỉ số PCI tăng liên tục, từ xếp thứ 53 lên thứ 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 17 lên thứ 2 vào năm 2017. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Hệ thống y tế phát triển đồng bộ; 100% phường, xã có trạm y tế; các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Các hình thức chăm sóc sức khỏe nhân dân được đa dạng hóa, bước đầu hình thành cơ sở y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Thành phố đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020.

Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. Đến nay, đã có 16 trường được công nhận chất lượng cao. Trong 10 năm, đã xây mới 434 trường, có thêm 943 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 62%. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục trung học phổ thông; là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học.

Bản sắc văn hoá truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hoá xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hoá đã được UNESCO vinh danh; thành phố Hà Nội - biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh. 

Chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các mô hình “Gia đình văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Đơn vị văn hóa”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đặc biệt, phong trào “Người tốt, việc tốt” phát triển sâu rộng và nhiều phong trào thi đua khác đã và đang lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội ở các địa phương, đơn vị. 

Đến nay, tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, Làng văn hóa đạt 60%, Gia đình văn hóa đạt 86,5%. Đã triển khai thực hiện 02 bộ: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”. Đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô, những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc được đẩy mạnh.

Trong hoạt động thể thao thành tích cao, các vận động viên của Hà Nội luôn đóng vai trò nòng cốt trong các đoàn thể thao Việt Nam (khoảng 30% số các thành viên) tham dự SEA Games, ASIAD và Olympic và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tỷ lệ dân số thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao tăng lên từ 27,5% năm 2010 đến nay đạt 43%.

Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, đã có 04 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống điện lưới Quốc gia được phủ khắp các địa bàn, đảm bảo phục vụ nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2008 - 2017 đạt 88.647 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đến nay đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008.

Chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Thành phố đã rà soát, ban hành nhiều văn bản, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% năm 2008 đến nay còn 1,69%. Hiện nay, Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống. Không có hộ chính sách thuộc diện nghèo. Là đơn vị đầu tiên trong cả nước, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng; sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo vào cuối năm 2018. Số người được giải quyết việc làm trung bình hàng năm đạt khoảng 140 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp từ 3,18% năm 2009 đến nay giảm xuống 2,44%.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra khi hợp nhất và định hướng phát triển không gian theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố đã triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung nhằm mục tiêu phủ kín 100% diện tích; đến nay, đã phê duyệt 57/68 đồ án. Ngay sau khi hợp nhất, Thành phố đã triển khai 329/642 đồ án phát triển không gian đô thị. Hiện nay, đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án lớn như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; phát triển Thành phố thông minh tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài;… 

Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với phát triển nhà ở. Tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, đến nay, đã hoàn thành và đang thực hiện 43 dự án nhà ở xã hội với trên 4 triệu m2 sàn. Diện tích nhà bình quân năm 2017 đạt 25,6 m2/đầu người. Đã tổ chức giao đất dịch vụ được 339,7 ha, cho 39.029 hộ, đạt 60,9%. Cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,11%. Tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng và đô thị với 2.299 dự án, 12.855 ha đất được bàn giao.

Hạ tầng đô thị, cây xanh cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, quản lý trật tự văn minh đô thị có chuyển biến. Triển khai mạnh mẽ các chương trình: Chương trình cấp nước sạch vùng nông thôn đến nay đạt 52%; các dự án cấp nước sạch theo hình thức xã hội hóa đã phủ được 94% dân số vùng nông thôn; diện tích cây xanh đạt 7,94 m2/người; chiếu sáng đô thị - nông thôn, cải tạo hồ nước được quan tâm,… Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội

Công tác phòng ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái được tăng cường; đẩy mạnh công tác dự báo, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, kho tàng, bến xe ra khỏi trung tâm Thành phố.

Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng Chính quyền điện tử dần được hình thành, nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin đã có sự chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực thúc đẩy công tác cải cách hành chính. Đã kết nối mạng WAN đến các sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 phường, xã, thị trấn. Đã có 538/1.833 các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4. 

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn. Thủ đô tiếp tục giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình, luôn là điểm đến an toàn cho mọi người dân, du khách trong và ngoài nước. An toàn, bình yên đang dần trở thành một thương hiệu của Thủ đô. Quan hệ đối ngoại, hội nhập phát triển được rộng mở, ngày càng thực chất và hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng Sông hồng và các địa phương trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được thường xuyên quan tâm, coi trọng, thực sự là khâu then chốt. Đảng bộ Thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII) bước đầu đạt nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có chuyển biến tốt hơn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, chính quyền có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới. Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp được giữ vững và phát huy.

Với các thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng lần 3 vào năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014 và Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2018.

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Chúng ta vui mừng, trân trọng, trước mỗi thành công và tiến bộ trong 10 năm qua; song cũng luôn băn khoăn, trăn trở, tự phê bình nghiêm túc về những việc chưa làm được, cùng với những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại, cần phải được nhanh chóng sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới, đó là:

Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu; Chất lượng tăng trưởng, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh còn thấp; Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông, còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, công tác lập quy hoạch còn chậm, nhiều bất cập; Công tác cải tạo các khu chung cư cũ còn chậm; Hạ tầng đô thị, khắc phục úng ngập, ùn tắc giao thông, kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường chưa tốt. 

Phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đúng mức, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Công tác giáo dục - đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm, tình trạng quá tải của hệ thống trường công lập chưa được giải quyết dứt điểm. 

Tình hình khiếu kiện tập trung đông người, an ninh nông thôn, tội phạm, vi phạm môi trường và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. 

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy hành chính có nơi, có lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính ở một số đơn vị chuyển biến chậm. Đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức còn thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, nhất là ở cơ sở chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, kết quả công tác vận động quần chúng có nơi còn hạn chế.

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Nhìn lại bức tranh 10 năm sau hợp nhất, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào, phấn khởi trước những thành quả bước đầu đã đổi thay toàn diện, sâu sắc, dần có tính bền vững trên các lĩnh vực. Chúng ta lại càng tự hào về đất và người Tràng An, về Thủ đô văn hiến, thành phố nghìn năm tuổi đang chuyển mình mạnh mẽ, với những bước tiến đột phá và hội nhập toàn diện. Những thành tựu đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, vào sự tổ chức, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, các ngành của Thành phố, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ trong những năm tới.

Phát huy những thành tựu đạt được, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, hoàn thành những mục tiêu mà nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra với Đảng bộ, chính quyền Thành phố, góp phần tạo thế và lực mới, xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng là trái tim, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, để không ngừng vươn lên, giải quyết tốt những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài.

Trước mắt, cùng với việc tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI và các chương trình, kế hoạch công tác của Thành ủy, Thành phố cần tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. 

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Con đường phía trước đang mở ra với cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi chúng ta phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, nỗ lực không ngừng vươn lên. Với truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương, của các tỉnh, thành bạn, của đồng chí, đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế. 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ quyết tâm phát huy những thành tựu đã đạt được; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo; tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực công tác; hoàn thành và hoàn thành tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, kiên trì với mục tiêu xây dựng một Thủ đô Hòa bình, Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. 

Xin kính chúc các Quý vị đại biểu, các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO