Trong làn mưa xuân và muôn hương sắc, bạn hãy tận hưởng cảm giác hạt mưa li ti thấm vào mặt, vào cổ, hòa với đất trời... và lãng du trên phố cùng cây hoa sưa đang vào độ nở đẹp nhất. Bắt đầu từ phố Phan Chu Trinh, qua vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Vạn Xuân, phố Phan Đình Phùng, vườn Bách Thảo, lên núi Sưa, quay lại phố Điện Biên Phủ, về Hồ Gươm... thỏa thuê ngắm nhìn. Vẫn đang tiết giữa xuân, mà ngay trên vườn hoa Vạn Xuân, cây thì được trời nhuộm lá thành quầng màu vàng lộng lẫy; cây thì cho vầng hoa trắng tinh khôi, hòa sắc với hoa ban “nữ hoàng” tím đỏ, đẹp không bút nào tả xiết. Lạ lùng nữa, đôi cây sưa trên đường Điện Biên Phủ đã bắt đầu ra lá non, màu xanh ngọc xen với hoa trắng, thu hút nhiều tay máy “ta”, “tây” đội mưa đến đây, chớp hình ảnh độc đáo của Nàng Xuân.
Hà Nội thật là đất dành cho người từ bốn phương tụ hội về đây, dựng nghiệp và thưởng lãm vẻ đẹp trời ban. Cây sưa đã được trồng trên các phố cổ, phố cũ từ thuở nào; núi Sưa chỉ thuần loại sưa đỏ, sưa trắng, xưa kia mọc thành rừng, nay đã được đánh số để bảo vệ cây gỗ quý, bỗng một ngày bừng sáng khi vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ của hàng ngàn bông hoa sưa nhỏ xinh, hương dìu dịu, năm cánh trắng muốt trên thân cành gầy guộc khiến bao người rung cảm... Hoa sưa với vầng trắng thanh khiết như tận hiến vẻ đẹp cho người giữa gió xuân hây hẩy, nắng non dìu dịu. Sức sống bất tận đời cây, từ khi dệt thảm lá vàng ruộm trong không gian, tới khi thân cành khẳng khiu nâu sẫm thì bất ngờ bung nở trút hoa bời bời chỉ trong hai tuần, rồi nảy lộc xanh ngọc như thiếu nữ đương thì... cho ta bao cảm hoài xuân xanh đang trôi trong nhịp thời gian bất tận.
Bừng sáng như thiên thần áo trắng, hoa cho ta biết sống tận lòng, biết yêu những điều giản dị quanh ta và cảm nhận sâu sắc hơn câu nói mà thuở học trò thầy ta từng dạy, cái đẹp chính là sự giản dị, như ngàn cánh hoa sưa thêu bức tranh diễm lệ giữa trời xuân nay.
“Tháng Giêng rét đài/ Tháng Hai rét lộc”... Cái rét tháng Hai của thế kỷ XXI, mặc áo khoác mỏng, tự thưởng chuyến du lịch quanh phố, ngắm hoa sưa, đã khác rất xa với cái rét buốt thon thót những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, mặc áo len cũ sù sụ, quấn chặt khăn quanh cổ và mặt, chỉ hở đôi mắt, đạp xe đi học, đi làm. Khi đó, cây sưa lẫn đi, chìm đi trong màu xanh bất tận của những đường cây xà cừ sum suê. Nay những khối hộp bê tông, những tòa nhà chọc trời mọc lên ngày càng nhiều cả trong nội đô và trên những cánh đồng ngoại thành, thì cây hoa sưa mộc mạc càng trở nên quý hiếm. Ước ao, và mong lắm những “cụ sưa” trên núi Sưa, những “bác sưa” trên phố cổ, phố cũ, được chăm sóc, bảo vệ, sẽ trường thọ, tỏa bóng mát cho con cháu. Và những ngả đường mới, hiện đại, chạy tít tắp ra xứ Đoài, xứ Đông, xứ Bắc, với những khu đô thị mới, sẽ có cây sưa với hoa trắng tinh khôi làm đẹp cho đường phố, cho người Thủ đô được thư thái, sống chậm trong thời số hóa đã vào nhịp sống thường ngày ở thành phố này.