Hội Kiến trúc sư Hà Nội vừa phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo "Một số vấn đề cần đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành phù hợp với quy định Luật Quy hoạch". Tại buổi tọa đàm đông đảo các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đã cùng nhau bàn thảo về những hạn chế, tồn tại trong công tác quy hoạch đô thị đồng thời đưa ra những giải pháp trong công tác quy hoạch nhằm hướng tới sự phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Một số đồ án thiết kế quy hoạch đô thị của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội được giới thiệu tại buổi tọa đàm.
Bất cập và chưa đồng bộ
Năm 2017, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (ngày 24/11/2017), và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Theo Luật Quy hoạch, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ nhất định. Kiến trúc sư Bùi Xuân Tùng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội khẳng định, hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017 mang tính tổng hợp đa ngành, là tiền đề để lồng ghép, phối hợp các loại hình quy hoạch, tạo điều kiện để đổi mới thể chế quy hoạch đô thị và nông thôn dựa trên các quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch ngành, qua đó đạt mục tiêu phát triển đô thị cân đối, hài hòa, hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác lập quy hoạch đô thị hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập và chưa đồng bộ. Kiến trúc sư Lê Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng CDCC cho rằng, quy hoạch dự báo chậm và thiếu chính xác, không bắt kịp nhu cầu và phát triển của xã hội, các chỉ số về dân số, quy hoạch đất cây xanh, công trình công cộng, giao thông đô thị chỉ ở tầm nhìn ngắn hạn 5 - 10 năm là lạc hậu. Ngôn ngữ kiến trúc công trình thiếu tính chủ đạo về tổ chức kiến trúc đô thị, gần như các nhà quản lý, nhà quy hoạch, kiến trúc sư đang thỏa hiệp và chiều lòng chủ đầu tư, không bảo vệ được tính khoa học đúng đắn, thẩm mỹ trong kiến trúc, dẫn đến thực tế nhiều tuyến phố mới mở nhưng bộ mặt đô thị vẫn lộn xộn nhếch nhác bởi các nhà xiên méo, nhà xây vượt tầng...
Kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng thì minh chứng: “Nhiều dự án vẫn trong trình trạng bỏ hoang, đầu tư xây dựng dở dang; ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn diễn ra; khiếu kiện vẫn xảy ra tại nhiều nơi,…”. Và nguyên nhân được ông lý giải đó là do hệ thống quy hoạch chồng chéo, trùng lặp gây tốn kém nguồn lực, hệ thống Luật còn chưa đồng bộ, giảm hiệu quả của các quy hoạch; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tầm nhìn xa. Thêm nữa, công tác xây dựng kế hoạch, thẩm định, triển khai theo kế hoạch còn nhiều hạn chế; nhiều nơi còn thiếu chương trình và kế hoạch phát triển đô thị, trong công tác giám sát, kiểm tra thực hiện vẫn còn nhiều bất cập...
Hướng tới sự phát triển bền vững
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến tham luận cũng đã đề cập tới những giải pháp trong công tác quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho rằng, đổi mới quy hoạch đô thị theo hướng hợp nhất là tất yếu và cần thiết bởi tính ưu việt này đã được khẳng định qua các thành công trên thế giới. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Vũ Hoài Đức để có sự đổi mới cần phải xem xét lại hệ thống quy hoạch đô thị, trong đó cần loại bỏ loại hình quy hoạch phân khu, chỉ nên có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý. Thêm nữa, cũng cần xác định rõ lĩnh vực cần tích hợp, nội dung cần đổi mới và đặc biệt là cần có sự minh bạch trong thông tin quy hoạch.
Kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh: “Đối với Thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, các kiến trúc sư, đặc biệt các nhà quản lý về quy hoạch đô thị cần tiếp tục cố gắng, nghiên cứu, tập trung định hướng đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị, sao cho phương pháp lập quy hoạch tích hợp với các quy hoạch ngành; phù hợp với nền kinh tế thị trường, đáp ứng được số đông dân cư đô thị; tạo ra những sản phẩm quy hoạch đô thị bền vững, đô thị thông minh...
Cũng đề cập tới việc đổi mới trong công tác quy hoạch, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội lại nhấn mạnh đến sự hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong việc đổi mới quy hoạch. Theo ông, Hà Nội được yêu mến, được bạn bè quốc tế lui tới không phải là bởi những nhà cao tầng, không phải là những khu đô thị dày đặc, mà chính bởi những di sản văn hóa từ ngàn năm văn hiến. Vì thế, ông cho rằng quy hoạch đô thị ở Hà Nội phải đặc biệt lưu ý đến đặc thù này, phải lưu giữ, biến những di tích, di sản đó thành tài nguyên, tinh hoa của Thủ đô; tạo ra những không gian để di sản của ông cha vẫn còn hiện hữu, để nó là niềm tự hào của người Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng đối với giới chuyên môn việc lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành là vấn đề không mới nhưng việc cập nhật vấn đề này theo quan điểm mới một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá lại các quy hoạch đô thị đã và đang làm trước đây thì gần như chưa có. Đây cũng chính là lý do mà Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trên cơ sở nội dung chuyên đề “Một số vấn đề cần đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành phù hợp quy định Luật Quy hoạch” do kiến trúc sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu. “Sau buổi tọa đàm, chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến để kiến nghị với cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao công tác lập, thẩm định, phê duyệt, phổ biến quy hoạch đồng thời khắc phục những tồn tại trong quá trình phát triển đô thị của Hà Nội.” - Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải cho biết.