Ông Nguyễn Công Bằng - Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Thành phố Hà Nội
PV: Hà Nội luôn đi đầu trong phong trào thi đua khen thưởng trên cả nước. Xin ông cho biết, những kết quả, đóng góp nổi bật nhất của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của thành phố trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Công Bằng: Có thể khẳng định hiệu quả thiết thực của các phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã tạo động lực to lớn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô năm 2019.
Qua các phong trào thi đua, “Người tốt, việc tốt” của thành phố đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, cải cách hành chính, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới; những hành động dũng cảm, những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ và nhân dân Thủ đô đang từng ngày, từng giờ góp sức xây dựng Thủ đô. Hàng năm thành phố xét chọn và biểu dương tôn vinh 10 công dân Thủ đô ưu tú có đóng góp tiêu biểu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Năm 2019, là năm thứ 10 thành phố tổ chức vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”; thành phố biểu dương, khen thưởng hơn 700 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu. Đây chính là những hạt nhân tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô.
PV:Được biết Hà Nội đồng thời là một trong những điểm sáng của cả nước về triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như đa dạng các hình thức biểu dương, khen thưởng. Ông có thể chia sẻ về sự sáng tạo này?
Ông Nguyễn Công Bằng: Thực ra làm việc gì cũng vậy, luôn đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo và không ngừng đổi mới. Công tác thi đua khen thưởng cũng không ngoại lệ. Bắt đầu từ năm 2015, thành phố phát động và triển khai cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và đến nay đã duy trì liên tục 5 năm. Cuộc thi đã lôi cuốn được sự vào cuộc của toàn xã hội, với tiêu chí phát hiện được đưa lên hàng đầu đã khuyến khích mọi người dân và chính quyền các cấp phản ánh và giới thiệu kịp thời các tấm gương điển hình, các mô hình hay, cách làm tốt trong tất cả các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội.
Cùng với đó, việc nhanh chóng tiếp nhận thông tin, thẩm định, đề xuất khen thưởng và tổ chức trao tặng của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp cũng góp phần biểu dương, nêu gương kịp thời để mọi người cùng học tập và làm theo, có tác dụng tạo sự lan tỏa và phát huy, tiếp nối những việc làm tích cực trong cộng đồng, xã hội.
PV:Từ những kết quả đã đạt được, vậy TP. Hà Nội có những chỉ đạo gì để đẩy mạnh chất lượng công tác thi đua, nhằm đưa phong trào thi đua của thành phố phát triển sâu rộng, toàn diện hơn nữa?
Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2019, thành phố tiếp tục đẩy mạnh Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; tập trung nâng cao hiệu quả của tổ công tác chuyên đề phát hiện và đề xuất khen thưởng điển hình tiên tiến từ thành phố đến cơ sở, qua đó kịp thời khen thưởng và tuyên truyền nêu gương để mọi người cùng học tập, làm theo. Triển khai thực hiện các phong trào thi đua gắn với từng lĩnh vực, đối tượng như: phong trào “Người tốt, việc tốt” trong cán bộ, công chức, viên chức được triển khai gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người cùng với phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; trong đó tập trung nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ nhân dân, thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và tổ chức, công dân, làm việc tốt cho cộng đồng xã hội; qua đó đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, "Năm dân vận chính quyền 2019". Phong trào “Người tốt, việc tốt” trong lao động sản xuất được triển khai gắn với phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”, “Khởi nghiệp sáng tạo”, thi đua lao động giỏi, cải tiến sáng kiến kỹ thuật, phát triển sản xuất kinh doanh với những cách làm mới, sáng tạo của doanh nhân, công nhân, nông dân, kỹ sư... đã tích cực góp phần phát triển kinh tế, cải thiện an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, phong trào “Người tốt, việc tốt” được lan tỏa trong cả cộng đồng, lôi cuốn được sự tham gia của mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi, từ người cao tuổi, đến các cháu thiếu niên nhi đồng, từ cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương đến người nước ngoài đang học tập, công tác trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của cán bộ và nhân dân Thủ đô.
PV:Thực tế cho thấy còn rất nhiều những tấm gương điển hình tiên tiến, những công việc thầm lặng trong xã hội chưa được phát hiện và biểu dương, khen thưởng. Vậy theo ông cần có những giải pháp gì để tiếp tục lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, góp phần đẩy lùi những việc làm tiêu cực trong xã hội?
Ông Nguyễn Công Bằng: Chúng ta đều biết rằng, thi đua khen thưởng xuất phát từ các cá nhân mà cá nhân nằm trong các tổ chức đặc biệt là tổ chức nằm tại các cơ sở, địa bàn dân cư hay cơ quan đơn vị cấp cơ sở, do vậy chúng tôi hướng đến tiêu chí người dân, người lao động để tạo sự lan tỏa từ chính những con người bình dị cao quý ấy. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây thành phố phát động cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, đây là một trong những giải pháp để nối dài cánh tay của các cấp chính quyền và các tổ chức làm thi đua khen thưởng đến người dân, cán bộ công chức. Cụ thể, mọi người sẽ phát hiện và viết về những người tốt xung quanh đồng thời giới thiệu cho các cơ quan khen thưởng các cấp để đề nghị khen thưởng.
Ông Nguyễn Công Bằng trong buổi tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt TP. Hà Nội
Năm nay, Ban Thi đua khen thưởng hàng tuần tổng hợp những gương người tốt, việc tốt do sở, ban, ngành, quận, huyện giới thiệu cũng như những gương được phát hiện dưới góc độ báo chí để chúng tôi tổng hợp biên tập, phối hợp UBND thành phố, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Chủ tịch các quận, huyện, Giám đốc các sở ban ngành và các báo đài của Hà Nội tuyên truyền giới thiệu qua đó tạo sự lan tỏa, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu.
PV:Năm 2019, tròn 10 năm TP. Hà Nội xét tặng và tổ chức vinh danh công dân Thủ đô ưu tú. Để công tác thi đua khen thưởng tiếp tục phát huy tác dụng, thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển, cùng Thủ đô đổi mới, phát triển và hội nhập, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2019 và 2020 tập trung nhiều ngày kỉ niệm lớn của Thủ đô và đất nước. Do vậy, song song với việc phát động các phong trào, các đợt thi đua chào mừng kỷ niệm, thành phố chú trọng xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với mục đích, yêu cầu của mỗi đợt thi đua, giúp cho việc đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất khen thưởng được chính xác. Đồng thời để tiếp tục có những hạt nhân trong phong trào thi đua của thành phố, Ban Thi đua khen thưởng dự kiến đề xuất tham mưu cho thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, các quận, huyện, đơn vị thuộc thành phố trên cơ sở xét tặng các công dân Thủ đô ưu tú của thành phố cũng phải xây dựng các tiêu chí để hàng năm lựa chọn được những công dân ưu tú, hoặc công chức, người lao động tiêu biểu của địa phương mình, của cơ quan mình. Qua đó, thành phố sẽ tập hợp được những gương điển hình ưu tú từ cơ sở để xét chọn. Đấy sẽ là hạt nhân phong trào từ cơ sở.
Trân trọng cảm ơn ông!