Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao kết quả ngành Kiểm toán đã đạt được trong những năm qua, đồng thời cho rằng, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tuy thành lập muộn nhưng đã có bước phát triển nhanh và mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhấn mạnh những thành tích nổi bật mà ngành kiểm toán đã đạt được, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá Kiểm toán Nhà nước luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, ngày càng tiếp cận gần hơn với những tiêu chuẩn quốc tế trong chuyên ngành kiểm toán; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo hoạt động thu chi ngân sách và việc sử dụng tài sản công, đem lại hiệu quả rõ rệt, thu hồi lượng tiền lớn cho ngân sách nhà nước, tạo được niềm tin đối với Đảng và nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, nếu Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm tốt hoạt động kiểm toán thì tiềm lực kinh tế của quốc gia sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán nhà nước là cơ sở tin cậy để Quốc hội đưa ra những quyết định đúng trong việc phân bổ nguồn ngân sách; là căn cứ để Chính phủ điều hành nền kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan hoạt động theo cơ chế đặc thù, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, do đó những kết luận của Kiểm toán phải thực sự hiệu quả và chất lượng, từng bước xứng đáng với địa vị pháp lý của mình.
Nhấn mạnh, đối tượng của Kiểm toán rất rộng và sắp tới sẽ còn rộng hơn, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, hoạt động Kiểm toán Nhà nước muốn đạt được hiệu quả thì phải đi vào trọng tâm, luôn bám sát Nghị quyết của Đảng; góp phần đấu tranh phòng, chống lãng phí, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Để kịp thời cung cấp thông tin có giá trị thực tế, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, cũng như việc quản lý, sử dụng tài sản công, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, biết lắng nghe, thận trọng, có phương pháp hoạt động khoa học và đạo đức nghề nghiệp; chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống lãng phí, tập trung vào những đối tượng có dấu hiệu vi phạm để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, cao nhất trong 25 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 160 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 146 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Sáu tháng đầu năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước là 19.105,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 31 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Qua kiểm toán cho thấy, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng còn bất cập, sai sót, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 1.678 tỷ đồng; hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến; nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, sai khối lượng, đơn giá... Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.
Kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn... Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 334 tỷ đồng.
Qua kiểm toán các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 10.896 tỷ đồng. Kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm và bất cập chính sách quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng; kiến nghị xem xét thu hồi hơn 7.500.000 m2 đất tại các địa phương được kiểm toán.
Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu sự phát triển lớn mạnh và có ý nghĩa trọng đại đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong cộng đồng các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vinh dự được lựa chọn là nước chủ nhà đăng cai Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) diễn ra từ ngày 19 đến 22-9 tại Hà Nội, với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
Việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai Đại hội ASOSAI 14 và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, khẳng định vị trí và vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Công tác phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua luôn được chú trọng và tăng cường. Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc
Kiểm toán nhà nước triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Kiểm toán Nhà nước....