Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng lồng ghép vào các danh hiệu văn hóa
Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội được huyện Đan Phượng triển khai thực hiện lồng ghép với các mô hình xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, tạo ra những hiệu quả rõ rệt với tỷ lệ đạt các danh hiệu văn hóa năm sau đều cao hơn năm trước.
Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, ngay khi UBND Thành phố ban hành 02 Quy tắc ứng xử, UBND huyện đã xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai tuyên truyền, thực hiện hiệu quả 02 bộ quy tắc ứng xử của Thành phố; hướng dẫn lồng ghép những nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong việc sửa đổi, bổ sung Quy ước tổ dân phố và các nội dung xây dựng nông thôn mới, tiêu chuẩn xây dựng “thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”.
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quy tắc ứng xử; Tổ chức in phát hành tờ rơi, cuốn tài liệu Quy tắc ứng xử đến cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị huyện, xã, thị trấn, Chủ nhiệm nhà văn hóa, trưởng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố… Thực hiện niêm yết và thường xuyên rà soát, bổ sung niêm yết 02 bảng Quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, trung tâm Văn hóa – Thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, di tích lịch sử – văn hóa.
Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16/5/2019 của UBND thành phố về việc đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.
Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể huyện tích cực triển khai các nội dung liên quan tới việc thực hiện 02 Bộ Quy tắc ứng xử: Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua của các cấp, các ngành phát động.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả hương ước, quy ước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tham gia xây dựng và củng cố “Tổ hòa giải 5 tốt” ở cơ sở. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 22 của Huyện ủy trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội và ứng xử văn hóa tại cấp huyện, cấp xã. Tập trung triển khai tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện; Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; Ban Dân vận Huyện ủy triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023… Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung: Xây dựng nền hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hành công việc theo nội dung “Kỷ cương – Trách nhiệm – Tận tình – Thân thiện”; định hướng cho cán bộ, công chức các chuẩn mực giải quyết công việc với tổ chức và công dân, thực thi công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc huyện chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan trong thực thi công vụ, thời gian làm việc, trang phục đảm bảo lịch sự, phương thức làm việc khoa học, gọn gàng, ngăn nắp, gương mẫu về đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật…
Tiêu biểu phải kể đến việc triển khai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng được cụ thể hóa bằng các mô hình như: Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp; Mô hình thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh; Mô hình Tổ dân phố kiểu mẫu, Mô hình sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi; mô hình Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả; Mô hình phòng cháy chữa cháy cộng đồng, mô hình camera an ninh; Mô hình hướng dẫn Nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; Mô hình di tích lịch sử văn hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn tại các di tích lịch sử trên địa bàn; mô hình làng nghề an toàn về an ninh trật tự, mô hình “tổ xung kích phòng chống tội phạm”, mô hình “nhà trường an toàn về an ninh trật tự”…
Ở các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố phát động phong trào thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng những việc làm thiết thực: Đảm nhận vệ sinh môi trường các công trình công cộng, tham gia công tác tự quản các tuyến đường, các điểm văn hóa lịch sử… Tổ chức các phong trào và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được huyện lồng ghép với các mô hình xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã tạo ra hiệu quả rõ rệt. Kết quả, tỷ lệ đạt các danh hiệu văn hóa, năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2022 tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 92,2%; 99,2% làng, cụm dân cư; 88,9% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Phấn đấu năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ước đạt 92,5%; 89,3% làng, 88,9% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Đồng thời gắn thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng với mô hình xây dựng thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng chia sẻ, huyện nhận thức rất rõ việc cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử cũng chính là tinh thần xuyên suốt của huyện ủy – HĐND – UBND huyện Đan Phượng và các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đối với sự nghiệp văn hóa, các nội dung về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa của huyện và trong đó quy tắc ứng xử ngay từ những ngày đầu triển khai.