Chuyển động Hà Nội

Thực hiện hương ước, quy ước góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Ly Ly 13:10 11/06/2024

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở.

Sáng ngày 11/6, tại Trung tâm Văn hoá quận Tây Hồ, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024 cụm số 01 gồm các quận: Tây Hồ, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Ba Đình.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Minh Thái, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; đại diện Lãnh đạo quận Tây Hồ, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các phường, các đồng chí Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận thuộc các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Giữ gìn truyền thống, phát huy dân chủ ở cơ sở

Hội nghị tập huấn là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch công tác năm 2024, đồng thời với mong muốn tiếp tục được cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia triển khai trực tiếp trong công tác quản lý, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước tại cơ sở.

img_8129.jpeg
Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Hương ước đã tồn tại khá lâu và có những bước phát triển thăng trầm trong đời sống xã hội của nước ta từ xưa đến nay.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trong thời gian qua góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bài trừ các hủ tục lạc hậu; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh.

3.jpg
Đồng chí Hoàng Minh Thái, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ tại Hội nghị.

Trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Thái, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, hương ước, quy ước có vai trò quan trọng trong đời sống tại cộng đồng dân cư như: giáo dục truyền thống, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng dân cư; hình thành ý thức bảo vệ nhau trong cộng đồng; bồi đắp đặc trưng văn hóa vùng miền; phát huy dân chủ nhất định ở cơ sở, góp phần bảo vệ trật tự an ninh tại địa phương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của địa phương. Tuy nhiên, hương ước xưa có những hạn chế nhất định như: đôi khi tạo cục bộ của địa phương... do vậy, phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.

Đồng chí Hoàng Minh Thái cũng đưa ra một số điểm mới trong Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư so với Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước như: phạm vi điều chỉnh; quy định các biện pháp thưởng, phạt; bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp, gián tiếp đến xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước...

Nhân dân được hưởng lợi

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương đã báo cáo những nét nổi bật công tác quản lý về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước trên địa bàn quận Tây Hồ thời gian qua.

4.jpg
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương báo cáo tại Hội nghị

Theo đó, trong những năm qua, phát huy giá trị của quy ước tổ dân phố trong hoạt động xây dựng văn hoá cơ sở, cùng với nỗ lực của chính quyền các cấp, các hoạt động văn hoá cơ sở trên địa bàn quận Tây Hồ đã thu hút được sự tham gia vô cùng nhiệt tình, trách nhiệm của nhân dân. Điển hình là nhân dân tự giác góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, tôn vinh các lễ hội có ý nghĩa giáo dục đạo đức con người bằng việc gìn giữ, bảo tồn và đề xuất ghi danh di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ, nghề xôi Phú Thượng. Đó là việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của ông cha như nghề trồng đào, trồng quất, làm trà sen và khôi phục lại những làng nghề mai một như giấy dó Yên Thái, cá cảnh Yên Phụ… Hay là việc hàng trăm người dân ban ngày lao động sản xuất, tối đến lại cùng nhau tập văn nghệ, để mỗi người dân là một diễn viên tuyệt vời làm nên những chương trình nghệ thuật chất lượng cao trên sân khấu của Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ như Phú Thượng – Niềm Tin ngày mới, Xuân La – Hà Nội một trái tim hồng... Đặc biệt, là những đóng góp thiết thực của người dân vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị xanh – sạch – đẹp – văn minh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chính là một minh chứng sống động cho việc thực hiện tốt các quy ước tổ dân phố đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò của hương ước, quy ước chính là phát huy những nét đẹp văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng dân cư phát triển tốt đẹp hơn.

2.jpg
Quảng cảnh Hội nghị tập huấn.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng được nghe báo cáo của đại diện đến từ cơ sở như: Tổ dân phố số 28, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; Tổ dân phố số 7, Địa bàn dân cư số 3, Phường Thành Công, quận Ba Đình; Tổ dân phố số 1, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm; Tổ dân phố quận Hoàng Mai; Khu dân cư số 3, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào các vấn đề như: thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp của dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội; phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; góp phần tập hợp nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân, chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024 là cơ hội để các đại biểu cập nhật với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, được tiếp cận với những nội dung mang tính chuyên sâu kết hợp với kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của đồng chí giảng viên. Ban tổ chức mong muốn rằng, thông qua những ý kiến, trao đổi tại Hội nghị, các đơn vị có thể áp dụng vào thực tiễn hoạt động của mình nhằm triển khai có hiệu quả nhất công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước ở địa phương./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếp thêm làn gió mới cho điện ảnh Thủ đô
    Trong bối cảnh hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật sôi động và đều khắp của Thủ đô thì “bức tranh gam trầm” của điện ảnh Hà Nội thời gian qua khiến cho những người trong cuộc không khỏi băn khoăn, trăn trở. Cũng bởi thế Đề án Liên hoan phim ngắn Hà Nội được Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phê duyệt mới đây như một làn gió mới tiếp thêm sinh lực mới, khơi dậy sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Thủ đô.
  • Ghi chép của Lê Quý Đôn về một số di tích ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội
    Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh thành đến nay đã gần tròn 300 năm. Kể từ khi ông còn thơ ấu cho đến hiện tại, người đời vẫn thường dùng nhiều mỹ từ để ca tụng ông như: thần đồng đất Việt, nhà bác học kiệt xuất, “tập đại thành” lớn của dân tộc Việt Nam… Các nghiên cứu về Lê Quý Đôn cũng luôn ghi nhận công lao đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Lê Quý Đôn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hóa và khoa học vô cùng quý báu.
  • “Sa Pa giữa trời mây trắng” - kết nối vẻ đẹp và tâm hồn Tây Bắc
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách “Sa Pa giữa trời mây trắng" của hai tác giả Nguyễn Thái Bình và Phạm Hoàng Hải. Cuốn sách là nguồn tài liệu quý giá dành cho những ai yêu thích du lịch, muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người vùng đất Tây Bắc Việt Nam.
  • Hội phụ nữ huyện Mê Linh tiếp tục hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024
    Tính đến hết tháng 6 năm 2024, các cấp Hội phụ nữ huyện Mê Linh, Hà Nội đã kết nối và tặng trên 700 suất quà cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.
  • Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" mang lại nhiều tiện ích cho người dân
    Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm giúp mỗi người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hương ước, quy ước góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO