Thủ tướng họp về Đề án thành lập thị xã Sa Pa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cuộc làm việc về Đề án thành lập thị xã Sa Pa và các phường thuộc thị xã Sa Pa trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa diễn ra sáng 15-3, tại trụ sở Chính phủ với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo tỉnh Lào Cai, huyện Sa Pa.
Đây là cuộc làm việc thứ 2 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vòng 2 năm qua về việc nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa, địa danh có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 6 dân tộc Kinh, Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và tỉnh Lào Cai, thời gian qua Lào Cai đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển Sa Pa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Số lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng hằng năm (tăng trung bình 23,4%/năm). Riêng năm 2018 đã đón khoảng 2,5 triệu lượt khách.
Trên địa bàn huyện Sa Pa hiện có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành; có nhiều dự án lớn đã hoàn thành như: Quần thể khu du lịch, vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; Công viên văn hóa Sa Pa... Hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, dịch vụ viễn thông... đã được ưu tiên đầu tư, nâng cấp đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đô thị trên địa bàn huyện Sa Pa.
Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe đến nay, Sa Pa đã trở thành khu du lịch đại chúng, nảy sinh nhiều bất cập về văn minh du lịch, thương mại, cần phải có mô hình tổ chức quản lý phù hợp để giải quyết tốt những phát sinh về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Xuất phát từ hiện trạng phát triển nhanh, toàn diện của đô thị Sa Pa và để Sa Pa thực sự trở thành đô thị trọng điểm về quốc phòng, an ninh trên tuyến hành lang biên giới Việt - Trung, ý kiến của Bộ Nội vụ cũng như các đại biểu cho rằng, việc thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở huyện Sa Pa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai khẳng định, biên chế, kinh phí không thay đổi dù Sa Pa được nâng cấp lên thị xã. Điều quan trọng của việc nâng cấp này là để có bộ máy chính quyền quản lý cho phù hợp trước sự phát triển nhanh chóng của Sa Pa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua trong việc hoàn thành các tiêu chí để Sa Pa trở thành thị xã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận Đề án được chuẩn bị công phu, trách nhiệm, khách quan, được đánh giá kỹ lưỡng, được đưa ra thảo luận nhiều lần trên tinh thần hướng đến một đô thị loại IV.
Sa Pa là một trung tâm du lịch của Việt Nam, của tỉnh Lào Cai, một điểm đến nổi tiếng. Việc đưa Sa Pa thành thị xã là khách quan, thực tế, do yêu cầu của sự phát triển, không chỉ về kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh.
Do đó, Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần có bộ máy quản lý phù hợp với sự phát triển. Đặc biệt, Đề án chỉ nâng cấp từ huyện lên thị xã mà biên chế, kinh phí tỉnh Lào Cai không xin trung ương bổ sung mà tự cân đối, tự tăng cường đội ngũ, “nói lên tinh thần tự lực cánh sinh, quyết tâm của tỉnh Lào Cai trong vấn đề đưa Sa Pa thành thị xã”. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần này.
Căn cứ vào các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Thủ tướng nhất trí việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thị xã Sa Pa và các phường của thị xã Sa Pa theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hoàn thành các thủ tục có liên quan để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Lào Cai phải quản lý xã hội tốt, quản lý quy hoạch, ranh giới hành chính tốt đối với Sa Pa. Giữ gìn văn hóa đồng bào các dân tộc, đây là yếu tố rất quan trọng, cùng với điều kiện khí hậu, tự nhiên ở khu vực, “chứ không có văn hóa đồng bào các dân tộc thì Sa Pa mất hẳn sự hấp dẫn”. Điều này tỉnh Lào Cai, chính quyền Sa Pa cần chú ý.
Thủ tướng yêu cầu Lào Cai tiếp tục phát triển và bảo vệ rừng, giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ, màu xanh của Sa Pa. Cần thu hút phát triển với chất lượng cao hơn, chú trọng quốc phòng, an ninh, đoàn kết dân tộc.
Các bộ, ngành cùng với tỉnh Lào Cai quan tâm đến sự phát triển của Sa Pa đúng hướng, nhất là kết nối phát triển hạ tầng. Có cơ chế tạo điều kiện cho Sa Pa phát triển thời gian tới. “Tôi đã góp ý nhiều lần với lãnh đạo tỉnh về một Sa Pa văn minh, lịch sự, trật tự, vệ sinh, điều rất quan trọng đối với sự phát triển”, Thủ tướng nói, để làm sao đến Sa Pa, du khách ấn tượng mãi về một vùng đất, con người mến khách, cộng đồng hiền hòa.