Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế

TTXVN| 05/04/2018 21:38

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRC) từ ngày 4 đến 5-4 tại Siem Reap, Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với chủ đề “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mê Kông”, Hội nghị có sự tham gia của thủ tướng 4 nước thành viên Uỷ hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Cùng tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và Bộ trưởng Môi trường Myanmar, là hai nước đối tác đối thoại của Uỷ hội, cùng nhiều đại diện của các đối tác phát triển khác.

Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại thành phố Hồ Chí Minh và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất cho rằng, Uỷ hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020, hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mê Kông, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông, cải tổ bộ máy Ban Thư ký của Uỷ hội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thống nhất công thức đóng góp niên liễm hàng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030, mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mê Kông mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực; áp dụng bộ các thủ tục của Uỷ hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mê Kông, nhất trí Uỷ hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mê Kông - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng. 

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siêm Riệp ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mê Kông, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mê Kông và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mê Kông 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội. Từ đó, Tuyên bố đề ra các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Uỷ hội thời gian tới gồm có việc tận dụng tốt các cơ hội phát triển và xử lý các thách thức thông qua một tiến trình chung của cả lưu vực, có tính tổng thể, bao trùm và đa ngành. Thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Kông, bao gồm tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính; thực hiện tất cả các thủ tục của Uỷ hội nhằm sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hợp lý và công bằng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc khai thác bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mê Kông là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các nước. Thủ tướng nhấn mạnh, quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người. 

Về các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Uỷ hội cần tập trung ưu tiên tăng cường thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Uỷ hội trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên. Cùng với đó là xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hoà quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung; tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mê Kông và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng.

Để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, Uỷ hội đã tổ chức Hội thảo quốc tế trong hai ngày 2, 3-4 và Hội nghị Bộ trưởng ngày 4-4. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng, ngoài Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Sông Mê Kông quốc gia còn có các đại diện của hai nước đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và Ban Thư ký Uỷ hội Sông Mê Kông quốc tế.

Thành công của Hội nghị Cấp cao lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, sự gắn bó lâu đời giữa các quốc gia trong lưu vực trong quản lý và sử dụng bền vững sông Mê Kông.

* Uỷ hội Sông Mê Kông quốc tế được thành lập từ năm 1995, là tổ chức khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phát triển chung. Từ năm 2010, Uỷ hội bắt đầu họp Hội nghị Cấp cao định kỳ 4 năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên và đều vào ngày 5-4 là ngày ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 (thường gọi là Hiệp định Mê Kông 1995). Hội nghị cấp cao lần thứ nhất được tổ chức năm 2014 tại Hủa Hỉn, Thái Lan và Hội nghị Cấp cao lần thứ hai được tổ chức năm 2014 tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

* Chiều 5-4, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rời Siêm Riệp, Vương quốc Campuchia về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc thành công chuyến tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO