Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Tổng cục Thuế

Đăng Nguyễn| 01/02/2018 09:41

Chiều 31/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 của Tổng cục Thuế. Đây là tổng cục thứ 2 mà Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ (trước đó là Tổng cục Thống kê).

Phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng cục Thuế, một trong những tổng cục có số lượng cán bộ đông nhất nước với 44.000 người, Thủ tướng nêu ra 5 kết quả nổi bật của ngành thuế. Đó là thu ngân sách nhà nước (NSNN) lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, có 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ đồng, 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng (tăng thêm 16 địa phương so với năm 2015).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Tổng cục Thuế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP).


Thứ hai, tỷ trọng thu nội địa 2 năm 2016-2017 chiếm khoảng 76,2% trong tổng thu NSNN, cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (chiếm khoảng 68%).


Thứ ba, hiện đại hóa ngành thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý thuế.


Theo đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2017 tăng 81 bậc (từ thứ hạng 167 lên 86) theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN, hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19. Đây là mức tăng thứ hạng nhanh nhất trong 10 tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của năm 2017.


Thứ tư, tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện Chống xói mòn cơ sở thuế (BEPS), đã ký kết Hiệp định thuế với 77 quốc gia, cơ quan thuế Việt Nam đã thiết lập quan hệ với hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế.


Thứ năm, đội ngũ cán bộ công chức đã có nhiều bước trưởng thành, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu thích ứng với yêu cầu của đổi mới, hội nhập.


Biểu dương nỗ lực, kết quả của ngành thuế, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, tồn tại cần khắc phục như công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... tuy có tiến bộ, nhưng chuyển biến còn chậm. Chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.


Chính sách thuế hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế, trong khi đó hoàn toàn có thể mở rộng cơ sở thuế sang các hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng… Thủ tướng cho rằng, chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Cơ chế kiểm soát hóa đơn còn nhiều kẽ hở, nên để xảy ra tình trạng doanh nghiệp trốn thuế hay tăng chi phí đầu vào, chuyển giá, trốn thuế.


Trong năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.


Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.


Cho rằng những mục tiêu này là rất nặng nề, đòi hỏi cơ quan thuế cả nước phải có những giải pháp cụ thể, đơn vị thực hiện cụ thể và trách nhiệm cụ thể, Thủ tướng gợi mở một số ý. Đó là tiếp tục hiện đại hóa ngành thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khai thuế, nộp thuế, quản lý thuế, từng bước giảm dần sử dụng tiền mặt.


Tổng cục Thuế phải dành nhiều thời gian nghiên cứu chiến lược cải cách chứ không phải chỉ lo xử lý sự vụ.


Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ.


Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế cần tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập. Bảo đảm chính sách được xây dựng ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chính sách phải lấy người nộp thuế làm trung tâm, đối tượng phục vụ, quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Khi thiết kế chính sách thuế chú trọng mở rộng cơ sở thuế thay vì tăng thuế suất ngay cả khi bắt buộc phải tăng thuế suất thì phải kết hợp hài hòa với mở rộng cơ sở thuế.


Thủ tướng Chính phủ đề nghị, việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.


Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, gây mất công bằng, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn. Tiến tới sớm hơn nữa thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ khi bán hàng hóa, dịch vụ.


Đề xuất giải pháp làm sao bao quát có nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: Chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ. Tổng cục Thuế cần triển khai sớm Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân.


Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tác động của chính sách thuế, chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu thuế và thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế.


Cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá từng cục, từng đơn vị, từng cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, nhiệm vụ cụ thể để chúng ta cải cách đổi mới.


“Ngành thuế phải làm sao người tài, am hiểu, thông tuệ được vào ngành để cải cách đổi mới”, Thủ tướng nói và yêu cầu khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đáng lo ngại ở một bộ phận cán bộ thuế. Dẫn kết quả điều tra của VCCI cho thấy chi phí bôi trơn của doanh nghiệp cho công chức thanh tra, kiểm tra thuế vẫn còn lớn, Thủ tướng cho rằng, ngành thuế cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này. Ngành thuế nên đưa ra thông điệp “Cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực”. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.


Về dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng đề nghị ngành thuế tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh trước, trong và sau Tết, làm sao ngay sau Tết phải thúc đẩy sản xuất, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về thuế./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn”
    Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cùng các cộng sự giới thiệu và ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn” tại TP Huế.
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở
    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22-11-2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.
  • VinFast VF 3 – Sành điệu, chất chơi trên mọi nẻo đường
    Được định vị là chiếc xe đi phố, VinFast VF 3 gây bất ngờ lớn với ngay cả chủ xe khi dễ dàng chính phục nhiều cung đường khó nhằn trong hành trình hàng nghìn km.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Tổng cục Thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO