Tham dự buổi làm việc, về phía Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội Vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về phía TP Hà Nội, dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu mở đầu, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Có nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật được ban hành để triển khai chủ trương quan trọng này, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Trong Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị có nội dung: “Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.
Thực hiện Kết luận này, Thành ủy Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội trình các cấp có thẩm quyền thông qua để triển khai thực hiện.
Thủ tướng đánh giá cao Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, công phu, thận trọng trong nghiên cứu, xây dựng đề án này. Hà Nội đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, có báo cáo một bước với các cơ quan của Quốc hội.
Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã tổng hợp, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến. Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến các bộ, ngành.
Hôm nay, Ban Cán sự đảng Chính phủ và một số cơ quan của Trung ương làm việc với Thành ủy Hà Nội để nghe, góp ý trực tiếp vào Đề án quan trọng này. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, đồng thời giữ vững các nguyên tắc của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý cho Thành ủy Hà Nội hoàn thiện Đề án với chất lượng tốt nhất, sau đó trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo để có thể sớm triển khai trên thực tế, góp phần tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Hà Nội đã chủ động, khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”. Việc tổ chức hội nghị báo cáo, xin ý kiến Chính phủ là một trong những bước đi quan trọng, giúp Hà Nội có những ý kiến chỉ đạo, góp ý hoàn thiện nội dung Đề án trước khi chính thức trình, báo cáo Bộ Chính trị.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, bao gồm các cơ chế, chính sách phân cấp cho thành phố.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung đã trình bày Tờ trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Nội dung tập trung vào sự cần thiết, căn cứ vào cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng Đề án; thực trạng tổ chức chính quyền thành phố; định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình mới với mục tiêu nâng cao tính tự chủ cho chính quyền thành phố trong các quyết định quản lý và phát triển đô thị bằng việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, thiết kế, xây dựng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn và quản lý phù hợp, bảo đảm việc quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao, giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Tiếp theo, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu thành phố đã có những ý kiến đánh giá, trao đổi, góp ý toàn diện về các nội dung, kết cấu cũng như việc tổ chức thực hiện Đề án khi được thông qua. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng có các đề xuất Chính phủ về một số vấn đề trong thủ tục phân cấp, ủy quyền, lộ trình xây dựng, triển khai Đề án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo và kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chủ động, khẩn trương chỉ đạo quá trình chuẩn bị, nghiên cứu xây dựng Đề án một cách công phu, bài bản, khoa học, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước cũng như tham khảo, tiếp thu những mô hình, kinh nghiệm hiện đại, hiệu quả của các đô thị lớn trên thế giới. Đây là một nội dung mới, khó nhưng Hà Nội đã có những bước đi thận trọng, bảo đảm đầy đủ các quy trình, quy định.
Biểu dương những thành tựu, kết quả ấn tượng của Thủ đô đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thời điểm cần thiết, phù hợp để có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt của Hà Nội đối với đất nước, giúp Hà Nội tháo gỡ những vấn đề, lĩnh vực còn bất cập, ràng buộc, chưa thông thoáng. Tinh thần xây dựng Đề án là phải tạo ra cơ chế tốt hơn cho Thủ đô, bám sát nội dung Kết luận số 22-KL/TƯ, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Trung ương, bảo đảm nguyên tắc hiến định, phù hợp với pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các cấp chính quyền trong các nhiệm vụ quản lý; tổ chức thí điểm theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy, có lộ trình phù hợp, chắc chắn với yêu cầu phục vụ tốt hơn cho người dân.
"Cái gì Hà Nội làm tốt hơn thì phân cấp cho Hà Nội làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho ý kiến về một số nội dung, quy định cụ thể trong Tờ trình, Đề án, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, rà soát lại, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các đề án luật liên quan mà Chính phủ đang xây dựng, trình Quốc hội sắp tới. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp cùng thành phố thẩm định, đánh giá, cho ý kiến hoàn thiện để xây dựng, triển khai thành công Đề án.