Thủ tướng chủ trì hội nghị về ĐBSCL: Không để “nước chảy lá môn”

Đức Tuân/Chính phủ| 18/06/2019 11:14

Hôm nay (18-6), tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chủ trì hội nghị về ĐBSCL: Không để “nước chảy lá môn”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2017 tại Cần Thơ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây được xem là diễn đàn có quy mô lớn về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tập trung bàn về 3 vấn đề trọng tâm. Đó là đánh giá thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc; xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Hội nghị lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Cách đây 2 năm, tại hội nghị được tổ chức lần đầu ở thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp rằng, “ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chúng ta đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện, không có cán bộ làm việc thì như người ta nói 'nước đổ lá môn', chảy tuồn tuột hết. Hằng năm phải kiểm điểm vấn đề chúng ta đã nói hiện nay xem đã làm đến đâu, sẽ làm đến đâu và phải làm gì để phát triển ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.

Từ đó đến nay, tại nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc làm việc và các hoạt động khác, Thủ tướng luôn quan tâm, nhắc nhở việc tập trung thực hiện Nghị quyết 120 cũng như cần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này đến đâu.

Trong 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

Ngày 13-4-2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu đã hỗ trợ vùng ĐBSCL 28 dự án (8 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển).

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với số kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn.

Các địa phương trong vùng triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến Bạc Liêu.

Tỉnh Sóc Trăng với tổng kinh phí 152 tỷ đồng xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt tại các địa bàn xung yếu. Tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi…

Tại hội nghị cách đây 2 năm, Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

Sau hội nghị đó, Nghị quyết 120, được xem như nghị quyết “thuận thiên”, ra đời nhằm tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL, tạo thế và lực để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị hôm nay, các đại biểu sẽ nghe các phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, một số đối tác phát triển, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL; đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 120, nhiệm vụ trong thời gian tới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì hội nghị về ĐBSCL: Không để “nước chảy lá môn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO